- Ngày 4/2, BS. Nguyễn Văn Châu - GĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua hậu kiểm định kỳ chất lượng sữa hồi cuối năm 2008, gần 100% mẫu sữa bột có hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn TCVN hoặc tiêu chuẩn tự công bố của cơ sở. Khoảng 500kg sữa không đạt yêu cầu đã bị cơ quan chức năng thu hồi, buộc tái chế và tiêu huỷ.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra chất lượng sữa như một hoạt động hậu kiểm định kỳ, thường quy. (Ảnh: H.Cát)
Trước khi nhận được công văn số 10/VPPN-NTD ngày 4/10/2008 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (văn phòng phía Nam), về kết quả khảo sát melamine và các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm sữa, từ ngày 7/8 đến ngày 28/10/2008, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành hậu kiểm 5 công ty sản xuất, kinh doanh, chế biến sữa bột. Bao gồm Cty TNHH Húng Lâm, cơ sở Như Trang, Cty TNHH CBTP TM Hoàng Khang, Cty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát, Cty CP TP Dinh dưỡng Đài Hoa.
13/15 mẫu đều có hàm lượng đạm (protid) không đạt theo TCVN 5538:2002 hoặc thấp hơn tiêu chuẩn tự công bố của cơ sở. Trong đó có từ 4 - 5 mẫu sữa dành cho trẻ em.
5 sản phẩm sữa bột của CTy TNHH Hùng Lâm: sữa bột dinh dưỡng Food Milk (sữa bột canxi), sữa bột dinh dưỡng Food Milk (phát triển trí não), sữa bột dinh dưỡng Food Milk (Sữa Mama), sữa bột dinh dưỡng Food Milk (tăng trưởng chiều cao), sữa bột dinh dưỡng Food Milk (dành cho người gầy) không đạt theo tiêu chuẩn TCVN 5538:2002.
Hàm lượng protid của sữa bột Maylac (Cơ sở Như Trang) theo công bố là 34%, nhưng thực tế kiểm nghiệm là 14,97%.
4 sản phẩm sữa của Cty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát: Sữa bột dinh dưỡng - Milk Power theo công bố là 10%, nhưng thực tế là 7,37; Sữa bổ sung canxi và chất sắt - Holland Gold chỉ có 6,96%, chênh lệch 33% so với tiêu chuẩn công bố (20%); sữa bột giàu dinh dưỡng Hà Lan theo tiêu chuẩn cơ sở là 10%, nhưng kết quả kiểm nghiệm cũng chỉ đạt được 6,90; còn sữa bột sinh dưỡng New Zealand cũng chỉ có 6,96, chênh lệch khoảng 3% so với tiêu chuẩn sản phẩm.
Kết quả kiểm nghiệm của 3 sản phẩm của Cty CP TP Dinh dưỡng Đài Hoa cụ thể như sau: Sữa bột Mikamax (tiêu chuẩn công bố: 8 - 13%) là 7,48%, sữa bột Sepalac (15 - 20%) là 13,47%, sữa bột Calyx Canxi(25 - 30%) là 18,89%.
Hai sản phẩm của Cty TNHH CBTP TM Hoàng Khang, một có độ đạm cao hơn tiêu chuẩn công bố, một nằm trong sai số cho phép.
"Đa phần các sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn đều được sản xuất chế biến tại các cơ sở sản xuất nhỏ, với số lượng không lớn. Các cơ sở này nhập nguyên liệu sữa, sau đó pha trộn theo tiêu chuẩn tự công bố, và đóng gói. Hơn thế nữa, đây là hoạt động hậu kiểu thường quy của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, do đó, chúng tôi đã tiến hành xử lý, thu hồi, tiêu huỷ hoặc buộc tái chế. Thậm chí đã đình chỉ sản xuất một cơ sở chế biến sữa là Cty TNHH Hùng Lâm" - BS. Châu nói.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành xử lý vi phạm 5 cơ sở nói trên với các hành vi vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa, và điều kiện vệ sinh cơ sở. Tổng số tiền phạt lên đến 50 triệu đồng, buộc tiêu huỷ 160kg sữa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, buộc tái chế gần 310kg sữa bột thuốc 3 cơ sở sản xuất kinh doanh sữa trên địa bàn thành phố (Cơ sở Như Trang, Cty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát, Cty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Đài Hoa).
-
Hương Cát
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng, hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |