- Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) vừa cho biết, dự án đường sắt đô thị thí điểm Cát Linh - Hà Đông đang trong những ngày "nước rút" cuối cùng chuẩn bị khởi công và sau đó sẽ là 56 tháng xây dựng, mua đoàn tàu...
Nếu đúng yêu cầu của Bộ GTVT, tuyến đường sắt đô thị thí điểm này đã phải khởi công vào tháng 12/2008 vừa qua. Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Vũ Xuân Hồng cho biết, vướng mắc hiện nay vẫn đang là "vấn đề muôn thuở" giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phía đối tác Trung Quốc đề nghị chuẩn bị cho họ một "mặt bằng sạch".
Chỉ còn ít ngày nữa là khởi công mà mặt bằng khu đất dự kiến sẽ đặt ga đầu cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn không có gì thay đổi! (Chụp khu 47 Cát Linh - Ảnh: T.M) |
Đến nay, một số phần việc thuộc dự án này đã được thực hiện, như: lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, khảo sát bổ sung, lập dự án đầu tư... với chi phí hơn 6,7 tỉ đồng trên tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án gần 9.000 tỉ đồng. Trong tổng vốn này, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 596 tỉ đồng, xây dựng tốn khoảng 3.548 tỉ đồng, mua đoàn tàu dự tính 746 tỉ đồng, trang thiết bị xấp xỉ 870 tỉ đồng, bảo hiểm các công trình xây dựng cho toàn bộ dự án hơn 38 tỉ đồng, tư vấn giám sát gần 24 tỉ đồng...
Dự án này ngoài các công việc không áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu được chia làm 7 gói thầu, trong đó gói số 1 (EPC) lớn nhất với giá trị xấp xỉ 6.769 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi bên mua, vốn vay tín dụng ưu đãi và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đây là một trong bảy dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đã, đang và sắp được nghiên cứu, triển khai, gồm: tuyến trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên (1,7 tỷ USD); tuyến Từ Liêm/Nam Thăng Long - Thượng Đình (1,9 tỷ USD); tuyến đô thị Nhổn - ga Hà Nội (767 triệu USD); tuyến Cát Linh - Hà Đông (470 triệu USD); tuyến Nam Thăng Long - Nội Bài; tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai và tuyến Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông này được coi là tuyến chủ chốt trong mạng lưới giao thông đường sắt nội đô của Hà Nội theo hướng từ Đông Bắc sang Tây Nam nối hàng loạt đầu mối giao thông nội đô với các điểm dân cư, cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp lớn, trường đại học... suốt dọc các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông.
Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến này đã được Viện thiết kế đường sắt Bắc Kinh và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) hoàn thành từ năm 2005, với kỳ vọng sẽ khởi công ngay sau đó để hoàn thành vào 2008.
Tổng chiều dài tuyến này xấp xỉ 13km với 12 ga trên cao, khoảng cách trung bình giữa các ga trên tuyến là 1km (các ga khu vực từ Văn Khê đến La Khê của Hà Đông khoảng cách tối đa 1,69km, các ga nằm tại khu vực điểm đầu Cát Linh đến La Thành có khoảng cách nhỏ nhất xấp xỉ 0,8km).
Điểm đầu tuyến này được hoạch định trên khu đất 47 Cát Linh (đối diện khách sạn Horison), sau đó đi qua Hào Nam - Hoàng Cầu - ngõ Thái Thịnh 1 - Láng - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung - quốc lộ 6 - điểm cuối bến xe Hà Đông mới.
Đoàn tàu vận hành trên tuyến dự kiến gồm 4 toa với tốc độ tối đa 80km/h, bình quân 35km/h. Thời gian tàu hoạt động từ 5-23h với tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, năng lực vận chuyển tối đa 28.500 hành khách/giờ/hướng.
Với nỗ lực khởi công trong tháng 1/2009, cộng thêm khoảng 56 tháng xây dựng, lắp đặt... dự kiến năm 2013-2014 Hà Nội sẽ được "đón" tuyến đường sắt đô thị này.
-
Hoàng Huy