- Bị "đẩy" ra đường những ngày giáp Tết, hoặc công việc ít khiến thu nhập giảm, không còn cách nào khác, công nhân phải bươn chải khắp nơi để tự cứu lấy mình, trước khi được cứu... Đó là tình cảnh của hàng ngàn công nhân tại các thành phố lớn hiện nay.
Ngụp lặn sinh nhai
Trong những ngày đi thực tế, những từ như “mất việc” “nợ lương” của những công nhân trong các khu CN… cứ ám ảnh chúng tôi. Không khó để tìm gặp các công nhân mất việc “ngồi đồng” suốt buổi tại các quán cà phê chiếu phim chưởng tại các khu nhà trọ gần KCN Mỹ Phước hay Việt Hương II (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), khu CN Đồng An (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương)…
Đơn giản, họ phải “giết thời gian” vì không có việc làm hoặc chờ đến lượt để làm công việc ít ỏi, ngày càng giảm dần trong các DN thời khó khăn kinh tế..
10h sáng, nhiều công nhân vẫn còn "ngồi đồng" tại các quán cà phê quanh khu CN...
Tuy nhiên, có không ít trường hợp công nhân mất việc đã chuyển nghề ra ngoài kiếm sống và họ đã vượt lên chính mình..
Cách đây vài tháng, N.V.T (29 tuổi) là công nhân Công ty Gỗ Sài Gòn (đóng tại Khu chế xuất Linh Trung 2) mức lương là 1,4 triệu/ tháng. Thế nhưng, tình hình ngày càng khó khăn, lương không đủ sống, anh xin nghỉ tìm việc khác làm. Gom góp được 3 triệu đồng, vượt qua mặc cảm đàn ông “sức dài vai rộng”, hàng ngày anh mua sỉ trái cây ở các vựa lớn rồi chạy xe lòng vòng đi bán dạo tại khu vực đông xí nghiệp, khu nhà trọ của công nhân..
Anh T. nói: “Hàng ngày cũng kiếm được từ 70 – 100 ngàn đồng tiền lãi, sống khoẻ hơn làm công nhân rồi”!
Cũng không chịu nổi cảnh “ngồi chờ việc”, anh thanh niên trẻ Quang Dũng (25 tuổi) công nhân KCN Đồng An (Bình Dương) cũng đã sớm tìm cho mình công việc thời vụ: tham gia vào nhóm thợ sửa nhà, quét sơn cuối năm làm tại thị trấn Lái Thiêu (Bình Dương) và quận Thủ Đức (TP.HCM). Tuy mới vào làm việc từ giữa tháng 11/2008, nhưng Dũng khoe đã dành dụm được 2 triệu đồng gửi về cho gia đình ở Thanh Hoá sắm Tết..
Từ công nhân thành người buôn bán nhỏ (!) Một cách vượt qua khó khăn của một bộ phận công nhân KCN ở Bình Dương.
Sau khi mất việc do giám đốc công ty bỏ trốn, Công ty Vina Haeng Woon (Quận 8, TP.HCM) phải đóng cửa, anh Dương Thanh Phúc đã đi xin việc ở nhiều nơi. Những chỗ ổn định tử tế thì khó xin, những chỗ xin được thì công việc lại bấp bênh, công ty cũng có thể đóng cửa bất cứ lúc nào.
Cực chẳng đã, anh Phúc quyết định không đi xin việc nữa, mà chuyển sang nghề chạy xe ôm để có tiền lo cho gia đình.
Chạy xe ôm, ngày nào nhiều anh kiếm được năm chục ngàn, ngày ít thì chẳng được bao nhiêu, thêm vào đó mỗi ngày anh còn phải trả tiền nợ đã vay nên cuộc sống gia đình vẫn vô cùng khó khăn. Thỉnh thoảng, anh lại chạy lên Bình Chánh nơi có nhiều kênh rạch, giăng lưới để bắt cá. Hôm nào được nhiều thì đem bán, ít thì mang về cải thiện bữa ăn trong gia đình vốn chỉ có rau muống và nước mắm.
"Từ khi mất việc, tôi sút đi mấy cân, da từ trắng trẻo chuyển sang đen sạm. Tôi tự nhủ cố gắng vượt qua giai đoạn này, hi vọng sang năm mới, tình hình sáng sủa hơn, xin được việc ở chỗ mới, gia đình sẽ bớt khổ" - anh Phúc tâm sự.
Anh Phúc cũng cho biết thêm, cùng công ty với mình còn có vài người do không xin được việc nên phải chấp nhận sinh nhai bằng đủ thứ nghề.
Để kiếm sống, nhiều công nhân phải chấp nhận đi làm thêm nghề may ở tiệm bên ngoài để kiếm sống. Ảnh: HĐ
Anh Trần Minh Chánh, cũng là công nhân của Công ty Vina Haeng Woon đã phải chuyển sang công việc “quậy” nước rửa chén rồi đem bỏ mối cho các quán ăn kiếm mấy chục ngàn một ngày. Anh Chánh cho hay, đi bỏ mối thế này, ngày nào biết ngày ấy, bấp bênh vô cùng nhưng cũng đành phải chấp nhận, nếu không muốn chết đói giữa thành phố này.
Sau khi công ty đóng cửa, không xin được việc làm mới, anh Lê Văn Nam, công nhân Công ty Quang Sung Vina đã cùng một nhóm bạn rủ nhau đi làm phụ hồ. Do mới vào nghề nên Tịnh phải chấp nhận tiền công 40 ngàn đồng/ngày. Với số tiền đó, chỉ đủ tiền ăn nên anh quyết định xin ngủ ngay tại công trình đỡ phải tốn tiền thuê nhà trọ.
Chị Nguyễn Thị Thùy từng là công nhân của Công ty Quang Sung Vina cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Không xin được việc làm ở công ty mới, chị quyết định xin vào phụ việc trong tiệm uốn tóc của một người cùng quê. Gần Tết, khách đông nên chị Thùy cũng được trả kha khá, đủ tiền thuê nhà và ăn uống một cách tằn tiện. Chị cho biết, có thể sẽ học nghề và làm luôn vì nghề này cũng có vẻ ổn định, chứ chán cảnh làm công nhân rồi, chả biết lúc nào mất việc, bị đuổi ra đường.
Đi bán cà phê lo tiền về Tết
Chị Lê Ngọc Thu quê Thái Nguyên lên Hà Nội đã được 2 năm và đi làm công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Những Tết trước, chịđược thưởng tết nhiều, cộng với những khoản tích cóp cả năm nên cũng được một số tiền dành dụm kha khá đưa về quê cho bố mẹ.
Năm nay, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết, thế nhưng tích cóp cả năm chị Thu cũng chẳng được bao nhiêu so với năm ngoái. Lại biết thêm thông tin Tết này công nhân sẽ được thưởng rất ít nên chị Thu rủ thêm người bạn làm cùng công ty đi kiếm việc làm thêm bên ngoài.
TIN LIÊN QUAN
Gặp chúng tôi trong quán cà phê ở làng Sáp Mai, xã Võng La gần KCN Bắc Thăng Long, chị Thu tần ngần: “Tuy không nằm trong diện những công nhân bị sa thải nhưng công việc cũng không có gì để làm. Lương công nhân cơ bản mỗi tháng được gần 1,2 triệu đồng, mà em chỉ được hưởng 70% lương. Tiền nhà, tiền chợ búa ăn uống cũng đã hết quá từng đó rồi, muốn có ít tiền để về quê thì chỉ còn cách là đi làm thêm bên ngoài mà thôi”.
Quen biết chị Thu qua một người bạn, chúng tôi được Thu mời về phòng mình ăn bữa cơm chiều. Bữa cơm của nữ công nhân chỉ có rau, nước mắm và bát mỳ tôm làm canh. Chị Thu và chị Thuỳ, người bạn cùng phòng phải cố nuốt cho xong bữa .
Chị Thuỳ cũng ngậm ngùi: “Chẳng ai muốn đi phụ quán cà phê, karaoke cả đâu anh ạ, nhất là đối với những người đang có công ăn việc làm là công nhân như bọn tôi. Nhưng nói thật, không làm thêm thì không có tiền, sau em còn có 3 đứa em đang tuổi ăn học ở quê nữa, chị đi làm cả năm về mà không góp vào cho bố mẹ được đồng nào nuôi em ăn học thì đâu dám về quê nữa”.
Ăn xong bữa cơm chỉ có rau và nước mắm, chị Thu và chị Thuỷ lại đi làm thêm ở quán cà phê đến 11-12h đêm mới về - Ảnh: Vũ Điệp
Chị Thuỳ tính, mỗi tháng lương công nhân được 1 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, chợ búa và những thứ cần thiết chi tiêu thì tằn tiện lắm mới góp được 200 ngàn để dành. Số tiền đó chỉ đủ chi trả cho những lúc cần thiết, đau ốm vặt vãnh, nếu về quê thời điểm này thì hành trang của chị chỉ là mấy bộ quần áo, còn tiền thì không có. Bởi thế, chị mới xin đi làm phụ bán quán cà phê.
Chị Thu và chị Thuỳ đi làm ban ngày, buổi tối về bán quán cà phê đến 11-12h đêm mới được nghỉ, mỗi tháng mỗi người được chủ quán trả lương 500 nghìn đồng. Cũng gọi là có thu nhập để kiếm thêm tiền xe cộ về quê ăn Tết.
Cả xóm trọ của họ mỗi ngày chỉ rôm rả vào thời điểm xế chiều, vì lúc đó công nhân mới tan ca về chuẩn bị cho bữa cơm tối. Xong sau đó, mỗi người lại đi một ngả, người phụ bán quán cà phê, karaoke, rửa bát thuê... Tình cảnh như thế, những năm trước đây chưa từng có.
Rơi nước mắt cảnh bà bầu xin việc
Nước mắt lưng tròng, chị Đoàn Thị Chiên, từng là công nhân Công ty Quang Sung Vina than thở như vậy. Gặp chị trong nhóm công nhân ngồi canh giữ máy móc ở cổng công ty khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn cách đây gần 2 tháng, lúc đó, cái bụng của chị đã lùm lùm với cái thai gần 5 tháng.
Chị băn khoăn: "Không biết cái bụng mình như vậy đi xin việc có nơi nào nhận không nữa. Mà nếu không đi làm thì không biết lấy tiền đâu để sinh và lo cho con".
Dịp này gặp lại, chị xót xa cho biết, đã tới gõ cửa ở một vài công ty, nhưng chẳng nơi nào nhận vì họ bảo gần Tết rồi, chị lại ôm cái bụng bầu to thế kia thì làm chả được mấy ngày lại nghỉ sinh mất mấy tháng, trong khi họ cần người làm việc xuyên suốt. Cực chẳng đã, chị đành từ bỏ ý định đi xin việc, nghỉ hẳn ở nhà chờ sinh con.
Với những cái bụng bầu, mất việc rồi ai dám nhận họ? Ảnh: TT
Số tiền lương ít ỏi chị nhận được sau khi thanh lý số tài sản của công ty vốn dĩ định để dành sinh con. Nhưng chồng chị đi làm cũng bấp bênh, công ty thiếu việc nên chỉ trả 70% lương, không đủ trang trải cho cuộc sống vợ chồng, nên phải tiêu dần vào số tiền dành dụm kia.
"Tình cảnh này chắc phải về quê sinh con, muối mặt ăn bám cha mẹ thôi chứ biết làm sao" - chị Chiên ngậm ngùi.
Cũng như chị Chiên, chị Nguyễn Ngọc Mai, một trong số 380 công nhân bị mấy việc tại Công ty Young Sheng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như vậy.
Không xin được việc, chi tiêu hằng ngày phụ thuộc vào thu nhập từ công việc phụ hồ của chồng. Tiết kiệm tối đa, bữa cơm của hai vợ chồng chị thường chỉ có nước mắm với rau muống luộc, nhưng cũng chẳng dư được đồng nào để dành chờ sinh con. Nghĩ đến những ngày sắp tới, chị Mai lại thở dài thườn thượt, vì chẳng biết sẽ giải quyết thế nào.
Và không chỉ chị Chiên, chị Mai, còn biết bao công nhân nữ đang mang thai rơi vào tình cảnh mất việc đang hoang mang chưa biết sắp xếp cuộc sống sao cho ổn, khi đứa con ra đời.
- H.Dịu - V.Điệp - V.Hoàng - H.Bắc - T.Hòa
Bài 3: Trắng đêm nằm lo Tết "lạnh"