221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1145786
Cận Tết, đào quất rậm rịch... "đội giá"
1
Article
null
Cận Tết, đào quất rậm rịch... 'đội giá'
,

 - Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết, ở Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên (Hà Nội), người dân đã phần nào yên tâm khi đào đã chớm nụ hồng, quất đã vàng óng quả. Trong khi đó, người trồng đào, quất ở Hà Đông, Hưng Yên còn buồn rầu, lo lắng vì thất bát sau đợt lũ lịch sử. Năm nay, giá đào quất có thể sẽ tăng gấp hai, ba lần so với năm ngoái.  

Đào "trôi" theo... lũ

Sau ngày sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, làng đào La Cả, xã Dương Nội, Hà Đông trở thành một trong những “vựa” đào lớn nhất Thủ đô. Tuy nhiên, với hơn 100 hecta đào chuẩn bị cho dịp Tết này, hơn 60% diện tích đã bị mưa lũ “xóa sổ”. 

 Nhiều cây đào ở La Cả mới được nhổ lên làm củi.

Đến làng La Cả thời điểm này có thể thấy rất nhiều vườn đào chỉ còn trơ gốc, chỉ rất ít những cây còn còn sống sót lác đác hé nụ.

Chị Thắng, xóm Hòa Bình, chủ một vườn đào cho biết: “Ở thôn La Cả, chỉ có xóm Hoàng Văn Thụ đào không bị chết nhiều, còn các xóm Hòa Bình, Thống Nhất,… hầu như các vườn đào hàng trăm gốc chỉ giữ được vài chục cây.” 

Nhà chị Thắng có 200 cây đào cành thì hầu như không còn cây nào sống sót, 300 cây đào thế từ 3 năm tuổi trở lên chỉ còn khoảng hơn 30 cây. Trên mảnh ruộng, chỉ còn những gốc đào khô đang được chị tận dụng đất trống để trồng rau.

Thời điểm này năm ngoái, người dân đang tuốt lá cho đào, nhưng năm nay hầu như ai cũng chần chừ. “Tết năm nay khó tìm được đào đẹp. Số đào vớt vát được sau mưa sức sống yếu, sợ rằng đến Tết vẫn chưa phục hồi được” – anh Biên, chủ một vườn đào nói. 

Anh Biên (La Cả, Hà Đông): “Số đào vớt vát được sau mưa sức sống yếu, sợ rằng đến Tết vẫn chưa phục hồi được”.

Anh Biên cho biết, đào ở vườn nhà anh cũng như nhiều nhà trong thôn lấy mắt đào Nhật Tân trồng tại địa phương cho hoa thắm hơn. Mấy ngày vừa qua, nhiều lái buôn đã “lượn” khắp làng đặt hàng. Giá thuê một cây đào thế một năm tuổi năm ngoái chỉ tầm 300.000 đồng thì năm nay được trả cao hơn gấp đôi, những cây nhiều năm tuổi giá thuê lên đến vài triệu. Những cành đào trung bình cũng được trả 200.000-300.000 đồng, cao hơn 2, 3 lần so với năm ngoái.

Theo anh Biên, đào năm nay dễ bán hơn vì số lượng ít, nhưng so với thiệt hại thì không bù đắp được. Mấy ngày này, nhiều lái buôn có vào hỏi nhưng anh chưa dám bán, vì thị trường đang trong thế khan, đợi giá có thể tăng hơn nữa.

Vẫn phải… “ngóng” thời tiết

Sau đợt mưa lịch sử tháng 11 vừa qua, hàng chục héc ta đào Xuân La, Thường Tín... chết úng, vùng Nhật Tân, Phú Thượng may mắn vẫn còn 45 hecta đào không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Toàn phường Nhật Tân hiện nay có hơn 32 hecta đào đang trong giai đoạn cây chuẩn bị bật nụ, nở hoa.  

Chị Nguyễn Thu Hòa, chủ một vườn đào hơn 200 gốc ở Nhật Tân cho biết: “Công việc chuẩn bị cho hàng bán Tết vẫn như mọi năm, nhưng năm nay mưa nhiều, nên người trồng đào vẫn lo lắng nếu thời tiết không thuận lợi có thể sẽ thua lỗ cả vụ”. 

Chị Hòa chủ một vườn đào ở Nhật Tân: “Công việc chuẩn bị cho hàng bán Tết vẫn như mọi năm, nhưng năm nay mưa nhiều, nên người trồng đào vẫn lo lắng nếu thời tiết không thuận lợi có thể sẽ thua lỗ cả vụ”.

Sau trận mưa lịch sử vừa rồi, vườn nhà chị Hoà có gần 50 gốc đào bị chết, với những cây đào còn sống phải tốn kém và dày công hơn trong việc chăm sóc.

Để đào nở hoa đúng dịp Tết, chị Hòa đã tuốt lá trước 65 ngày. Nhưng nếu thời tiết thất thường, chị Hòa lo lắng không biết hoa có nở đúng dịp hay không.  Theo kinh nghiệm của chị, nếu thời tiết cứ rét và ấm đan xen, người trồng đào sẽ bớt lo, nhưng nếu trời rét quá, mắt đào sẽ hỏng, còn trời ấm quá hoa sẽ nở sớm.

“Như năm ngoái, trời rét quá, chỉ một nửa số cây trong vườn là cho hoa đúng dịp đem bán được, còn lại đều bị non. Với thời tiết mưa nhiều như năm nay, nửa số hoa đó đậu cũng được coi là thành công rồi” - chị Hòa nói.

Tại vườn đào nhà mình, cô Thanh đang làm cỏ. Cô Thanh cho biết: “Với thời tiết như mấy hôm nay mong rằng đào sẽ nở đúng vụ. Tuy nhiên, đài dự báo còn có vài đợt rét nữa mới đến Tết nên cũng chưa biết thế nào. Nếu trời rét thêm thì phải đúc (bón phân, tưới nước) mà chưa chắc đã lại được!” 

Năm nay, các vườn đào ở La Cả mất mùa.

Theo lời cô Thanh, sau đợt mưa lớn vừa rồi nhiều sâu bệnh, chi phí đánh thuốc tốn hơn gấp hai, ba lần, trong khi các khoản chi phí đều tăng nên giá đào chắc chắn sẽ tăng theo. Tuy nhiên, mức giá này sẽ còn phụ thuộc thị trường trong những ngày giáp Tết và mức độ hiếm hàng của năm nay như thế nào. Nếu trời rét giá có thể cao hơn, còn nếu trời ấm, giá đào lại sẽ không quá đắt.

Với những vườn đào thế, đến thời điểm này, người đến thuê và chọn cây đã khá đông. Phần lớn, khách hàng đều có chung tâm lý đến sớm để chọn được những cây đào đẹp nhất.

Ông Nguyễn Chung, chủ của vườn đào thế có 300 gốc ở Nhật Tân cho biết, khách đã đặt thuê hơn nửa vườn. Với những cây đào thế trên sáu năm tuổi, cành tròn đẹp, cánh hoa to, sắc thắm, năm nay giá thuê lên tới 9 triệu gốc, giá này sẽ còn tăng hơn nữa vào dịp giáp Tết.

Giá quất cũng sẽ tăng gấp đôi

Tại vựa quất Văn Giang, Hưng Yên, dấu tích kinh hoàng của trận lụt lịch sử có thể thấy rõ trên các khu. Những cây quất lá úa vàng trên ruộng, ven đường quất chết khô chất đống, đôi lúc lại bắt gặp một số bà con chở quất khô về làm củi.

Anh Nguyễn Vinh, xã Văn Phúc, huyện Văn Giang cho biết, năm nay trận lụt đã nhấn chìm toàn bộ diện tích quất của nhà. Gần 100 cây quất rong lấy về với giá hơn 200.000/cây đợi đến khi thu hoạch có khả năng lãi gấp 3, 4 lần đều mất trắng.  

Ông Tôn (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, với những vườn đẹp nhất thì hầu như đã được các vườn quất ở Hà Nội đánh từ tháng 10.

Vườn nhà ông Lý Văn Tôn, xã Liên Nghĩa có hơn 2.000 cây thì mất hơn 1.000 cây. Những cây còn sống dặt dẹo, lá úa vàng, quả héo khô.

Ông Tôn cho biết, với những vườn đẹp nhất thì hầu như đã được các vườn quất ở Hà Nội đánh cây đi từ tháng 10: “Mọi năm cứ đến tháng 4, người trồng quất ở đây bắt đầu làm rễ, vặt hoa, nuôi lộc để lấy quả vào đúng dịp Tết. Vào thời điểm đó, đã có nhiều chủ vườn quất ở Hà Nội đến đặt, đến tháng 10 thì đào cây về”.

Vào thời điểm này, phần lớn những cây quất đẹp cũng đã có người ở Hà Nội về đặt. Ông Tôn nói thêm, với những cây còn lại, dù không đẹp nhưng cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Giá những cây quất trong vườn nhà ông tăng từ 60.000 đồng lên 120.000-150.000 đồng/cây nhỏ, cây to giá hơn 300.000 đồng/cây, phần lớn là người ở tỉnh lẻ đến mua.

“Mọi năm được mùa thì giá rẻ. Năm nay nhà nào may mắn giữ được cây thì bán được đắt hơn nhưng cũng chẳng ăn thua. Cả những nhà bị xóa sổ và những nhà vẫn giữ được một số cây thì thiệt hại đến mấy năm sau...” - ông Tôn trầm ngâm. 

Giá mua cây giống đắt hơn mọi năm, chi phí các loại thuốc chăm cây, diệt sâu đều tăng lên gấp đôi, nên giá quất sẽ tăng.

Nếu như người trồng quất ở Hưng Yên lo lắng vì lỗ vốn thì chủ vườn quất ở Quảng An, Tứ Liên đã phần nào yên tâm với mùa vụ năm nay. Đợt mưa lớn vừa rồi chỉ làm hỏng 0,2 hecta quất ở hai địa phương này. Đi qua đây vào thời điểm hiện tại, có thể thấy những vườn quất đã vàng rực quả.

Chủ vườn quất Ngọc - Dấu ở Quảng An cho biết, đợt vừa rồi mất khoảng mấy chục gốc quất, tuy nhiên gia đình vẫn cố giữ lại một số cây có khả năng sống để sang năm tái sử dụng.

Theo cô Ngọc, chi phí thuốc bón tăng gấp 2, gấp 3 lần. Với những khách đặt quen lấy hàng tại vườn thì giá tăng khoảng 20-30%. Mức tăng này là do mọi chi phí đều tăng, riêng công sức chăm bón không dám tăng giá vì còn lo giữ khách quen cho vườn.

Cô Ngọc băn khoăn là có thể năm nay sẽ khó bán được hàng, vì giá cả mọi thứ đều tăng, có nhiều người sẽ không chơi quất  vào dịp Tết để tiết kiệm chi phí.

Ông Trần Anh, chủ một vườn quất cho biết, năm nay người trồng quất gặp khó khăn ngay từ đầu vụ. Giá mua cây giống cũng đắt hơn mọi năm, chi phí các loại thuốc chăm cây, diệt sâu đều tăng lên gấp đôi, nên giá quất cũng sẽ tăng.

Vườn nhà chị Phượng có 130 gốc quất, có không ít khách ra vào để đặt cây trước. Chị Phượng tiết lộ, giá một cây quất to, dáng đẹp, được khách đặt giá 2,5–3 triệu đồng/cây. Còn các cây quất nhỏ, phù hợp với các căn phòng khách hẹp ở gia đình có giá 150.000–300.000 đồng/gốc, gấp đôi so với năm ngoái.

  • Trà My

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,