221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1137783
Chợ 19-12: Hà Nội cần đường hơn hay trung tâm thương mại?
1
Article
null
Chợ 19-12: Hà Nội cần đường hơn hay trung tâm thương mại?
,

 - Quanh dự án xây trung tâm thương mại tại khu đất vừa giải phóng chợ 19-12, ông Hoàng Công Khôi - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời VietNamNet rằng: khu vực này không thiếu đường, cũng chẳng thiếu vườn hoa, do đó không có lý gì mà không triển khai xây... trung tâm thương mại!?

VietNamNet đã phỏng vấn ông Hoàng Công Khôi - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về dự án xây trung tâm thương mại tại chợ 19-12 cũ và bức thư ngỏ của nhà sử học Dương Trung Quốc gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

"Khu vực này đã trở thành chợ hợp pháp từ gần 30 năm nay"

- Thưa ông, chủ trương xây dựng trung tâm thương mại chính ngay tại nền chợ cũ 19/12 có từ khi nào và hiện nay dự án đã được tiến hành đến đâu?

- Chủ trương xã hội hóa xây dựng lại các chợ cũ thành trung tâm thương mại được triển khai theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển, quản lý chợ và Quyết định 559/QĐ-TTg cũng của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến 2010, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban Quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chợ 19/12 cũ, nay đã được giải phóng mặt bằng, các hộ kinh doanh chuyển ra chợ tạm Phùng Hưng từ tháng 11/2008 (Chụp tháng 12/2008 - Ảnh: H.H).

Tại Hà Nội, đây cũng là một trong năm nội dung Thành ủy, UBND TP chỉ đạo về thu hút đầu tư xã hội hóa, trong đó vấn đề cải tạo mạng lưới chợ để phù hợp hơn với hội nhập kinh tế quốc tế song vẫn đảm bảo nhu cầu chợ dân sinh rất được coi trọng.

Từ nhiệm kỳ Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên, chủ trương xây dựng trung tâm thương mại tại chợ cũ 19-12 đã manh nha và chính thức từ nhiệm kỳ Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu việc này đã được bàn thảo nhiều lần, thậm chí Sở Qui hoạch-Kiến trúc đã tổ chức cả hội thảo về vấn đề nên qui hoạch khu vực này thế nào, với sự có mặt của nhiều nhà qui hoạch, kiến trúc, kỹ sư xây dựng, chuyên gia thương mại...

Mọi người đều thấy rằng cần thiết đầu tư xây lại chợ 19-12 cũ này thành trung tâm thương mại, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, Thành phố mới thống nhất kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây lại chợ này và sau đó chấp thuận Công ty TNHH Thủ đô II là chủ đầu tư. Tháng 11 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành việc di dời các hộ kinh doanh tại chợ 19-12 ra chợ tạm Phùng Hưng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

- Hiện nay, có ý kiến cho đây xưa kia là một con đường, chợ thì chỉ là chợ tạm... nên tốt nhất nên trả lại cho nó thành một con đường, không nên xây đè lên đó một khối nhà mà phí và lợi nhuận không mang lại cho quá nhiều người - ông nghĩ thế nào?

- Gần 30 năm nay, nơi đây đã không còn là một con đường, mà là khu chợ với ngót 300 hộ kinh doanh. Không thể nói đây là chợ tạm, vì ngày 8/6/2005 UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xếp loại chợ 19-12 là chợ loại 3. Các hộ đều thực hiện đầy đủ chính sách pháp luật với Nhà nước. Khi di dời, họ đều được đền bù, hỗ trợ và đang rất nóng lòng mong dự án hoàn thành để được về kinh doanh trong trung tâm thương mại mới.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi (Ảnh: H.H).

Cần thấy, từ năm 1946 - 1947, đây là nơi chôn cất nhiều xác nhiều người chết tại khu vực Cửa Nam, Hàng Bông, cả Tây, cả ta, cả người dân, quân nhân, nhân sĩ... song không phải nghĩa trang liệt sĩ. Cũng từ ngày đó, nơi đây đã là nghĩa địa chứ không phải một con đường! Đến nay, khu vực này cũng chưa từng được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa hay cách mạng.

Rồi sau khi các hài cốt này được dời lên Bất Bạt (năm 1982), bà con kinh doanh đã tụ tập về đây, ngày một đông dần và chính thức mang tên chợ 19-12 (ban đầu do Phòng Thương nghiệp quận Hoàn Kiếm quản lý). Đến tháng 4/1994, chợ 19-12 được UBND quận giao cho Ban Quản lý chợ Hàng Bè quản lý, bà con đóng phí, tuân thủ nội qui, tham gia các hoạt động xã hội được phát động, quyên góp từ thiện thường xuyên, nghiêm túc...

Tại sao trong gần 30 năm tồn tại chợ 19/12, không ai nghĩ rằng cần dẹp chợ này đi làm đường mà giờ đây khi xuất hiện dự án xây dựng "Tổ hợp công trình trung tâm thương mại - dịch vụ 19/12" lại nảy sinh ý kiến như vậy? Tôi cũng chưa thấy dân cư chính khu vực này đề xuất ý kiến biến chợ thành đường, có lẽ vì điểm này đã có rất nhiều con đường liên thông ngang dọc: Hỏa Lò, Thợ Nhuộm, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Triệu Quốc Đạt, Quán Sứ... Khu vực này cũng không xảy hiện tượng ùn ứ, ách tắc giao thông vì thiếu đường đi.

Không lý do gì có thể đình dự án?

- Vậy còn ý kiến của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng nơi này nên làm vườn hoa, giữa có tấm bia ghi sự kiện 19/12/1946, bên cạnh là lư hương để nhân dân và con cháu các vị tiền bối tới thắp?

- Cách chợ 19-12 cũ không xa, khoảng 100m thôi đã có một vườn hoa giữa các con đường Thợ Nhuộm, Quán Sứ và Hai Bà Trưng. Tôi khẳng định rằng một vườn hoa nữa tại khu vực này là không cần thiết, trong khi quận Hoàn Kiếm được hoạch định là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ và cả du lịch - trong đó lợi thế của quận Hoàn Kiếm về thương mại là rất lớn. Việc đầu tư trung tâm thương mại 19/12 là cần thiết, phục vụ nhu cầu phát triển nói chung.

Về tấm bia ghi sự kiện, tôi được biết dự án cũng có dành một khu xây một tượng đài hoặc phù điêu ghi dấu ngày 19/12/1946 rồi!

Chợ 19/12 cũ đã được giải phóng mặt bằng (Chụp ngày 11/12/2008 - Ảnh: H.H).

- Nếu ông cho rằng khu vực này không thiếu đường, cũng chẳng thiếu vườn hoa... thì ông trả lời sao với ý kiến cho rằng, cũng tại khu vực này của quận Hoàn Kiếm sắp tới sẽ chẳng thiếu trung tâm thương mại xây lại từ chợ cũ Cửa Nam, Hàng Da... và nay lại chợ 19/12?

- Cần lưu ý đây không phải xây dựng mới. Không thêm một chợ - trung tâm thương mại nào cả mà trước đây những nơi ấy  là các chợ cũ, tồn tại nhiều năm và nay ta chỉ đầu tư xây lại cho diện mạo đô thị đẹp thêm, đáp ứng văn minh thương mại và hội nhập quốc tế. Nếu cứ để mãi là các chợ cũ tức là chấp nhận chúng mãi xập xệ, mất vệ sinh, thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy...

- Đặt giả thiết dự án này bị gác lại, sẽ không có trung tâm thương mại tại địa điểm chợ 19/12 - ông có ý kiến gì?

- Tôi nghĩ không có lý do gì để dự án bị đình lại, tuy nhiên nếu xảy ra việc như vậy thì tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề xã hội rất lớn cần phải giải quyết: chuyển gần 300 hộ kinh doanh tại chợ cũ đi đâu? quyền lợi hợp pháp của họ sẽ do ai bảo đảm và xử lý thế nào?... Chủ đầu tư cũng đã bỏ khá nhiều tiền thời gian qua để di dời, hỗ trợ các hộ kinh doanh và lập dự án, lo chợ tạm.

  • Tràng An Nguyễn (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;