- Đêm, tĩnh mịch, hoang vắng, gió đồng hun hút. Trong chiếc chăn mỏng mảnh chẳng đủ ấm, thao thức nghe chuyện của những nữ công nhân ngày cận Tết mà buồn nao lòng. PV VietNamNet đã có một ngày trọn vẹn sống cùng cảnh bồn chồn, âu lo của những lao động đang chờ đến ngày bị "đẩy" ra đường.
Ám ảnh Tết đến…
Những ngày cuối năm, trong cái giá rét tê tái của mùa đông, các xóm trọ công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội càng hiu hắt, tiêu điều.
Mỗi phòng trọ tại đây đều có 2, 3 người ở, mỗi người đến từ một miền quê khác nhau tạm sống chung để tiết kiệm chi phí. Mỗi người làm một ca, ai làm đêm thì ngủ ngày, ai làm ngày thì đêm ngủ… Thế nhưng đêm rồi, nhiều nữ công nhân chẳng yên giấc. Gần Tết, nghĩ đến cái nghèo mà trăn trở, khi không ngủ được còn thêm cả nỗi sợ hãi.
Đêm, tĩnh mịch, hoang vắng, gió ngoài đồng gần hun hút. Trong chiếc chăn mỏng mảnh chẳng đủ ấm, lắng nghe câu chuyện của những nữ công nhân ngày cận Tết mà nao lòng.
Chị Kiều Thị Quỳnh Anh ( Sơn Tây, Hà Nội) làm việc cho công ty Enplas, nhưng từ cuối tháng 12 phải nghỉ việc với chế độ 70% lương theo yêu cầu của công ty.
Quỳnh Anh quanh quẩn với mấy việc vặt khi nghỉ làm. Ảnh: Trà My |
Tối qua, cô mua một lạng thịt 5.000 đồng, một mớ rau 500 đồng, 2 bìa đậu 2.000 đồng, ba chị em cùng phòng ăn dè đến sáng vẫn còn nửa bát thịt băm. Bạn cùng phòng làm ca 1, Quỳnh Anh ăn trưa một mình. Không có bữa sáng, đến trưa cô ăn nốt chỗ thức ăn còn lại cùng cơm nguội.
“Ngày trước chọn đi làm công nhân lương không cao nhưng được cái ổn định, chứ đi làm lung tung bố mẹ lại lo. Nhưng giờ cũng có ổn định được đâu, nguy cơ mất việc thì đang kề cổ…” - kéo chiếc chăn mỏng chẳng đủ ấm, Quỳnh Anh thở dài.
Nói về cái Tết đang cận kề, cô công nhân trẻ này cũng như những lao động ở đây, mong Tết càng đến muộn càng tốt. Lương thấp, ở trong tình trạng thất nghiệp trước mắt, làm gì có tiền sắm sửa gì cho bản thân và cho cả gia đình.
Trong câu chuyện về đêm, ngoài nỗi trăn trở về tiền nong, việc làm, Anh còn lo lắng, sợ sệt những điều khác nữa. Cùng trong xóm trọ và cả những xóm trọ xung quanh toàn người tứ xứ giang hồ, những chuyện trộm cắp, tệ nạn, đến gần Tết càng nhiều hơn.
“Như Thu ở phòng đối diện, đang ngủ thấy có người mở cửa vào, Thu tưởng bạn cùng phòng dậy làm gì, ai ngờ quay sang thấy bạn vẫn nằm đó. Nhìn kẻ gian mặt rất quen lấy túi của mình mà nằm im, không dám kêu…”- Quỳnh Anh kể.
Mỗi lần có tiếng người mở cổng cô lại tưởng tượng là kẻ trộm. Lại nghĩ, những người thất nghiệp ngày một đông, người cần việc nhiều mà việc thì ít, chẳng hiếm người cần tiền lại cùng quẫn làm liều…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới 22 tuổi, nhưng Đào phải chắt chiu từng đồng lương gửi về quê nuôi một mẹ già và một con nhỏ. Mất bố từ nhỏ, Đào là con một, đi làm công nhân xa quê nuôi mẹ đã 3 năm. Cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn tình cảm, cách đây 2 năm Đào phải lòng một người đàn ông có tiền rồi mang thai. Đến khi sinh con, bố đứa bé “chạy làng”, thân gái mang nặng đẻ đau rồi chăm con một mình.
Đứa con đã 2 tuổi để ở nhà cho bà ngoại trông, làm công nhân lương ba cọc ba đồng, ngày qua ngày, Đào ăn bánh mỳ, mỳ tôm, chẳng dám tiêu pha gì để dành dụm tiền. Ngoài giờ làm lại đi bưng bê, giúp việc kiếm thêm.
Phải xa con nhỏ, Đào gói ghém nỗi nhớ con để lên thành phố làm việc lấy tiền nuôi con. Nói đến cái Tết, người mẹ trẻ chỉ biết rưng rức: “Chẳng biết Tết này có về nhà thăm con được hay không. Công việc cứ thế này, con lớn rồi nuôi thế nào, em biết cậy tựa vào ai bây giờ?”.
Trong cái gió lạnh phút chốc lại thốc lên từng cơn, gian phòng trầm xuống, lặng thinh. Với họ, tiền ăn chẳng đủ, nói đến Tết chỉ thêm lạnh và buồn!
Đời công nhân "hai không"
Cuộc sống ở xóm Bầu bao trùm bởi nỗi lo lắng của công nhân về chuyện công việc, chuyện tiền nong - chung một chữ “không”! Chẳng riêng gì những nữ công nhân, các công nhân nam cũng phải chắt chiu từng đồng dù biết có dành dụm mấy cũng chẳng đủ ăn. Tết thì cứ đủng đỉnh đến gần trong khi túi rỗng, công việc của người lao động lúc nào cũng chỉ trực vuột khỏi tầm tay, càng nghĩ lại thêm lo lắng.
Linh dở ví ra “khoe” còn đúng 7.000 đồng tiền lương. Ảnh: Trà My |
May mắn là nhà ở thôn Bầu nên Linh không tốn tiền thuê trọ, nhưng những tháng ngày không việc làm như thế này, trong ví cũng chẳng còn đồng nào. Linh dở ví ra “khoe” còn đúng 7.000 đồng tiền lương: “Cuộc sống công nhân tằn tiện thế thôi, lúc đói chỉ có nằm nhà ôm nhau khóc! Quần áo có hai bộ thay phiên mặc, trời rét cũng chỉ phong phanh”.
Linh bảo: “Đấy là mình còn ở đây, không tốn vài trăm tiền thuê nhà, chứ công nhân từ nơi xa đến chỉ có ăn mỳ tôm dài mới sống được. Ngày Tết, ai chả mong được về thăm gia đình, thắp một nén hương cho tổ tiên, nhưng nhìn xung quanh chắc chẳng ai muốn về. Ngày Tết người ta vui, còn mình thì buồn, đúng là dở khóc, dở cười!”.
“Phần lớn những người làm đều đi làm xa nhà, bố mẹ cũng chỉ biết là con đi làm công nhân, có tiền gửi về. Bây giờ thất nghiệp rồi, đi đâu làm gì cũng chẳng dám báo về là mất việc, sao mà dám về. Rồi biết ai chán chường có thể dính vào tệ nạn…”- Linh thành thật.
Những ngày này, cuộc sống của công nhân nơi đây chỉ có ăn, ngủ và đi làm, không có gì khác hơn, như từ Linh nói “đói khát vật chất, nghèo nàn tinh thần”, “không gì hay, không gì vui”. Thú vui giải trí duy nhất của nữ công nhân là... “buôn dưa lê”. Còn với cánh nam công nhân, có lẽ là hút thuốc lào hay đánh cờ.
Cả xóm trọ có 2 chiếc ti vi, có khu trọ có được 1 chiếc, nhưng, như thế cũng là may mắn hơn khối khu trọ khác. Mặc dù, chẳng ai có thể theo dõi nổi một bộ phim nào ra hồn, vì đi làm về mệt, chỉ muốn ngủ. Những người không buồn ngủ thì đầu óc lúc nào cũng ong ong mối lo mất việc, trắng tay...
Nguyễn Minh Đức (quê ở Thanh hóa), vừa hết hạn hợp đồng với Công ty ToTo. Bố mẹ làm ruộng ở quê không đủ ăn, 6 anh em Đức chẳng ai được đi học đầy đủ. Đi làm công nhân được vài năm, Đức cũng vay mượn dành dụm để lo cho cậu em út đi lao động xuất khẩu sang bên Malaysia, được một thời gian cậu em trốn về, Đức lại oằn mình gánh số tiền trả nợ.
Bữa trưa của 6 công nhân xóm Bầu. Ảnh: Trà My |
Tết đến rồi, Đức chẳng dám về quê. Đức bảo: “Tết người đông, xe tăng giá. Mà bây giờ chả có tiền, mặt mũi nào mà về. Tết làm gì! Tết – đói, Tết – buồn!”. Và thế, Đức vẫn làm tạm công việc bán rau, thắt lưng buộc bụng đến khi kiếm được việc nào đó, có thể tốt hơn chăng?...
Tôi rời khu nhà trọ khi bữa trưa đã được sắp ra. Sáu công nhân, ba nam, ba nữ trong những ngày cuối năm không ai còn tiền, mỗi người một ít đồ góp cho bữa ăn chung. Gạo, lạc mang từ quê, thêm vài bìa đậu là có bữa trưa sum vầy.
Ngọc, Thắm, Tuyết, Nghĩa, Hưng đều đang nghỉ 70% lương. Vinh mới mất việc. Ai cũng có bố mẹ già ở quê, em nhỏ đang đi học. Ở đây công nhân nào cũng thế, lĩnh lương xong rồi độ mươi mười lăm hôm là rỗng túi. Người lĩnh đầu tháng, người lĩnh cuối tháng, ai còn thì cho nhau vay vài đồng để cầm cự.
Tết này được nghỉ sớm, ai cũng lo kiếm một việc nào đó tranh thủ làm, thêm đồng nào hay đồng ấy. Thắm nghĩ đến chuyện buôn mà không có vốn, có vốn thì cũng không biết buôn bán thế nào. Tuyết định đi làm thuê, bưng bê, hay ra chợ người để làm công việc thời vụ nào đó, miễn là không hư hỏng…
-
Trà My
Bài 4: Ngày trở lại mịt mùng