- Tâm lý nặng nề bao trùm một bộ phận người lao động khi năm hết Tết đến phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, đồng nghĩa với việc không có Tết. Hàng chục ngàn lao động đã mất việc vào cuối năm 2008. Nhiều doanh nghiệp tuy chưa thu hẹp sản xuất nhưng đã có hiện tượng cho lao động nghỉ tạm thời, hay luân phiên nghỉ, giảm ngày làm, tuy giữ được người nhưng túi tiền của công nhân thì vơi hẳn.
Công nhân mất việc vì suy thoái chung
Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng vừa báo cáo Bộ LĐ-TB-XH về tình hình doanh nghiệp thu hẹp, ngừng sản xuất dẫn đến số người lao động mất việc làm, phải nghỉ việc. Theo đó, đến thời điểm này có 3 doanh nghiệp (đều thuộc khối có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) có báo cáo về tình hình lao động mất việc vào cuối năm 2008 với tổng số 899 người.
Trong đó, Công ty TNHH Kim Quốc Bảo có 750 lao động mất việc làm. Công ty Wei Xern Sin Đà Nẵng có 106 lao động nhưng hiện chỉ còn 5 người được giữ lại để giải quyết một số vấn đề tồn đọng của đơn vị. Đặc biệt, Công ty khoán sản Transcend VN có 48 lao động thì cả 48 người đều… mất việc làm!
Theo báo cáo của Công ty TNHH Kim Quốc Bảo, doanh nghiệp phải tạm thời thu hẹp sản xuất và giải quyết chế độ thôi việc cho công nhân có thời gian công tác từ ngày 1/6/2007 đến 31/12/2008 theo Điều 42 Luật Lao động VN. Nguyên nhân được đưa ra là: “Do tình hình kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng chung đến các ngành sản xuất kinh doanh; ngành may mặc, giày da cũng không tránh khỏi, trong đó có Công ty TNHH Kim Quốc Bảo”.
Khi đến làm việc trực tiếp tại công ty, đoàn công tác của Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng ghi nhận số lao động hiện chỉ còn 650 người so với 1.400 người hồi tháng 6/2008. Ông Chuang Shen Li, Tổng Giám đốc Kim Quốc Bảo cho hay, thời gian gần đây công ty bị thua lỗ nặng nề vì các đối tác nhập khẩu liên tục huỷ đơn hàng. Tuy công ty chưa từng có thông báo cho nghỉ việc nhưng do nhận thấy tình hình công ty quá khó khăn nên nhiều công nhân đã tự ý nghỉ để đi tìm việc khác!
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang ở tình cảnh khốn khó. Ảnh: Phạm Hải
Với Công ty Wei Sern Xin Đà Nẵng, tình hình càng khó khăn gấp bội. Cơn bão Xangsane năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho đơn vị. Nhà xưởng sụp đổ, nguyên vật liệu như tre, giấy… hư hỏng toàn bộ, đến nỗi giám đốc tiền nhiệm phải “bỏ của chạy lấy người”. Lên thay thế chính là vợ giám đốc cũ. Hơn 2 năm qua, bà phải cầm cố hết nhà xưởng, máy móc… để ráng cầm cự, nhưng đến lúc này thì bà… thả tay vì hàng hoá làm ra không tìm được đối tác để xuất khẩu.
Chính vì vậy, số lượng công nhân của Công ty Wei Sern Xin từ 400 hồi tháng 6/2008 đã giảm xuống 106 vào giữa tháng 12. Chưa dừng lại ở đó, 101 người trong số này cũng tiếp tục bị cho nghỉ việc, công ty chỉ còn giữ lại một bộ phận nhỏ gồm 5 người để giải quyết… hậu quả!..
Theo ông Lê Minh Hùng (Trưởng phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng) thừa nhận “Một thanh niên mới lớn, chưa tìm được việc làm thì có thể tạm thời sống nhờ cha mẹ, anh em nên tác động về xã hội không quá lớn. Nhưng với một người lao động đang làm việc nhiều năm mà rơi vào tình trạng thất nghiệp thì tác động xã hội sẽ gấp 5 – 6 lần, vì khi đó bên cạnh anh ta còn có vợ con, cha mẹ già… với bao nhiêu chuyện kéo theo như ăn ở, học hành, chữa bệnh…”.
Do vậy, theo ông Hùng, cần phải ưu tiên “giữ việc làm” cho những người đang có việc nhưng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp bằng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để qua đó đảm bảo sự ổn định về việc làm cho người lao động! Tuy nhiên, để cứu doanh nghiệp vào thời điểm này không phải là việc có thể làm ngay, bởi còn không ít doanh nghiệp khác cũng đang bên bờ vực phá sản, sa thải hàng loạt lao động.
Doanh nghiệp bỏ trốn, công nhân bị… xù lương
Trong mấy ngày qua, rất nhiều công nhân Công ty TNHH và dịch vụ Tuấn Công (gọi tắt là Công ty Tuấn Công) tập trung tại trụ sở Công ty ở số 405B Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) để đòi tiền lương và tiền đặt cọc khi vào làm việc. Tuy nhiên, đòi hỏi của họ xem chừng vô vọng, bởi cả vợ chồng ông giám đốc đều đã… biến mất!
Theo trình bày của công nhân, Công ty Tuấn Công chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, do ông Phạm Ngọc Tuấn là giám đốc và vợ là Võ Thị Kim Chung làm phó giám đốc. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, hai vợ chồng bỏ đi đâu không rõ, giao quyền điều hành công ty lại cho em ruột là Phạm Ngọc Thuận.
Anh Hồ Chí Lưu, quê ở Đại Lộc (Quảng
“Chúng tôi đa phần ở quê ra, phải vay mượn cho đủ số tiền đặt cọc để được vào làm việc. Bây giờ thì ai nấy đều thất nghiệp hết. Không những công ty không trả lương mà kể cả số tiền đặt cọc của chúng tôi họ cũng phớt lờ. Hơn 1 tháng qua, ngày nào chúng tôi cũng gọi điện, đến trước cổng công ty để đòi nợ nhưng đều bị khước từ, hẹn ngày này qua ngày khác. Thậm chí họ còn đóng cửa suốt ngày, không chịu tiếp công nhân!” – anh Hồ Chí Lưu bức xúc cho biết.
Khi chúng tôi đến Công ty Tuấn Công sáng 22/12 thì công ty này đã đóng cửa. Một số công nhân đang có mặt trước cổng công ty cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh hiện nay là do vợ chồng ông giám đốc bị vỡ nợ lên đến hàng tỷ đồng. 2 trong số 11 chiếc xe tải của công ty đã bị chủ nợ xiết, số còn lại đến sáng 22/12 cũng “biến mất” mà công nhân chẳng hay biết. Ngoài ra, nhiều tài sản, vật dụng khác của công ty cũng có dấu hiệu bị tẩu tán.
Lái xe Đoàn Ngọc Điểm cười như… mếu: “Năm hết Tết đến rồi mà công ty “chơi” kiểu này thì anh em tụi tui… chết luôn, không biết lấy chi lo cho vợ con mà còn thâm nợ thâm nần nữa. Từ cách đây mấy tháng, tụi tui đã thấy có “mùi” vỡ nợ rồi, nhưng nghĩ anh em gắn bó với nhau, có lúc này lúc khác nên không thể bỏ đi lúc gặp khó khăn. Không ngờ họ đối xử cạn tàu ráo máng như thế này!”.
Anh cũng cho biết, do “ngửi thấy mùi” từ sớm nên một số lái xe của Công ty Tuấn Công đã xin nghỉ việc. Tuy nhiên, kể cả số này cũng không nhận lại được số tiền đặt cọc từ đầu mà họ đã nộp cho công ty theo hợp đồng. Số còn lại cố gắng “bám” theo công ty thì suốt 4 tháng nay không có lấy một đồng lương!
Có thể nói, đến thời điểm này tuy ở Đà Nẵng chưa xảy ra nhiều vụ việc như ở Công ty Tuấn Công song tình hình chung của nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cũng đang khá bi đát, “hứa hẹn” sẽ còn có nhiều bất ổn hơn nữa đối với đời sống người lao động trong dịp cuối năm.
Hàng loạt doanh nghiệp phá sản
Công ty Cơ khí chính xác số 1 và Công ty Cơ khí Cổ Loa (Hà Nội) thuộc Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam đã phải cho khoảng 150 công nhân nghỉ 2-3 ngày trong tuần suốt từ tháng 10/2008 đến nay.
Đây là 2 DN sản xuất thùng ôtô tải cung cấp cho các DN lắp ráp xe, song, thời gian qua xe tải ế ẩm, tồn đọng nhiều nên các doanh nghiệp không đặt hàng nữa, dẫn đến dây chuyền sản xuất thiếu việc làm và phải cho công nhân nghỉ việc. Những ngày nghỉ việc này công nhân không được hưởng lương.
Hàng chục nghìn lao động mất việc, lại đổ về quê? (ảnh haiphongdofa)
Công ty CP Gang thép Vạn Lợi (Hải Phòng) cũng đang cho hơn 1.000 công nhân nghỉ việc từ nhiều tháng nay và sẽ còn kéo dài qua Tết do phôi thép sản xuất ra không bán được, không cạnh tranh nổi phôi thép nhập khẩu. Hiện số lao động này nghỉ chỉ được hưởng 50% lương, doanh nghiệp nợ 50%.
Ông Lê Mạnh Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ (Hải Phòng) nói rằng, công ty phải rà soát lại trong số 860 công nhân hiện nay để tinh giảm bớt do sản xuất quá khó khăn. Công nhân công ty đã phải nghỉ việc hơn 3 tuần do phôi thép bị tồn kho.
Theo ông Trần Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty ôtô Trường Hải (Chu Lai - Quảng Nam), do tiêu thụ ôtô khó khăn, sản xuất đình đốn, thời gian qua, hơn 500 công nhân của công ty đã phải nghỉ việc kéo dài và hưởng lương cơ bản, số lao động còn lại cũng chỉ làm việc có 3 ngày/tuần. Hiện những lao động tập sự chưa ký hợp đồng thì công ty không ký mới, nếu tình hình không sáng sủa Trường Hải sẽ cho một số lao động nghỉ hẳn.
Thống kê của Ban quản lý các KCN-KCX TP. Hà Nội cho thấy, 3-4 tháng gần đây, rất nhiều DN đã thông báo cắt giảm lao động do sản xuất kinh doanh gặp khó, như Công ty Canon (KCN Thăng Long), với khoảng 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động... hoặc tạm ngưng việc hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50-70%. Công ty CP Sữa Hanoimilk cũng vừa cho nghỉ việc gần 250 lao động, trong đó phần lớn là người của địa phương mà doanh nghiệp đã nhận vào theo cam kết khi đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Công ty đèn hình Orion - Hanel ở KCN Sài Đồng B (Long Biên) vừa phá sản cũng khiến hàng nghìn lao động bơ vơ, không có Tết
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, khủng hoảng kinh tế khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất do không nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc - nơi tập trung nhiều KCN, mấy tháng nay đã cho 22.000 lao động nghỉ việc, gây sức ép nặng nề lên nông thôn vì đa số lao động từ quê ra thành phố.
-
Hải Châu - Trần Thuỷ - Hà Yên
Bài 2: Doanh nghiệp nghĩ đến thưởng Tết mà... run