221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1155317
Hà Nội: Xe xuôi Nam "cò" đông hơn khách
1
Article
null
Hà Nội: Xe xuôi Nam 'cò' đông hơn khách
,

 - Mùng 4 Tết, những chuyến xe xuôi Nam đã nhiều hơn. Các bến xe bắt đầu nhộn nhịp, nhưng chủ yếu là nhờ cò xe, chủ xe, còn hành khách thì vẫn thưa thớt, eo sèo.

Xe nào cũng "đầy khách, sắp xuất bến"?

Đó chỉ là chiêu "chèo kéo" khách của những chủ xe, cò xe, cố lôi được khách lên xe để... đóng cửa lại!

10h sáng mùng 4 Tết, tại bến xe Giáp Bát, cửa ra số 1 trên đường Giải Phóng: xe xuất bến nối dài dài với lưa thưa vài ba ghế có khách. Nhiều xe xuất bến trong tình trạng "buộc phải rời bến" vì đã nhận lệnh nhưng trên xe không có lấy một bóng khách.

Xe xuất bến nhiều nhất trong buổi sáng và trưa mùng 4 Tết là xe chạy tuyến Hà Nội-Nam Định. Trong đoàn xe xuất bến buổi sáng, cứ cách 5-7 xe là có 1 xe Ford 16 chỗ của Công ty cổ phần xe khách Nam Định hoặc xe treo lộ trình đi Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Tại các bến xe ở Hà Nội ngày mùng 4 Tết, không khí nhộn nhịp là bởi cứ 1 người khách thì có 4 người cò! (Ảnh: C. Hiếu)

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, theo lịch trình, hôm nay có khoảng 90 xe chạy tuyến Nam Định. Ông Thành nói: "Nhẩm tính, với số xe đăng ký như vậy thì cần khoảng gần 2000 khách/ngày. Lấy đâu ra nhiều khách thế, nhiều xe buộc phải chạy không là đương nhiên. Xe đã đăng kí xuất bến, chẳng lẽ mình làm khó họ? Lỗ lãi thế nào thì doanh nghiệp, nhà xe phải cân đối, thoả thuận với nhau thôi!".

Đại diện bến Giáp Bát cũng cho biết thêm, trong sáng mùng 1 Tết chỉ có 1 chuyến xe đi Nam Định lúc 9h gọi là "tượng trưng", để tránh tình trạng có khách mà không có xe.

Từ sáng mùng 3, các nhà xe hoạt động trở lại bình thường mặc dầu khách vẫn rất lưa thưa, và chủ yếu là đi chặng ngắn Ninh Bình, Thái Bình, rất ít xe đi Gia Lai, Sài Gòn.

Tuy nhiên, khi xuất hiện tại bến lúc 11h với lỉnh kỉnh ba lô, chúng tôi lập tức bị bao vây bởi 5, 6 cò xe.

Một phụ nữ tên Thu giọng Nghệ An vang giòn giã: "xe Tuấn Phương đi Sài Gòn ngay, xe máy lạnh, giá 600.000 đồng, em bỏ thêm 150.000 đồng ăn ngon với nhà xe".

Chúng tôi từ chối và nói chỉ đi tới Đà Nẵng thì chị này lập tức kéo giằng ba lô và dẫn thẳng về phía xe chất lượng cao Quân Trung có hành trình đi Quảng Ngãi với cùng một lời ghi chú: xe sắp chạy, dù trên xe chỉ có 3 thanh niên đi tay không! (có thể là khách mồi?)

Trở vào phòng bán vé, những hành khách có ý định mua vé chỉ đếm được trên đầu ngón tay trên tổng số 15 cửa vé đang hoạt động. Song, theo những gì mà chúng tôi nhận thấy thì phần đông hành khách đến phòng vé đều không đem theo hành lí, họ đến đặt vé cho các ngày sau.

Chen chân đặt vé tại quầy vé của xe Tân Đạt đi TP. HCM, chúng tôi được biết, 2 chuyến xe 11h và 13h ngày 6 Tết đã kín chỗ. Trong ngày này chỉ còn chuyến 16h.  "Nếu không đặt thì mai không có vé mà mua đâu", một nhân viên bán vé khuyến cáo.

Dù trên thông báo dán trước quầy, vé đi TP.HCM (cả ăn uống) là 510.000 đồng/vé nhưng thực tế, giá vé đã được đẩy lên 815.000 đồng/vé.

Phòng vé bến xe phía Nam ngày mùng 4 Tết khá yên ắng, chủ yếu chỉ khách đến hỏi và đặt vé các ngày tới! (Ảnh: C.Hiếu)

Lắc đầu chê đắt quay ra, một cò xe liền chỉ cho chúng tôi quầy vé bên cạnh, giá chỉ 610.000 đồng/vé. Chúng tôi đòi anh ta cho xem xe gì, chất lượng ra sao mà giá rẻ hơn hẳn xe chất lượng cao đến 200.000 đồng/vé thì anh này bảo: Cứ mua vé rồi lên xe cho khỏi mất công chạy đi chạy lại vì xe sắp xuất bến mà trên xe anh cũng không có bán vé!

Đại diện phòng Điều độ bến xe Giáp Bát làm phép so sánh: So với mọi năm, mùng 4 Tết, những chuyến xe vào Nam đã chật ních. Nhưng năm nay, mùng 4 mà vắng hoe. Vị này cho rằng, có thể do mùng 6 mới là "ngày đẹp", cộng với việc mùng 8 nhiều công ty xí nghiệp mới ra quân nên hành trình vào Nam diễn ra muộn hơn nhiều năm trước.

Đông nghịt những tuyến buýt kế cận

Khác hẳn cảnh đìu hiu trong bến xe Giáp Bát, ngay cổng bến, khu dành cho xe buýt là cảnh tượng chen chúc lên xe, xuống xe rất nhộn nhịp.

Các tuyến buýt kế cận 208 và 209, 210 từ Giáp Bát đi Hưng Yên, Phủ Lí nhộn nhịp người lên xuống.

Những tuyến buýt kế cận từ bến Giáp Bát, bến Lương Yên luôn đông người! (Ảnh: C.Hiếu)

Lái xe Phùng Quốc Hoàn, tuyến buýt 209 Giáp Bát - Hưng Yên cho biết, trong suốt 2 ngày mùng 3, mùng 4 xe của anh đều kín ghế ngồi. "Chắc tại trời lạnh, thi thoảng mưa lất phất, nhiều người chạy từ nội sang ngoại, từ ngoại về nội, chặng đường không ngắn lại không phải lên xuống nhiều lần nên những gia đình có con nhỏ đã chọn đi xe huýt", anh Hoàn lí giải.

Gặp chúng tôi trên chuyến xe 203 từ bến xe Bắc Giang lên bến Lương Yên, chị Thảo, nhân viên Công ty Đo đạc ở quận Đống Đa, (người thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) niềm nở: sáng nay (mùng 4), cơ quan tổ chức gặp mặt đầu xuân, tranh thủ nhận tiền lì xì của sếp... rồi về, không phải di chuyển nhiều nên tôi đi xe buýt lên, cả đi lẫn về trong buổi sáng chỉ mất 24.000 đồng, vừa an toàn, ấm cúng lại tiết kiệm!

Tương tự, những tuyến xe buýt "trung chuyển" từ bến xe này sang bến xe khách cũng đông nghịt người.

Tuyến xe 03, lộ trình bến xe Gia Lâm - Giáp Bát luôn luôn có khách đứng, điều thường ngày rất hiếm!

2 tuyến buýt thuộc quản lí của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là tuyến 24 (bến xe Lương Yên - bến xe Mỹ Đình) và tuyến 16 (bến xe Giáp Bát - bến xe Mỹ Đình) cũng "may mắn" luôn trong tình trạng quá tải 2 ngày vừa qua.

Do đây là 2 tuyến buýt làm nhiệm vụ trung chuyển chính lượng hành khách từ bến phía Tây sang phía Nam, Đông Nam và ngược lại, để đón xe khách liên tỉnh và xe buýt kế cận đi các tỉnh phụ cận Hà Nội (Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương) thăm Tết trong điều kiện khí hậu lạnh nên lượng khách rất đông.

"Nhận định được tình hình đó, nên xí nghiệp đều có chính sách hỗ trợ, khen thưởng lái xe, nhân viên soát vé để động viên họ trong những ngày Tết. "Doanh thu trong 3 ngày qua ước đạt ngang ngửa so với những ngày cao điểm cận Tết", một Phó Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Thăng Long cho biết.

  • Chí Hiếu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,