221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1151235
“Xuân xá” ở Xuân Nguyên
1
Article
null
“Xuân xá” ở Xuân Nguyên
,

 - Đó là tiêu đề bài thơ của một phạm nhân đang thụ án ở Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) từng “nổi tiếng” hơn 10 năm trước: Ngô Văn Thà, cũng là tâm trạng của trên 15.000 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá năm nay.

Cận Tết Kỷ Sửu, tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), hàng trăm phạm nhân đang thi công hồ cá trước cổng trại để tăng gia sản xuất. Ảnh: GVT.

Sau hơn 1 tháng thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2009, có trên 15.000 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam trong cả nước đủ điều kiện được Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương nhất trí trình Chủ tịch nước quyết định. Tại các trại giam, công tác chuẩn bị cho ngày đặc xá đã hoàn tất.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình dài qua Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng để ghi lại những giây phút trước giờ đặc xá tại các trại giam Xuân Lập, Hoàng Tiến, Xuân Nguyên, cũng như nghe được tâm tư của các phạm nhân trước ngày đặc xá.

Với các phạm nhân được đề nghị đặc xá trong đợt này, những ngày này là quãng thời gian đáng nhớ trong đời bởi ai cũng bồn chồn, mong ngóng ngày được trở về. Ngô Văn Thà là một trong số đó.

Bản án 19 năm tù

Khi ánh nắng chiều quay quắt rọi qua song cửa sổ ở hội trường phân trại 2 (K2) Trại giam Xuân Nguyên (Cục V26) - Hải Phòng, Ngô Văn Thà vẫn được giám thị ưu tiên ngồi lại chuyện trò thêm vài phút với cánh nhà báo đến thăm.

Trại quản lý và cải tạo phạm nhân Xuân Nguyên nằm ở một vùng núi đồi hẻo lánh thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Phạm nhân Ngô Văn Thà ngậm ngùi nhớ lại những ngày kiếm tiền không biết kìm cương để cuối cùng phải nhận bản án phạt 19 năm tù giam từ hơn 10 năm trước. Ảnh: GVT.

Chiều cận Tết Kỷ Sửu tới gần, trong phút chia tay để nhập trại, Thà chép lại bài thơ “Xuân xá” do anh ta viết, như một nỗi lòng của một phạm nhân thấp thỏm chờ ân huệ của Chủ tịch nước mong ngày tự do: “Ngày về đặc xá những bâng khuâng/ Xuân ấy xuân này đã mấy xuân/ Tóc xanh giờ đã màu sương khói…/ Thao thức dài đêm chờ đặc xá/ Mơ thấy nàng xuân nâng bước chân/ Cánh cửa tự do tràn ngập nắng/ Xuân xá đây rồi!Thỏa ước mong…”.

Khoảng cuối năm 1998 đầu 1999, dư luận trong nước đổ dồn chú ý vào vụ án tổ chức và môi giới mại dâm “kinh thiên động địa” tại khách sạn Công Dung (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội). Điều đặc biệt của vụ án này không chỉ ở tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người mà bản thân những người cầm đầu đường dây đều là những người có học.

Vào thời điểm trước những năm 90, vợ chồng Thà - Dung chỉ là những công chức nghèo, với công việc khá ổn định (Thà tốt nghiệp ĐH Luật, Dung tốt nghiệp ĐH Kinh tế). Nhưng từ năm 1992, khi Thà được thừa hưởng một mảnh đất đắt giá của bố mẹ chia cho bên Hồ Tây thì cuộc sống của họ bắt đầu thay đổi.

Với sự tính toán hết sức “kinh tế” của Dung, Thà chấp nhận bán đi một nửa mảnh đất, nửa còn lại đúc lên khách sạn Lưu Ly, tên ghép của 2 đứa con gái, để người đời biết sự thắm thiết, bền lâu như ngọc của một mối tình.

Tuy nhiên, chỉ vẻn vẹn 2 năm sau, Công an huyện Từ Liêm (cũ) đã khởi tố, bắt giam người cháu của Thà, xử phạt 12 tháng tù, vì trong khi “trông nom” Lưu Ly giúp Thà, anh ta đã vi phạm pháp luật.

Sau sự vụ này, vẫn với tham vọng giàu nhanh, Dung - Thà đổi tên mới cho khách sạn là Công Dung, tên ghép của hai người (Công là tên thường gọi của Thà). Liền đó, Thà thành lập Công ty TNHH Công Dung, lấy đà để khuếch trương hơn nữa công việc kinh doanh “giải trí” với những chiêu ăn chơi nổi tiếng.

Trong trại giam, những tình bạn vẫn nảy nở sau những ngày chung sức lao động. Ảnh chụp tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) ngày 14/1/2009. Ảnh: GVT.

Không lâu sau đó, khách sạn Công Dung trở thành điểm đến “vang danh”, tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng vang xa, cái tên khách sạn Công Dung lan ra tận nước ngoài. 11 năm sau (tháng 1/2009 - NV), tại trại giam Xuân Nguyên, Ngô Văn Thà thừa nhận rằng thời điểm đó, số tiền trong nhà có bao nhiêu thì anh ta chưa từng… ngồi đếm. Chỉ biết, số tiền 4 tỷ 120 triệu đồng tiền hình phạt bổ sung mà tòa tuyên, đã được vợ chồng Dung – Thà khắc phục xong.

Đêm 31/8/1998, Cảnh sát hình sự Hà Nội tấn công ổ nhền nhện này. Dù quá nửa nhân viên về nghỉ lễ, chỉ có 17 “yêu” ở lại và dù không phải là “ngày đẹp” cho các thượng đế ngao du, nhưng trên máy tính của Công Dung vẫn hiển thị con số 30 triệu đồng tiền thu dịch vụ. 19 cặp nam nữ bị bắt tại trận khi đang hành lạc.

Điều đó lý giải cho 2 chiếc Mercedes mang biển “tứ quý”  30A-... 3 và 30A-…5 nằm trong garage thuộc sở hữu của Thà ngày đó.

Những ngày “hoàng kim” đó, vợ chồng Dung – Thà du hý Hong Kong, Singapore, Macau, Hà Lan, Pháp, Bỉ... và chuyến xuất dương sang Thái Lan là chuyến cuối cùng trước khi họ bị bắt. Nhìn những bức ảnh chụp chung cho thấy cuộc sống vương giả của 2 vợ chồng, cùng tiền đã giúp Dung trông trẻ không thua chồng, dù Dung lúc bấy giờ hơn Thà tới 6 tuổi.

Bản án có hiệu lực, cả hai vợ chồng phải chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng).

“Bài học xương máu”

Vị luật sư giàu có, “oai danh” một thời, chuẩn bị khoác chiếc mũ thạc sĩ luật học, từng có cặp xe Mercedes sang trọng nhất nhì Hà thành, có mặt khắp Á - Âu... chính thức khoác áo tù, sống trong căn phòng tập thể cùng hàng chục phạm nhân, ngày 2 bữa đạm bạc

Ngô Văn Thà đã phải trả giá cho những ngày điều hành “ổ nhền nhện” Công Dung bên bờ Hồ Tây trong những ngày ở trại với việc đập đá hộc, xay đá dăm…, sản phẩm làm ra chỉ bán được 20-30 nghìn đồng. Nghĩa là, nếu muốn có 30 triệu đồng doanh thu một ngày của Công Dung (nay đã bị tịch thu) thì Thà phải cật lực trong 1.000 ngày, để hiểu ra giá trị sức lao động của chính mình.

Cùng vào tù với vợ chồng Thà trong vụ án này, có thêm 22 con người nữa, tổng cộng mức án lên tới gần 100 năm tù giam, trong đó có nhiều người thân của Thà.

Phạm nhân Ngô Văn Thà đang chép tặng các nhà báo bài thơ "Xuân xá" do anh viết, phía sau là Đại úy Phan Lương Lanh, người quản giáo từng giúp đỡ Thà cải tạo nhiều năm qua. Ngô Văn Thà nói rằng anh mong ngóng từng ngày đến đợt đặc xá năm 2009 này để mong có cái Tết đầu tiên sum họp cùng gia đình sau 10 năm trả giá cho lỗi lầm mà mình phạm phải. Ảnh: GVT.

9 năm thụ án tại trại giam Xuân Nguyên, “ăn” 10 cái Tết trong tù, mái tóc Ngô Văn Thà giờ đây đã điểm hoa râm. Năm 2008, Thà từng thấp thỏm chờ được đặc xá, nhưng rốt cuộc không có tên trong danh sách. Một lần suy sụp. Năm nay, Thà lại thấp thỏng, nhiều đêm không ngủ, đếm canh chờ trời sáng, mong một ngày về.

Vẫn dáng vẻ rắn rỏi, nụ cười đầy bản lĩnh luật sư thuở nào, trái với nhiều phạm nhân mà chúng tôi đã gặp, Thà cởi mở “xem báo chí là bạn”, dù thuở mới vào tù từng đọc những bài báo “không còn nhận ra mình”.

“Ông trùm giấu mặt” của khách sạn Công Dung đình đám thuở hơn 10 năm trước nói rằng thời cao điểm, Thà thậm chí còn không biết hết mặt nhân viên, nên các nhà báo đã gọi mình là “giấu mặt” cũng không phải không có lý. Không dám nhận mình là “ông trùm”, Thà nói rằng xin hãy gọi anh ta là “người kinh doanh sa đà đến vi phạm pháp luật”.

Cái giá mà Thà phải trả cho việc sa đà vi phạm pháp luật là hơn 10 năm ở tù. Nhưng “cú sốc” khiến Thà suy sụp hẳn về sức khỏe vẫn là việc vợ ở tù đến tháng 9/2005 thì được đặc xá, tới tháng 12/2005 lên thăm chồng 1 lần kèm theo là… lá đơn ly hôn.

Pháp luật cho phép như vậy, tôi cũng không oán trách gì, nhưng thú thật với các anh là tôi bị sốc nặng khi vợ quay lưng, từ đó suy sụp hẳn về sức khỏe. Nhưng phụ nữ theo được chồng mới khó, chứ cô ấy có sự chọn lựa của cô ấy và tôi phải tôn trọng”, giọng Thà đượm buồn.

Vào tù khi đứa lớn chỉ mới 6 tuổi, Thà nói rằng những ngày Tết trong tù anh nhớ con quay quắt. “Tôi mong một ngày về để ôm con, để xin chúng nó tha thứ cho bố vì đã vi phạm pháp luật mà không chăm sóc chúng những ngày đang tuổi ăn, tuổi lớn”, khóe mắt Thà hoen đỏ khi nhắc đến 2 núm ruột của mình.

Phạm nhân đang thi hành án cải tạo tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: GVT.

Con nhỏ, vợ bỏ, mẹ già năm nay đã bước qua tuổi 82 vẫn cặm cụi chờ con về, Thà nói rằng không ai động thổ cái móng của khách sạn là tài sản của mình với mục đích là vi phạm pháp luật. Nhưng “biết sớm muộn cũng có ngày bị bắt, mà rút chân ra cũng không kịp. Khi kiếm tiền, có những ma lực của đồng tiền mà tới khi đâm sầm vào cửa sắt trại giam mới kịp tỉnh ngộ”.

Biết phạm luật vậy, nên Thà từng có ý góp cổ phần vào công viên nước Hồ Tây, rồi quan tâm đến dự án thủy cung Thăng Long một thuở. Pháp luật không dung thứ ai, nên chưa kịp tỉnh ngộ, Thà đã phải rơi nước mắt khi đứng trước vành móng ngựa, “nhìn anh em nhân viên nhiều năm theo mình cùng ra tòa, tôi ngậm ngùi xin họ tha thứ, bởi mình còn không cứu được mình”.

Thà nói rằng tại tòa anh ta đã không hề vận dụng nghiệp vụ luật sư được đào tạo để “cãi lại tòa một câu”. Chấp nhận bản án mà pháp luật tuyên phạt về tội phạm của mình, Thà vào Trại giam Xuân Nguyên thụ án suốt 10 năm, để ngẫm nghĩ về hành vi khi “bị cái máu làm giàu nhanh khiến mình như con ngựa không tự cầm cương được để quay về chính đạo”.

Nhắc lại chuyện cũ trước thềm ngày đặc xá 2009, trên gương mặt Thà thoáng một chút ưu tư rồi bảo đó là “bài học xương máu của cuộc đời”. “Tội của tôi bị đi tù là xứng đáng, nên ngoài chấp hành tốt quy định trại giam, tôi cũng đã nộp xong khoản tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Giờ đây, với tôi đó là quá khứ muốn được chôn vùi”.

Trong mắt các cán bộ của Trại giam Xuân Nguyên, Thà được đánh giá là phạm nhân luôn cố gắng cải tạo, đã được giảm án 4 lần với thời gian 3 năm 9 tháng và năm 2009 này có tên trong danh sách đặc xá. Trò chuyện với Thà khá dễ chịu, không hẳn vì cách nói chuyện của một người từng tốt nghiệp Đại học Luật, mà có lẽ chính từ sự chân thành trong mỗi câu chuyện của anh ta.

Khi làm cái nghề kinh doanh này, đồng tiền như bị ma ám, nên cứ đâm lao phải theo lao, khó mà kìm cương để quay về. Nhưng pháp luật có cái giá của pháp luật. Tôi biết ngoài xã hội đang có hàng trăm, hàng ngàn người đang cắm đầu theo con đường tôi từng lỡ bước chân. Nhưng đừng để đến khi phải trả giá như tôi, 10 năm tù nay có được về không biết nói gì với con, vợ bỏ, mẹ già, tài sản mất hết đến đường trắng tay, mới ngộ ra, thì quá muộn”, những lời của Ngô Văn Thà khi nhìn nhận lại con đường kinh doanh của mình, sau 10 năm trả giá, rất giống với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho anh ta.

Trung tá Nguyễn Viết Dục cho hay Ngô Văn Thà là một phạm nhân chấp hành kỷ luật cải tạo của trại giam khá tốt, biết hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Ảnh: GVT.

Trung tá Nguyễn Viết Dục (Trưởng phân trại 2 Trại giam Xuân Nguyên) cho biết, Thà khá chăm chỉ và có cách cư xử của người có học, biết hối lỗi. Cũng vì thế, mấy tháng nay, Ngô Văn Thà đã được Ban giám thị Trại giam Xuân Nguyên giao cho việc giúp lãnh đạo Phân trại B theo dõi công tác thi đua ở đây.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng (Đội trưởng Đội Giáo dục - Trại giam Xuân Nguyên) kể rằng, do đợt này đối tượng đặc xá mở rộng theo hướng có lợi cho phạm nhân nên hồ sơ nhiều hơn những lần trước, trong khi đó thời gian lại gấp nên các anh phải làm cả thứ 7, Chủ nhật, làm cả buổi tối để hoàn thành hồ sơ. Đợt này, Trại giam Xuân Nguyên có 166 phạm nhân đủ tiêu chuẩn được xét đặc xá.

Đại úy Phan Lương Lanh, cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý phạm nhân Ngô Văn Thà kể thêm: Hằng ngày, từ sớm tinh mơ cho đến khi kẻng báo giờ ngủ, nhiệm vụ của Thà là đôn đốc việc tập thể dục, thể thao, giữ gìn vệ sinh trật tự, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cho gần 100 trại viên. Ngoài ra, mỗi tuần Thà phải viết một bản tin thi đua đọc trên loa phát thanh của trại.

Chưa hết, Thà cũng nổi bật với sự tài hoa của đôi bàn tay khi nhận nhiệm vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh của trại.

Còn với Ngô Văn Thà thì “những người gần gũi, giúp đỡ em và để lại ấn tượng đẹp nhất là các cán bộ quản giáo ở đây. Em thấy chỉ có lao động tốt mới sớm được hưởng lượng khoan hồng”.

Với Thà, ngoài 40 tuổi, người đàn ông vẫn còn nhiều kế hoạch phải làm. “Tôi sẽ lại kinh doanh, biết đâu vài năm nữa, các anh sẽ thấy tôi với vai trò là một doanh nghiệp, nhưng lần này sẽ là một doanh nghiệp kinh doanh hướng thiện”.

Và Thà nói rằng, mong rằng một ngày khi bắt đầu trở lại, những dự định mà anh đang ấp ủ, lại có thể thành một điểm đến để tạo thành nơi khởi đầu mới cho những người từng lầm lỗi như anh.

Khi những dòng viết này lên trang, Ngô Văn Thà lại đang có những đêm không ngủ, để mong tên mình được xướng lên trong danh sách đặc xá xuân Kỷ Sửu này. Chúng tôi cũng mong Thà được toại nguyện với những tâm tư cùng “Xuân xá”: “Xuân này đặc xá thật là vui/ Đào thắm trên môi những nụ cười/ Mai vàng hớn hở, tim xao xuyến/ Hy vọng như mưa thấm đất trời”.

Vì chúng tôi hiểu, không chỉ là những dòng thơ, đó là tâm sự của một người tù đã chân thành hối lỗi.

  • Hà Trường

Kỳ tới: Sống lại ở Tân Lập

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,