- Dịch cúm H5N1 có nguy cơ rình rập mọi nơi thế nhưng, càng gần Tết, người dân càng thản nhiên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Người dân chưa sợ dịch
Tại chợ cóc Nghĩa Tân (Hà Nội), vào sáng sớm và buổi chiều luôn có một dãy bán gia cầm mổ sẵn. Không bàn, không phản, chỉ cần một tấm nilon hoặc mảng bao dứa kê ra bày vài con gia cầm là có thể bán hàng. Từ gà, vịt, ngan... cái gì cũng có. Người mua chỉ cần lướt qua dãy này các bà bán hàng đã đon đả mời chào.
Gia cầm không rõ nguồn gốc khó kiểm soát. |
Chị Loan cũng chẳng cần hỏi xem gà đã có kiểm dịch hay không, chỉ lật đi, lật lại con gà, trả giá rồi mua ngay. Thế vào chỗ con gà chị Loan vừa mua xong, ngay lập tức bà bán hàng lôi từ trong làn ra một con gà khác đặt vào vị trí đó để bán tiếp.
Lướt một vòng quanh dãy hàng gia cầm, một điều dễ dàng nhận thấy là không một cửa hàng nào bán gà vịt có giấy kiểm dịch. Điều đó lý giải vì sao các bà bán hàng lúc nào cũng thấp thỏm, canh chừng công an, cơ quan kiểm dịch.
Gà mổ sẵn không kiểm dịch, gà chưa mổ nằm cò queo ở dưới. Ảnh: Lệ Hà |
Đúng như lời chị Xoan nói, ở đầu chợ có đội trật tự phường đang ra quân. Ngay lập tức các bà bán hàng hô nhau cuốn cả nilon, gia cầm cho vào làn và chạy vào các khu nhà tập thể "lánh nạn".
Theo quan sát của phóng viên VietNamNet, chợ đông, lại vội về làm bữa nên nhiều người không mặn mà với các cửa hàng trong chợ, hoặc có quán đàng hoàng. Họ tiện đâu dừng đó mua cho nhanh còn về. Thậm chí, nhiều người còn ngồi trên xe để người bán hàng tự chọn cho mình rồi rút tiền ra trả là xong.
Ngay dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, trên đường vào Hà Đông nhiều chợ cóc mọc lên và kiểu bán hàng "chạy" như trên rất nhiều. Thịt lợn, gia cầm bày ngay trên vỉa hè, bụi bặm, không được kiểm dịch. Người bán hồn nhiên bán, người mua thản nhiên mua. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ rình rập mọi nơi.
Quầy bán gia cầm có giấy kiểm dịch như thế này rất ít. Ảnh: Lệ Hà |
Ngành chức năng làm không xuể
Sau 10 tháng "yên ắng" dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại, đặc biệt đã có ca nhiễm H5N1 trên người và một người tử vong nghi do nhiễm cúm A/H5N1. Thêm vào đó, nhiều tỉnh, thành cũng xuất hiện gia cầm mắc bệnh. Thế nhưng, người dân xem ra vẫn coi thường, đặc biệt là dịp gần Tết.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Ngành chức năng có triển khai bao nhiêu biện pháp nhưng nếu người dân vẫn cứ vô tư mua bán, ăn gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc thì khó tránh được nguy cơ dịch bùng phát. Trong ngày kiểm tra cuối tuần qua tại chợ Thành Công, Hà Nội, khu vực bán gà thịt sạch (có đóng dấu, giấy chứng nhận kiểm dịch) vắng hoe, còn những hàng bán gà sống, giết mổ ngay tại chỗ lại tấp nập người mua. Trong khi đó, theo quy định, các chủ kinh doanh gia cầm không được giết mổ ở các chợ nội thành".
Dọc chợ cóc Nghĩa Tân một dãy hàng bán gà không bàn, không kiểm dịch thế này. Ảnh: Lệ Hà |
Các đoàn đều được trang bị các phương tiện cần thiết, các test thử nhanh để cho hiệu quả kiểm tra nhanh nhất. Các mặt hàng được tập trung kiểm tra trong dịp này là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, giò chả, rượu, bia... Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo Pháp lệnh ATVSTP và quy định của nhà nước.
Theo ông Tuấn, chủ trương của thành phố là hạn chế đến mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước khi kỳ vọng vào các biện pháp quản lý nhà nước, chính người tiêu dùng là người đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thị trường thực phẩm an toàn, chất lượng.
Do công tác tuyên truyền mạnh mẽ trong những năm gần đây nên nhận thức về vấn đề bảo đảm ATVSTP của người dân Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn đến 30-35% trường hợp nhận thức chưa đúng hoặc chưa chấp hành tốt. Do đó, các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát cũng chỉ kiểm soát được khoảng 65-70% lượng hàng thực phẩm trên thị trường.
-
Lệ Hà