– Chúng tôi đã gặp những phạm nhân thoát án tử hình, những phạm nhân án tù dài đằng đẵng ở trại giam vùng núi cao heo hút Tân Lập - Phú Thọ này, để nghe họ kể.
Chuyện đặc xá ở Tân Lập
Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) nằm lọt thỏm ở thung lũng hẹp sát mạn Yên Bái, tứ phía là núi, có dòng Ngòi Lao chạy dọc theo địa phận hơn 900 héc ta mà trại đang nắm giữ. Gọi là Ngòi Lao, bởi theo dân địa phương vùng này, cứ có mưa nhiều một chút là nước từ thượng nguồn đổ về lao vun vút như ngựa phi nước đại, quét sạch mọi vật trên đường đi. Trại giam giữ gần 4.000 phạm nhân, chia thành 5 phân trại, nằm cách nhau từ phân trại 1 tới phân trại 5 là quãng đường dài… 14km.
Phạm nhân chờ nhập trại sau khi hết giờ lao động cải tạo buổi chiều tại trại giam Tân Lập. Ảnh: GVT.
Tân Lập trước kia là trại giam loại 1, tức là chuyên giam giữ cải tạo những phạm nhân bị kết án tù về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; bị kết án tù thuộc loại tái phạm nguy hiểm và phạm nhân bị kết án tù 20 năm, tù chung thân nên thường có rất ít phạm nhân nằm trong diện xét đặc xá.
Cứ xem bản báo cáo “thành tích” của trại giam Tân Lập vào hồi tháng 6/2008 thì biết tính chất đặc biệt của trại giam nơi “thâm sơn cùng cốc” này: “Số lượng phạm nhân rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm luôn dao động từ 3.200 – 3.400 người. Chỉ tính riêng số phạm nhân có mức án chung thân là 405 người; phạm tội giết người và cướp tài sản là 808 người; phạm tội về ma túy là 1.381 người; số đối tượng tái phạm là 1.732 người. Tính chất đối tượng rất nguy hiểm, liều lĩnh và luôn tìm mọi thủ đoạn để chống lại sự quản lý của cán bộ, hoặc cố tình vi phạm nội quy, quy chế trại giam như: khước từ cải tạo, không nhận tội, tìm cách trốn trại, đâm chém nhau, tìm cách móc nối để mua bán, sử dụng chất ma túy…”.
Ấy vậy mà, theo Trung tá Đỗ Mạnh Hùng (Phó Giám thị Trại giam Tân Lập) cho hay, đã nhiều năm nay, trại giam Tân Lập đã phát hiện tất cả các hành vi cố tình vi phạm của phạm nhân từ trong trứng nước, để ngăn ngừa phòng chống các hành vi trốn trại… nêu trên. Chẳng hạn, đầu năm 2008, trại giam Tân Lập còn phát hiện kịp thời một vụ phạm nhân tính cướp súng, khống chế giám thị, cướp xe máy, giết cán bộ để trốn khỏi nơi giam.
Cũng từ đầu năm 2008, thực hiện Pháp lệnh thi án phạt tù mới, trại mới tiếp nhận phạm nhân có mức án thấp nên năm nay có 105 phạm nhân được xét đặc xá, đây là lần có số phạm nhân xét đặc xá đông nhất.
Ngày 15 tháng Chạp giáp tết Kỷ Sửu, chúng tôi có mặt tại trại giam Tân Lập (Phú Thọ). Mấy năm nay Tân Lập đã có rất nhiều đổi thay, từ nơi làm việc của Ban giám thị tới khu giam giữ đều được đầu tư nâng cấp xây dựng khang trang. Khi chúng tôi có mặt, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng bộ phận văn phòng của trại vẫn tất bật với công tác chuẩn bị cho ngày đặc xá.
Thượng sỹ Đặng Thị Thu Hà đang miệt mài làm việc suốt cả ngày thứ 7 bên chồng hồ sơ đề nghị xét đặc xá cho phạm nhân tại trại giam Tân Lập. Ảnh: GVT.
Chỉ chồng hồ sơ cao ngất trên mặt bàn, Thượng sĩ Đặng Thị Thu Hà (văn thư của trại) vừa luôn tay đóng dấu để kịp hoàn tất hồ sơ sáng sớm Chủ nhật giao về Hà Nội, vừa kể rằng suốt 3 ngày liền, mấy anh em bộ phận văn phòng chỉ photocopy và đóng dấu hồ sơ phạm nhân, phải làm cả tối mới kịp để lãnh đạo còn kịp đưa xuống Cục V26 trình.
Ngay sau khi Chủ tịch nước có quyết định đặc xá, trại đã cho sao toàn bộ quy định về tiêu chuẩn phạm nhân được xét đặc xá và dán tại các đội để phạm nhân xem và tự đối chiếu với “ba rem”. Vì vậy tất cả các phạm nhân dù được hay không được xét đều “tâm phục khẩu phục”, không có trường hợp nào khiếu nại.
Đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, sản xuất của phạm nhân, Thiếu tá Nguyễn Thế Mở (Trưởng phân trại 5, nơi đang cải tạo hơn 700 phạm nhân cả nam và nữ), cho biết việc thực hiện Luật đặc xá có tác dụng rất tích cực đối với phạm nhân, ngay cả với những người chưa đủ điều kiện cũng tự thấy cần phải phấn đấu để đạt tiêu chuẩn vào những đợt sau, vì vậy tất cả phạm nhân đều có tư tưởng ổn định, yên tâm cải tạo.
Tại phân trại 5 - trại Tân Lập, khi hàng chục nữ phạm nhân đang cắm cúi những đường thêu, thì trong một gian phòng mở, những tiếng đàn, tiếng ca vẫn vang lên ngọt ngào. Để chuẩn bị cho lễ công bố đặc xá, phân trại đã tổ chức cho phạm nhân tu sửa, vệ sinh nơi ăn chốn ở sạch sẽ; đội văn nghệ của phân trại cũng đang tích cực tập luyện hơn chục tiết mục để biểu diễn.
"Nụ cười không khoảng cách" giữa quản giáo và phạm nhân tại phân khu may mặc thuộc trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương). Ảnh: GVT.
Cũng như Tân Lập, công tác chuẩn bị cho ngày đặc xá ở trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) và Xuân Nguyên (Hải Phòng) cũng được hoàn tất. Nhiều nhất trong số 3 trại giam chúng tôi đã đi qua là trại Hoàng Tiến có tới hơn 500 phạm nhân được đề nghị xét đặc xá. Để hoàn thành được lượng hồ sơ như vậy trong thời gian ngắn, các cán bộ ở đây đã phải làm cả ngày lẫn đêm.
Nỗi niềm trước ngày về
Sau những năm đằng đẵng “ăn cơm suất mặc áo sọc” để trả giá cho tội lỗi một thời, với những phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp tết Nguyên đán 2009 này, việc được trở về với gia đình trong dịp tết khiến nhiều người mất ngủ. Phạm nhân Nguyễn Thiện Thiết là một trong số 105 phạm nhân ở trại Tân Lập có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá lần này.
Phạm nhân Nguyễn Thiện Thiết đang thấp thỏm chờ ngày công bố danh sách đặc xá năm 2009 tại trại giam Tân Lập. Ảnh: GVT.
Thụ án tại phân trại 2 trại giam Tân lập, Nguyễn Thiện Thiết (sinh năm 1955, quên quán tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có quãng thời gian trường kỳ tới 13 năm 2 tháng 15 ngày “cơm suất áo sọc”.
Thiết bị bắt từ 25/10/1995, sau đó bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ), rồi tới TAND Tối cao phiên phúc thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam về 5 tội danh: trộm cắp tài sản XHCN; trộm cắp tài sản công dân; chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; phá hủy phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Đến trước khi bị bắt, Thiết từng cùng đồng bọn trộm cắp trót lọt 8 vụ, tới lần thứ 9 “làm ăn” thì bị bắt tại thị trấn Thắng - huyện Hiệp Hòa.
13 cái tết trong tù, Thiết nói rằng năm nào cũng nhớ nhà tới quay quắt. Giữa núi rừng heo hút, Thiết cho hay rằng chưa bao giờ có ý định bỏ trốn khỏi nơi giam, dù rằng được cán bộ “giao cho làm lẻ, một mình một đồi chè, một vườn rau, cơ hội không thiếu nhưng em xác định đã chấp nhận bản án là xác định cải tạo tốt để mong một ngày về”.
Tới năm 2009, Thiết đã được giảm án tới 51 tháng tù, chấp hành hơn 13 năm hình phạt tù giam. Thậm chí, như Thiết kể, cán bộ trại từng “trêu” Thiết “có cho kẹo cũng không dám trốn”. Bởi, Thiết hiểu, giữa núi rừng heo hắt, có trốn cũng không thoát. Bài học năm 1996, khi 9 phạm nhân ở trại Tân Lập từng hò nhau trốn trại, hơn 1 năm sau bị quản giáo “gom” về “nhập kho” đủ không thiếu một “mống”, mà là cán bộ trại trực tiếp đi bắt về, đã là một bài học nhỡn tiền.
Cái Tết ấn tượng nhất với người đàn ông già năm nay đã 54 tuổi, tóc hoa râm, gương mặt khắc khổ, từng 6 năm trong quân ngũ và 13 năm trong tù, là cái Tết năm 2004, khi đứa cháu ngoại lên thăm, lũn cũn chạy vào tận cổng trại giam gọi ông. Vòng tay ôm cháu được vài phút ngắn ngủi trước giờ nhập trại, Thiết kể rằng không hiểu sao nước mắt cứ chảy tràn, càng phải tự hứa với lòng cải tạo cho tốt để sớm “đàng hoàng” về ôm cháu.
Tiêu chuẩn được Chủ tịch nước xét đặc xá năm 2009 được dán công khai tại phân trại 5 - Trại giam Tân lập (Phú Thọ) để các phạm nhân bình xét. Khâu hạt cườm là một trong những công việc lao động cải tạo tại trại này. Ảnh: GVT.
Những ngày này ở trong tù, phạm nhân Nguyễn Thiện Thiết vừa thấp thỏm mong ngày có tên được xướng lên trong danh sách đặc xá 2009, lại hồi tưởng lại những câu chuyện suốt 13 năm thụ án ở vùng đồi núi heo hút, nắng gắt gió lạnh rét căm cứa da này.
Đó là câu chuyện với quản giáo tên Ninh, khi Thiết còn thụ án tại K5 (mỗi phân trại ký hiệu là K - NV). Hôm đó cả đội đi hái chè, cán bộ dẫn một số phạm về trước, giao lại cho Thiết “còn 19 người đấy nhé”. Cán bộ Ninh vừa đi chưa kịp khuất bóng, Thiết đã hớt hải chạy theo: “Cán bộ ơi, chỉ có 18 thôi”.
Hóa ra, cán bộ giao lại cho Thiết 18 người, nhưng cố tình nói lên 19, để coi Thiết “quản” ra sao. Sau cái vụ “hớt hải” đó, Thiết được tin tưởng giao thêm việc tăng gia sản xuất. Án phạt 20 năm, Thiết nói rằng đã hoàn toàn suy sụp sau khi nghe tòa tuyên án. Lên Tân Lập từ 1997, Thiết chỉ đinh ninh “xác định cải tạo để mong ngày về với gia đình”.
Đến nay, khi đã cháu nội, cháu ngoại đủ đầy, phạm nhân Nguyễn Thiện Thiết nói rằng chỉ mong còn nhớ đường về, vì lâu nay chỉ biết tin tức ngoài xã hội qua ti vi, sách báo, chỉ mong được về nhà ôm cháu, trông vườn cho vợ, cày cuốc ruộng vườn vì “tuổi đã cao và chừng đó năm trong trại đã thấm thía tội lỗi quá rồi”.
Tâm sự của người sống lại
Chưa đủ điều kiện để được xem xét đặc xá năm 2009 này, Nguyễn Đức Thọ chậm rãi kể về những giây phút tưởng như đã là cuối cùng của cuộc đời mình.
Gần 10 năm thụ án tại trại giam Tân Lập, Thọ vẫn không thể nào quên cái thời khắc trời mới sáng còn mờ mịt sương, ngày 25/5/2001, khi cánh cửa buồng giam tại tại KM8 Yên Bái mở rộng, đại úy Nguyễn Văn Thuật, cán bộ quản giáo bước vào.
Phạm nhân Nguyễn Đức Thọ, người được "sinh ra lần thứ 2" khi được Chủ tịch nước ân xá, đang thụ án tại trại giam Tân Lập. Ảnh: GVT.
“Em đã hỏi đi hỏi lại tới 3 lần khi thấy cán bộ bước vào: “Tôi bị bắn hay sao cán bộ?”. Đến khi cán bộ Thuật quát giữ trật tự rồi đọc quyết định ân xá của Chủ tịch nước, tháo “móng” (cùm chân - NV), em mới nhảy dựng lên, hét to, không còn tin được vào tai mình là còn được sống”.
Cảm giác “được sinh ra lần thứ 2” đã đi cùng Thọ suốt 10 năm nay, từ trại giam ở Yên Bái về tới Tân Lập, để Thọ lặng lẽ hằng ngày tuân thủ mọi quy định của trại giam, phấn đấu cải tạo để “đền ơn được sống”.
Từng tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, cái tuổi 26 “yêng hùng” của Thọ tưởng đã chấm dứt vĩnh viễn vào ngày 20/9/1999, khi Thọ lạnh lùng dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát vào người bạn gái.
Thời điểm đó, Thọ và vợ bây giờ tên H. (mới đăng ký, chưa cưới - NV) quen nhau từ lúc còn học phổ thông. Đến khi Thọ hoàn thành nghĩa vụ, trở về xin cưới, gia đình phản đối. Buồn tình, chán đời, Thọ lang thang rượu chè, be bét cho tới khi quen bạn gái, người rốt cuộc trở thành nạn nhân trong một cơn cuồng điên của Thọ.
“Tâm lý em ức chế, suốt ngày cứ lang thang rượu chè. Tới khi vợ em có bầu con em bây giờ, thì gia đình mới cho đón về. Hôm đó, em say rượu, rồi bạn gái tới gặp, cự cãi. Em nổi điên lên, và hành động không còn biết gì nữa”, Thọ lặng người không còn muốn nhớ khoảnh khắc định mệnh của 10 năm về trước.
Thọ bị bắt về tội “Giết người”. Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, rồi tới TAND Tối cao tuyên án phạt “Tử hình”. Tội danh, hành vi của Thọ quá rõ, điều tra rất nhanh. “Khi tỉnh lại, em đã uống thuốc độc tự tử, nhưng rốt cuộc được cứu sống để ra trước vành móng ngựa. Em đã nghĩ, đường nào cũng đi”, Thọ nhớ lại.
Thời hạn giam cứu 4 tháng, sau đó tới 13 tháng cùm chân biệt giam, Thọ không có ý định tự sát lần thứ 2 vì “Lúc đó em đã xác định đằng nào cũng đi, đợi đến ngày đấy đi cũng thế. Tự sát lại làm khổ cán bộ”.
Những lời nhắc nhở này của Bác Hồ được chính phạm nhân kẻ vẽ tại các tường rào ở trại giam Tân Lập (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: GVT.
Đến ngày thứ 7, ngày cuối cùng xin ân xá theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm án phúc thẩm được tuyên, Thọ mới cầm bút run rẩy viết đơn xin ân xá để hoàn thành nốt quyền “pháp luật cho mình được hưởng”. Những ngày đó ở trong tù, Thọ chỉ dám ngủ ngày, đêm chong mắt chờ trời sáng. Chỉ với 1% hy vọng cuối cùng, nhưng Thọ đã may mắn được nhận “ơn sinh thành lần 2 mà em không nghĩ là có thể đến được với mình”.
Đã nhiều năm nay người vợ chưa đám cưới không còn liên lạc với Thọ. Thu mình vào một chốn riêng, Thọ chăm lo cải tạo, mỗi năm lại được con lên thăm, còn gia đình mỗi năm thăm nuôi chừng 3-4 lần.
Bố mẹ đã già, Thọ chỉ lo không kịp đến ngày đền ơn sinh thành. Trong đôi mắt hoe đỏ khi được hỏi về con, Thọ ngậm ngùi: “Mình đẻ nó ra nhưng không nuôi nó ngày nào, nghĩ cũng tủi thân. Em cứ nghĩ tới ngày được ra tù nó đã lớn, mình là cha không có quyền hạn gì nói với nó, nghĩ cũng đơn độc. Những năm tháng đã qua là bài học xương máu khi em đã mất tự do vì một phút ngu dại của chính mình”.
Hằng ngày, Thọ vẫn miệt mài, cặm cụi tham gia đội làm vàng mã trong trại giam để mong ngày trở lại với xã hội bên ngoài. Tết đến, xuân về, mỗi năm lại thêm vài lẫn tiễn bạn tù trở về với đời thường, Thọ vẫn chỉ vội bá vai như nhắn nhủ. Tự nhắc mình ngày được như bạn còn dài, Thọ vẫn mong một ngày được trở lại quê nhà ôm con, ôm mẹ, để lấy đó làm “mục đích cho ngày mai”.
Cũng như lời Thọ nói, “môi trường tù tội mỗi người một hoàn cảnh, đời tư ai nấy biết”, nhưng Nguyễn Văn Thọ vẫn đồng ý để chúng tôi kể lại câu chuyện này, để góp một lời cảnh tỉnh cho một ai muốn có một phút yêng hùng vì men rượu, khi tuổi đời còn trẻ như Thọ, ngày vào tù ở tuổi 26.
-
Trường Minh