- Đầu năm, công nhân mất việc trước Tết đã bắt đầu đi tìm việc làm mới. Trước cảnh người nhiều việc ít, không ít người vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội đã bắt đầu tính chuyện về quê...
KCN vắng bóng công nhân
Theo ghi nhận của PV tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), vào ngày mùng 9, mùng 10 Tết, công nhân từ các địa phương đã trở lại làm việc nhưng thưa thớt. Ban Quản lý KCN Bắc Thăng Long cho biết, chỉ trong 2 tháng trước Tết Kỷ Sửu, toàn khu công nghiệp đã có gần 1.000 công nhân phải thôi việc do các công ty cắt giảm nhân lực nên đầu năm công nhân trở lại làm việc giảm đi rất nhiều.
Khu KTX của công nhân KCN Bắc Thăng Long đầu năm vắng bóng công nhân đến ở. Ảnh: Vũ Điệp. |
Tại KTX của khu CN vẫn rất ít người đến ở. Khu KTX của Công ty Canon trước Tết có khoảng 700 người ở, nhưng đến ngày 3/2 mới chỉ có chưa đầy 1/2 công nhân quay lại nơi ở để đi làm.
Trong khi đó, tại nhiều dãy nhà trọ trong làng Bầu, làng Sáp Mai, xã Võng La (huyện Đông Anh), công nhân đến ở sau Tết cũng thưa dần. Ông Thuỷ, chủ nhà có 45 phòng trọ ở làng Bầu cho biết, so với năm trước, sau dịp Tết năm nay công nhân quay lại phòng trọ nhà ông chậm hơn nhiều. Mọi năm, vào mùng 5 mùng 6 Tết công nhân đã có mặt và đi làm ổn định, nhưng năm nay do không có việc làm nên hiện hơn 100 công nhân ở trọ nhà ông thì mới có 45 người trở lại ở trọ.
Nhiều khu nhà trọ quanh KCN mùng 9 Tết vẫn thưa thớt người đến trọ. Ảnh: Vũ Điệp. |
Tại khu nhà trọ của ông Thuỷ, chị Trần Thị Lê, 20 tuổi, công nhân của Công ty Canon cũng mới vừa đáp chuyến xe từ quê Yên Khánh, Ninh Bình ra KCN Bắc Thăng Long và đang dọn lại phòng trọ.
Lê cho biết, bình thường như năm trước, Lê và nhiều chị em phải có mặt tại công ty đi làm từ mùng 5 Tết, nhưng năm nay công ty ít việc nên hôm nay Lê mới có mặt để ngày mai đi làm.
Để đỡ bớt tiền phòng, Lê đã rủ Lê Thị Lương, 21 tuổi, quê Tuyên Quang, làm công nhân ở Công ty Denso sang ở cùng. Nhưng hiện tại, Lương cũng đang nghỉ việc hưởng 70 % lương và chưa biết hôm nào mới quay trở lại KCN.
Do công nhân trở lại KCN ít, nên trong những ngày đầu năm, hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng tạp hoá cũng như các khu chợ xung quanh KCN Bắc Thăng Long cũng ế ẩm. Chị Thanh, chủ một cửa hàng tạp hoá ngay trung tâm khu trọ của công nhân ở làng Bầu cho biết: Mọi năm vào thời điểm này, các mặt hàng thường dùng như bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, dầu ăn… cửa hàng nhà chị bán rất chạy. Nhưng năm nay, dù đã mùng 9 Tết nhưng hàng nhà chị lấy về từ năm ngoái vẫn chưa bán hết, vì sức mua của công nhân ít.
Ngồi bán rau ở chợ Bầu, từ sáng đến trưa nhưng gánh rau của bà Xuân vẫn chưa bán hết. Bà Xuân bảo: Mọi năm vào ngày mùng 5 mùng 6 sau Tết công nhân đã ra đi làm ổn định hết nên mỗi ngày bà bán được từ 3 đến 4 gánh rau, nhưng năm nay do công nhân mất việc nhiều nên dù đã mùng 9 nhưng một gánh rau bà bán từ sáng đến chiều vẫn không hết rau.
Sau Tết, tìm không ra việc
Dãy nhà trọ đầu làng Sáp Mai, xã Võng La gần Khu CN Bắc Thăng Long ngày mùng 9 Tết chỉ có hơn chục công nhân đến ở trọ, nhưng trong số đó có 3 người đang phải loay hoay đi tìm việc, số còn lại thì cũng đang bấp bênh với công việc hiện tại.
Xuống Hà Nội muộn vì năm nay công ty ít việc. Ảnh: Vũ Điệp. |
Trước Tết, chị Lê Ngọc Thu, 19 tuổi, quê ở Phú Thọ đã phải nghỉ việc ở Công ty Nissei và phải tìm việc ở quán
Nhưng suốt 2 ngày qua Thu đã đi khắp khu công nghiệp nhưng vẫn không thấy một công ty nào có nhu cầu tuyển công nhân. Cầm bốn bộ hồ sơ xin việc trên tay, Thu tâm sự: “Công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, trong khi việc làm lại ít nên em chưa biết phải xoay xở ra sao nữa. Trước Tết mất việc phải đi bán
Sau khi mất việc, Lê Ngọc Thu, cầm 4 bộ hồ sơ đi xin việc nhưng tìm mãi vẫn không thấy công ty nào trong KCN tuyển công nhân. Ảnh: Vũ Điệp. |
Cùng ở xóm trọ với Thu, Nguyễn Thị Thuỷ, 20 tuổi, quê ở Hoà Bình, Tết này không về quê mà ở lại làm nhân viên phục vụ tại quán cafe đầu làng có tên Sáp Mai.
Thuỷ cũng làm công nhân cho Công ty Nissei, sau khi phải nghỉ việc, Thuỷ đã nhiều lần đi xin việc mới, nhưng tìm mãi mà vẫn không có công ty nào tuyển.
Đầu năm mới ra, để giải quyết tình trạng không có việc trước mắt, Thuỷ tạm thời vẫn phải đi bán
Ra Hà Nội đã được 5 ngày, nhưng Lê Thị Thanh suốt cả ngày chỉ luẩn quẩn ở các bảng tin trong khu công nghiệp để xem có công ty nào thông báo tuyển dụng công nhân không, nhưng đều không thấy. Là công nhân của Công ty Hoya, Thanh đã hết hợp đồng lao động sau một tháng nghỉ việc hưởng 70% lương từ trước Tết. Sau Tết trở lại KCN, Thanh vẫn muốn làm công nhân nhưng công việc hiện tại của Thanh là nhân viên phục vụ quán nhậu trong làng Bầu.
Thanh kể, sau khi nghỉ việc được 1 tháng, thì cũng vừa hết thời hạn hợp đồng một năm, và công ty thông báo khi nào có nhu cầu sẽ liên hệ trở lại. Chính vì thấp thỏm chờ ký thêm hợp đồng nên mùng 5 Tết Thanh đã ra Hà Nội, chờ quyết định của công ty để rồi lại tất tả đi tìm việc tạm để có tiền sống qua ngày chờ xin việc.
Đã tính chuyện về quê
Đầu năm tìm không ra việc, nhiều công nhân tại KCN Bắc Thăng Long đã phải nghĩ tới chuyện quay về quê lánh tạm khi chưa tìm được việc. Lê Minh Trúc, 19 tuổi, ở Kim Bôi, Hoà Bình làm công nhân ở Công ty FCC đã nghỉ việc trước Tết khi đã kết thúc hợp đồng với công ty.
Sau Tết trở lại KCN, Trúc đã đem hồ sơ đi nhiều công ty xin việc nhưng không có công ty nào tuyển dụng. Trước tình cảnh không có việc, trong khi tiền ăn, tiền ở trọ khá tốn kém nên Trúc đã quyết định sẽ về quê một thời gian rồi sau này khi có công ty tuyển dụng Trúc sẽ quay xuống nộp hồ sơ xin việc lại.
Nhiều công nhân đầu năm ra đi làm không có việc phải rút những đồng tiền cuối cùng để lấy tiền chi tiêu chờ tìm việc. Ảnh: Vũ Điệp. |
Trúc bảo: “Về quê cũng không có việc gì làm, nhưng cứ ở đây chịu cảnh thất nghiệp phải chịu tiền ăn, tiền ở trọ thì cũng quá chết nên trước mắt đành phải lánh tạm về quê ở đã rồi sau đó tính sau”.
Thẫn thờ bước ra khỏi điểm rút tiền ATM, Thọ quê ở Thanh Hoá làm công nhân ở Công ty HAL đành phải rút những đồng tiền cuối cùng của mình để lấy tiền quay lại quê nhà. Trước Tết, Thọ phải nghỉ việc hưởng 70% lương rồi sau đó phải thôi việc do công ty không nhận thêm được đơn hàng. Đầu năm quay ra KCN, Thọ hy vọng sẽ xin được việc làm mới, nhưng cũng như hàng nghìn công nhân mất việc trở lại KCN tìm việc, Thọ cũng chưa thể tìm được việc làm.
Chán vì không tìm được việc, Thọ buồn rầu: “Tưởng đầu năm ra các công ty sẽ tuyển công nhân nhiều nên em ra sớm hy vọng nộp được hồ sơ. Ai ngờ công việc vẫn ảm đạm như trước Tết nên không còn lựa chọn nào khác, em đành phải về quê để tìm việc làm khác thôi”.
-
Vũ Điệp