221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1138558
Hàng trăm lao động xuất khẩu kéo về Hà Nội... đòi nợ!
1
Article
null
Hàng trăm lao động xuất khẩu kéo về Hà Nội... đòi nợ!
,

 - Bất ngờ vì bị về nước trước thời hạn, hàng trăm lao động xuất khẩu (LĐXK) từ nhiều tỉnh đã tập trung lại và kéo đến các công ty tuyển dụng LĐXK ở Hà Nội để… đòi nợ!

 

Tập trung đòi nợ công ty!

 

Ngay từ sáng sớm ngày 13/12, rất nhiều lao động ngoại tỉnh đã có mặt trước địa chỉ 172 đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây nguyên là trụ sở của Công ty cổ phần Việt Hà, đơn vị chuyên tuyển dụng và đưa người lao động đi XKLĐNN.

 

Từ sáng sớm, rất nhiều LĐ vừa trở về từ Maldive đã tập trung tại trụ sở 172 Nguyễn Tuân để đợi thanh lý hợp đồng. Ảnh: Kiên Trung

Nhiều người lao động cho biết, mục đích của họ đến đây là để yêu cầu công ty thanh toán hợp đồng lao động trước thời hạn và bồi hoàn lại cho họ số tiền phí ban đầu đã nộp cho công ty, đồng thời hỗ trợ những thiệt hại về vật chất và tinh thần trong thời gian họ lao động tại nước ngoài.

 

Tất cả đều là những người lao động vừa trở về từ Maldives, khi hợp đồng lao động của họ chưa hết hạn. Nhiều lao động mới làm việc được 3 tháng trong khi hợp đồng lao động ký kết với công ty là 2 năm. Họ đều bị về nước không rõ nguyên nhân và phải chịu cuộc sống lao động vất vả, cực khổ, thiếu thốn bên nước sở tại.

 

Anh Nguyễn Văn Thuấn (quê Quỳnh Hưng - Quỳnh Phụ, Thái Bình) sang Maldives tháng 7/2007 với nội dung công việc là thợ xây, mức lương 250USD/tháng. Thủ tục ký kết với công ty Việt Hà, anh Thuấn phải đóng số tiền 2.100USD, trong đó có 1.000USD trả cho công ty môi giới bên Maldives. Thế nhưng, khi sang Maldives, anh Thuấn không được làm đúng công việc đã ký. Thời gian đầu, anh làm thợ xây, sau đó chủ sử dụng lao động yêu cầu anh làm điện, nước - một công việc mà anh không hề biết.

Những người LĐ đã chờ đợi từ rất lâu để đến lượt mình được giải quyết. Ảnh: Kiên Trung

 “Hầu hết người lao động Việt Nam sang Maldives đều không được làm đúng công việc đăng ký trong hợp đồng. Chúng tôi cũng không được làm việc thường xuyên, vì không có việc. Rất nhiều người đã trở nên thất nghiệp, tự kiếm sống để nuôi mình vì không có việc làm. Cuộc sống của chúng tôi bên Maldives thời gian qua cực khổ không khác gì loài vật!” - anh Thuấn cho biết.

 

Đây là lần thứ 4 anh Thuấn tìm đến trụ sở công ty. Những lần trước đó, anh không được công ty giải quyết mà chỉ đưa ra những lời hẹn.

 

Nhiều lao động đã thuê nhà ở lại Hà Nội cả tháng trời để đợi công ty giải quyết, thanh toán hợp đồng. Họ mang theo rất nhiều giấy tờ liên quan đến hợp đồng lao động mà họ đã ký kết.

 

Khoảng 9h, một phụ nữ xưng là nhân viên của công ty cho biết: trụ sở Công ty Việt Hà đã chuyển sang địa điểm mới. Ngôi nhà số 172 Nguyễn Tuân hiện đang được một công ty khác thuê làm trụ sở. Những người lao động lại tiếp tục tìm sang địa chỉ mới: số nhà C23, ngõ 132 Trung Kính. Tại đây, đã thấy rất nhiều lao động đang tập trung chờ giải quyết.

 

Ông Ngô Đức Chi, cán bộ của Công ty Việt Hà cho biết: Thời gian gần đây, công ty phải giải quyết rất nhiều trường hợp các LĐXK sang Maldive về nước trước thời hạn. Lãnh đạo Công ty Việt Hà đã phải chia thành nhiều buổi hẹn để làm việc với các lao động khác nhau, vì số lượng quá lớn.

 

Được biết, lao động Việt Nam được Công ty Việt Hà đưa sang Maldive làm việc có số lượng khá lớn (gần 1.000 lao động) tính từ thời điểm năm 2007. Cho đến nay, rất nhiều lao động đã phải về nước trước thời hạn mà không rõ lý do.

 

Không tìm được hướng giải quyết?!

 

Những lao động đi XKLĐ tại Maldive yêu cầu phía công ty phải trả lại cho họ số tiền chi phí mà họ đã bỏ ra ban đầu, vì theo họ, phía Công ty Việt Hà đã vi phạm hợp đồng lao động: lao động bị đưa về nước khi chưa hết thời hạn làm việc.

 

Hầu hết mọi người đều không được làm đúng công việc đăng ký và mức lương thấp hơn so với cam kết. Khi về đến Việt Nam, nhiều người vẫn chưa được chủ sử dụng lao động thanh toán hết tiền lương mà mình đã làm trong nhiều tháng lao động.

 

Tại Công ty Việt Hà, trong buổi sáng 13/12, chỉ có 4 người được gọi vào để tiến hành thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, tất cả 4 lao động nói trên chỉ được Công ty Việt Hà trả lại 500 USD từ số tiền 2.100USD mà họ đã bỏ ra ban đầu.

Ông Ngô Đức Chi (đại diện của công ty Việt Hà) làm việc cùng người lao động. Ảnh: Kiên Trung

 

Ban lãnh đạo công ty thì… đi vắng. Ông Ngô Đức Chi, nhân viên Phòng thị trường của Công ty Việt Hà, được cử làm đại diện của Việt Hà đứng ra làm việc với người lao động đã giải thích: Việc công ty chỉ chi trả lại 500 USD tiền phí quản lý là do người lao động không thực hiện đúng hợp đồng lao động như đã cam kết, người lao động Việt Nam sang Maldives làm việc gây đánh nhau, biểu tình, trộm cắp… nên phía công ty tiếp nhận lao động của Maldives đã trả lao động về nước sớm.

 

Để viện dẫn, ông Chi đã đọc một bức thư từ tháng 10/2007 của công ty tiếp nhận lao động Việt Nam tại Maldives gủi cho Công ty Việt Hà, trong bức thư có nói lý do chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn là do lao động người Việt Nam sang làm việc thường xuyên đánh nhau, biểu tình đòi tăng lương…

 

Tuy nhiên, bức thư đó đã bị tất cả những lao động vừa từ Maldive trở về phản ứng rằng sai sự thật. Họ cho rằng, đó chỉ là cái cớ để Việt Hàn trốn tránh trách nhiệm, bởi bức thư được đối tác từ Maldives gửi về cho công ty Việt Hà từ tháng 10/2007, trong khi những người đến thanh lý hợp đồng lại đi từ đầu năm 2008.

 

Trước sự phản ứng của người lao động, thông tin với VietNamNet, ông Chi cho biết, ông chỉ thu thập ý kiến, còn giải quyết thì phải đợi giám đốc về giải quyết!!!

 

Nhiều lao động cho biết, họ sẽ đợi ở công ty bằng được đến chừng nào người có trách nhiệm trong công ty đứng ra giải quyết. Nếu không được giải quyết thoả đáng, họ sẽ khởi kiện công ty Việt Hà trước pháp luật.

  • Kiên Trung - Vũ Điệp

Nếu bạn chưa hài lòng về những sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng, hãy gửi bức xúc của bạn về cho chúng tôi! 
Đường dây nóng: (091)356-4657 hoặc (04)3772-2729 Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>