- Sau khi đăng tải bài viết “Bị siêu thị Big C làm nhục, một khách hàng tự vẫn!”, VietNamNet đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự bức xúc, bất bình và phản ánh trường hợp tương tự tại nhiều siêu thị trên cả nước.
Tôi từng là nạn nhân...
Tôi nhận thấy việc này không phải hiếm gặp ở các hệ thống siêu thị. Cụ thể là một ngày cuối tháng 5/2008, tôi mua hàng tại Big C Hoàng Văn Thụ, TP.HCM cũng bị tình trạng tương tự.
Tôi vào Big C định kiếm cái gì đó cho bữa tối, vì nghĩ ăn gọn nhẹ nên không cần xe đẩy hàng. Không lẽ có vài cái xúc xích lại cầm cồng kềnh trên tay, tôi cho luôn vào túi quần, định khi tính tiền sẽ lấy ra sau, nào ngờ bảo vệ ập tới bắt giữ vì tội ăn cắp, tôi bị dẫn độ đi như tội phạm hình sự.
Tôi thực sự cảm thấy bị xúc phạm và khó xử vì lúc đó có khá nhiều bạn bè, người quen gặp tôi ở đó. Tư trang của tôi cũng bị lục soát và trong quá trình làm việc, bảo vệ luôn miệng bình luận không hay về những tài sản của tôi. Sau đó, bảo vệ siêu thị yêu cầu tôi ký biên bản thừa nhận đã ăn cắp và nộp phạt thì sẽ được đi, nếu không tôi sẽ bị đưa lên đồn công an. Tôi không đồng ý, yêu cầu được làm việc với công an và gọi cho luật sư của mình.
Siêu thị Big C Đồng Nai, nơi xảy ra vụ khách hàng Nguyễn Nhật Minh bị đánh đập, làm nhục...dẫn đến việc tự vẫn. Ảnh: bcci.com.vn
Lúc này, nhóm bảo vệ ra ngoài trò chuyện gì đó rồi yêu cầu tôi xuống quầy làm thủ tục thanh toán rồi đi. Tôi không muốn rắc rối và làm to chuyện nên đã không bàn cãi chuyện này nữa.
Sau khi đọc bài báo trên, tôi nhận thấy lực lượng bảo vệ đang có xu hướng lợi dụng công tác để thị uy, tìm cách trục lợi từ những sơ hở của khách hàng. Cần có biện pháp răn đe, chấn chỉnh để người tiêu dùng an tâm hơn. Nguyễn Thanh Nam, TP.HCM, thangnamnguyen72@...
Tôi đang theo học năm thứ nhất tại ĐH Hồng Đức. Nghe nói Trung tâm Thương mại VINACONEX Thanh Hoá khá sầm uất, chiều ngày 10/12/2008, tôi bớt chút thì giờ đi mua sắm và tham quan.
Sau khi gửi đồ ở phòng bảo vệ, tôi đi tay không lên tầng hai. Hàng hoá nhiều vô kể mà người mua sắm thì ít. Nhìn bảng giá một mặt hàng có vẻ hấp dẫn, tôi lấy bút (không có giấy) ghi chép vào lòng bàn tay... Thấy vậy, hai nhân viên bán hàng báo cho mấy bảo vệ đến hoạch họe tôi đủ thứ, rồi nắm tay kéo tôi vào phòng bảo vệ để tra hỏi.
Họ hỏi tôi: “Ghi gì vào lòng bàn tay?” Biết tôi ghi giá hàng, họ hỏi tiếp: “Ghi để làm gì? Ở đây cấm ghi chép giá hàng!” Tôi nói: “Nhà có việc hỉ, tôi theo dõi một số mặt hàng để cho người giúp việc đi mua. Tôi đi nhiều nơi, không ở đâu cấm khách hàng ghi chép giá. Còn ở đây có quy định kì dị ấy, sao không dán thông báo để khách hàng thực hiện?”...
Tỏ ra “cứng đầu, cứng miệng” như thế nhưng tôi rất lấy làm xấu hổ. Nếu có ai quen biết nhìn thấy lúc ấy, tôi cũng có thể liều mình như anh Minh ở Đồng Nai. Tôi rất lo bị hiểu lầm là ăn cắp đồ trong siêu thị nên bị bảo vệ bắt giữ. Không nghe lời thanh minh của tôi, bảo vệ ở đây còn giữ luôn gói đồ của tôi đã gửi ở phòng bảo vệ...
Thân gái một mình, tôi chưa biết ứng xử thế nào thì xuất hiện một anh trung niên tự xưng là giám sát bán hàng của một công ty trong TP.HCM. Nghe tôi và mấy bảo bệ cãi đi cãi lại, anh nói: “Nếu cô SV này chỉ ghi chép giá hàng thì các anh phải nhanh chóng trả lại hành lí để cô ra khỏi phòng bảo vệ. Nếu không, thì tôi phải gọi cảnh sát 113 báo về việc các anh bắt người, giữ tài sản của khách trái phép”.
Biết không thể làm gì được tôi khi có người thành niên cao to kia biết chuyện vô lí trên đây, họ đã phải để tôi ra về. Tôi vừa bực vừa xấu hổ, không kịp cảm ơn người đã “giải thoát” cho mình. Sau hơn hai giờ bị tra hỏi, bắt giữ, tôi mới ra khỏi khu trung tâm thương mại. Cứ tình hình này tôi không bao giờ dám bước chân vào Trung tâm Thương mại VINACONEX Thanh Hoá nữa. Trịnh Thị Trang, Hoằng Hoá, Thanh Hoá
Tôi đã từng là nạn nhân của thái độ phục vụ bất lịch sự của nhân viên Siêu thị
Sau đó có thêm 1, 2 nhân viên nữa tham gia cũng dùng những lời lẽ rất vô văn hoá. Những nhân viên này phát hiện đó là do áo của tôi chưa cắt phần mác áo. Tôi có gọi điện thoại đề nghị gặp giám đốc siêu thị nhưng nhân viên lễ tân trực điện thoại không cho gặp và lên tiếng bênh vực những nhân viên bảo vệ kia. Siêu thị của Việt
Sau khi đọc bài báo này, tôi rất tức giận về cách hành xử của đội ngũ bảo vệ Công ty Yuki Sepre 24. Nhân đây, tôi có phản ảnh là vào tối ngày 8/12/2008, tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, đội ngũ bảo vệ Yuki Sepre 24 đã làm nhục một phụ nữ đi cùng cháu bé vào siêu thị.
Số là khi vào siêu thị, cháu bé có mặt một cái áo ông già Noel gần giống với áo có bán trong siêu thị. Không hiểu tại sao đội ngũ bảo vệ Yuki Sepre 24 lại vu cáo rằng chị phụ nữ đó đã ăn cắp áo của siêu thị trước sự chứng kiến rất nhiều khách hàng. Khi đối chiếu lại, bảo vệ thấy đó không phải mặt hàng của siêu thị bán. Khách hàng yêu cầu một lời xin lỗi, đội bảo vệ Yuki Sepre 24 không xin lỗi khác hàng khiến chị ta phải khóc giữa siêu thị. Tôi không hiểu quy trình tuyển dụng của Công ty Yuki Sepre 24 ra sao về trình độ học thức của các bảo vệ? Vo Tuan Khanh, Tân Phú, TP.HCM, khadavid@...
Vào một ngày Chủ nhật khoảng tháng 7/2008, tôi cùng 2 con nhỏ (một cháu 5 tuổi, một cháu 2 tuổi) vào siêu thị Big C Hà Nội mua đồ. Trong khi bê đồ đã chọn, cháu nhỏ 2 tuổi đã ăn mất 1/3 cái xúc xích. Thấy vậy, tôi vội cho cháu ra quầy thanh toán. Tôi đang đi ra thì bảo vệ siêu thị yêu cầu dẫn xuống 1 phòng kho rất bé và bí, cảm tưởng rất khó thở (gồm có 3 người), sau đó doạ nạt, ăn nói giọng côn đồ và rất kích động. Con tôi sợ khóc toáng lên. Tôi đã phải cố tình nói thật to cố ý để người bên ngoài nghe thấy vào cứu trợ nhưng có lẽ bên ngoài gần như không nghe được trong nói gì. Sau đó, tôi đã phải khùng nên và tỏ ra hết sức rắn mặt, bảo vệ mới chịu mở cửa để mẹ con tôi ra về. Trần Thị Nguyệt, Hà Nội, acduanj@...
Những chiêu "móc túi" của siêu thị
Câu chuyện thứ nhất tôi gặp là ở siêu thị Big C Đồng Nai khi thanh toán ở quầy thu ngân. Cô thu ngân thối lại tiền cho một cô gái 5 đồng cắc 200 đồng thay vì thối lại tờ 1000 đồng hay hai đồng cắc 500. Cô gái hỏi: “Chị thối tiền 200 đồng, làm sao em tiêu được?”. Cô thu ngân trả lời rằng: “Đây là tiền Nhà nước ban hành, em thối cho chị đủ chứ có thiếu đâu mà chị kêu”. Tới lượt tôi thanh toán, cô không thèm thối cho tôi 1000 đồng hay thậm chí là 5 đồng cắc 200 đồng mà đưa cho tôi hai viên Cool air.
Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra hôm qua khi tôi đi ghé Nhà sách Đồng Nai gần chợ Sặt. Lúc thanh toán tiền cho tôi, thay vì thối lại cho tôi 17.000 đồng thì cô thu ngân thối đại cho tôi 1 tờ 10.000 đồng, một tờ 5.000 đồng, một tờ 1.000 đồng và một thanh kẹo cao su (chưa đáng giá được 1.000 đồng) mà loại này còn thua cả Cool air ở Big C. Rồi cô ta chạy một mạch ra chỗ khác nói không để tôi kịp phản ứng.
Khách hàng luôn mong nhận được những nụ cười thân thiện của nhân viên siêu thị. Ảnh: Tiền Phong
Tôi không hiểu kiểu thu tiền ở mấy siêu thị nhà sách bây giờ ra sao nữa? Họ đang cố ép khách hàng bằng cái kiểu như vậy? Đây có phải là nghệ thuật móc túi khách hàng không? Một bạn đọc, Đồng Nai.
Ngày 9/12/2008, vợ chồng tôi đi mua hàng ở siêu thị BigC Hà Nội và gửi xe máy ở bãi để xe miễn phí của siêu thị từ 16h đến 17h30. Khi ra bãi gửi xe máy, tôi mới nhớ ra để quên chìa khoá xe ở cốp xe. Khi ra bãi lấy xe, tôi thấy không còn chùm chìa khoá ở xe nữa và xe của tôi cũng bị khoá cổ xe. Khi ra hỏi, các bảo vệ trông xe cũng không biết gì và ngay lúc đó có một bảo vệ luôn đi lại khu vực gần xe tôi để tìm kiếm một cái gì đó trên các xe máy đang gửi?!
Sau một thời gian, tôi cẩn thận hơn vào nhờ lễ tân thông báo trên loa. Khi tôi đi ra, một anh bảo vệ bảo tôi muốn phá khoá thì “ra cột ô số 4 có dán thông báo dịch vụ chữa khoá xe máy…” Tôi gọi đến và đồng ý sửa với giá 50.000 đồng một chìa khoá điện, khoá càng 50.000 đồng và khoá từ thì trên 100.000 đồng. Tôi dù mất chìa khoá nhưng vẫn may hơn một khách hàng gần đó cũng bị mất chìa khoá từ xe máy, nhưng giá thanh toán là 130.000 đồng. Người khách kể: “Em để quên chìa khoá điện trên xe, khi ra lấy xe thì khóa cũng bị mất và xe còn bị khoá cổ”. Cũng lúc đó rất nhiều khách hàng gọi điện thoại cho thợ khoá nhờ đến sửa hộ….
Tôi thiết nghĩ đây có phải là vấn đề bất bình thường của bảo vệ ở BigC không nhưng cũng để bạn đọc cẩn thận hơn khi đi mua hàng gửi xe ở Siêu thị BigC. Đỗ Cao Toàn, Long Biên, Hà Nội
Ngày 6/12/08, tôi có đi siêu thị BigC ở Hải Phòng. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lên siêu thị mua đồ xuống, tôi thấy khoá cốp xe máy của tôi bị phá và mất toàn bộ giấy tờ, tiền, đồ dùng và mũ bảo hiểm để trong cốp xe. Tôi đã tìm đến các nhân viên làm việc ở bãi gửi xe thì đều nhận được thái độ lạnh lùng, quay mặt bỏ đi.
Sau đó, tôi đi tìm trưởng ca trực an ninh bảo vệ của siêu thị thì nhận được câu trả lời: “Chị không đọc trên vé xe à? Mất xe thì chúng tôi chịu trách nhiệm còn mất tài sản riêng chúng tôi không chịu”. Tôi liền mở vé xe ra xem thì quả đúng là trên vé có ghi như vậy. Vậy thì sự việc của tôi cũng đồng nghĩa với việc siêu thị có quyền phá khoá cốp xe của tôi để lấy tài sản riêng? Tôi không đồng ý với cách giải quyết của họ thì họ đã trả lời rằng lỗi do tôi để xe ở vùng camera không quay được?! Thật vô lý vì cả một bãi gửi xe của một siêu thị mà chỉ quản lý những xe ở vùng camera quay tới.
Tôi nhờ người quản lý siêu thị xuống xem xét vụ việc của tôi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì vì "Đằng nào thì cũng mất rồi, về làm lại". Tôi không thể hiểu tại sao siêu thị Việt
Con gái chúng tôi (10 tuổi) cùng một nhóm bạn trong lớp khoảng 10 cháu vào siêu thị Hapro Thanh Hóa chơi, không có người lớn đi kèm. Một cháu rủ các bạn trong đó có con của tôi giấu vào trong áo hộp bút bằng thú bông trị giá 14 nghìn đồng và đã ra khỏi siêu thị mà không bị phát hiện. Các cháu rủ nhau vào nhà vệ sinh dưới tầng 1 và chia cho nhau, lúc này nhân viên siêu thị đi vào phát hiện ra và bắt các cháu vào phòng xử lý, gọi bố mẹ lên.
Chúng tôi được mời lên thì được nhân viên giải thích mỗi một sản phẩm các cháu cầm ra khỏi siêu thị bị phạt gấp 10 lần giá trị sản phẩm. Đánh vào sự xấu hổ của gia đình, 3 phụ huynh của các cháu đã xin giảm 50%, nhân viên đồng ý và họ đã phải nộp tiền cho nhân viên siêu thị và ra về trong trạng thái vô cùng bức xúc. Khi thu tiền, bảo vệ không giao cho chúng tôi biên lai nộp phạt luật gì thế này. Chúng tôi cực kì bức xúc về việc ăn chặn tiền của nhân viên siêu thị Hapro Thanh Hoá, tha thiết gửi những suy nghĩ của chúng tôi lên các ban ngành và chờ đợi câu trả lời. Nguyễn Văn Đại, Thanh Hoá, haminhthang2004@...
1001 bức xúc vì thái độ nhân viên siêu thị
Tôi từng là nạn nhân của nhân viên tại nhà giữ xe của siêu thị Coop Mart Lý Thường Kiệt (TP.HCM). Hôm đó, tôi đi siêu thị, đến nhà giữ xe, ngoài trời mưa rất lớn mà khách rất đông. Chúng tôi xếp hàng dài chờ đợi để “được” anh nhân viên siêu thị “bán” cho một tấm vé. Anh ta làm việc rất chậm chạp mà ngoài trời mưa rất lớn. Anh ta vừa nghe điện thoại vừa cầm giấy ghi phiếu cho chúng tôi. Tôi có nhắc khéo anh ta rằng anh làm nhanh lên giùm vì ngoài trời mưa rất lớn. Anh ta nói rằng: “Mai mốt trời hết mưa rồi hãy đi siêu thị”(?!). Tôi và những người xung quanh chỉ biết nhìn nhau thở dài trước cách ứng xử của nhân viên siêu thị Coop Mart Lý Thường Kiệt. Nguyen Quoc Hung, Hóc Môn, TP.HCM
Một lần tại quầy thu ngân của siêu thị Big C Hà Nội, khi đang chờ đến lượt mình thanh toán, tôi và chị bạn cùng cơ quan có xếp đồ của mình lên băng chuyền, chẳng may đồ có chạm sang đồ của một khách hàng khác. Chị thu ngân ném luôn hàng của chúng tôi ra và bảo: "Không nhìn thấy gì à?". Hai chị em tôi thấy thái độ bất lịch sự của nhân viên thu ngân có nói lại: "Chị làm dịch vụ, tại sao chị không ăn nói nhẹ nhàng được mà lại vứt đồ của khách hàng như vậy? Nhỡ khi đó là đồ dễ vỡ thì sao? chúng tôi bỏ đồng tiền ra không phải mua sự bực bội vào người, chúng tôi không đi xin ai...". Chị thu ngân quát lên: “Sữa thì làm sao mà vỡ được", rồi to tiếng với chúng tôi và sau đó cứ ném đồ của chúng tôi lên băng chuyền. Đến khi tôi yêu cầu gặp người quản lý thì chị ta mới dừng lại thái độ vô văn hóa như vậy... Thật đáng tiếc cho một siêu thị lớn mà lại có những con người phục vụ vô văn hóa, hay là họ ỷ thế họ đông khách nên không cần chăm sóc khách hàng cho tốt? . Hoài Linh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cảnh mệt mỏi vì xếp hàng thanh toán trong các siêu thị. Ảnh: Phạm Hải
Tôi cũng là người thường đi mua sắm ở các siêu thị, do đó, tôi vô cùng phẫn nộ về hành động của các nhân viên bảo vệ Big C như báo đã nêu. Đây chỉ là giọt nước tràn ly, bởi hình ảnh xúc phạm khách hàng của các siêu thị ở Việt Nam hình như đâu cũng có, chỉ có điều là khách hàng không muốn phản ánh với báo chí mà thôi.
Các nhân viên của siêu thị Việt
Tôi cũng đã từng đi nước ngoài và ghé qua các trung tâm thương mại của Singapore. Tại đây, không hề có cảnh bảo vệ săm soi một cách thô thiển đối với khách hàng như ở Việt
Tôi nghĩ rằng cuộc cạnh tranh thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang tới hồi quyết liệt, do đó các siêu thị muốn thu hút khách hàng thì ngoài việc tổ chức nguồn hàng và giá cả, rất cần xem lại thái độ ứng xử của các nhân viên. Hãy đưa ra quy định bắt buộc đối với các nhân viên là phải lịch sự và nhã nhặn với khách hàng, phải biết cười và nói lời cám ơn khách hàng vì đã ghé đến siêu thị. Kiên quyết đuổi việc những người làm phiền lòng khách hàng khi có nhiều phản hồi của khách. Các siêu thị cần tổ chức phòng chăm sóc khách hàng để khi có chuyện rắc rối, họ còn có chỗ để trình bày tử tế, không để hành xử kiểu du côn như trường hợp của Big C vừa qua. Quỳnh Giang, Biên Hòa, Đồng Nai
Chúng tôi thỉnh thoảng đi siêu thị Metro Hải Phòng vì tin tưởng ở đó hàng có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng, không phải mặc cả. Nhưng rất buồn là thời gian gần đây đi Metro rất mệt mỏi. Nhân viên thiếu tính chuyên nghiệp, tính tiền rất lâu, nếu có mua hàng có bảo hành thì đợi thử sản phẩm rất mất thời gian. Có quầy bán điện thoại máy tính, nhân viên không biết đi đâu khiến chúng tôi chờ đợi quá mệt mỏi. Đi siêu thị, tôi vô cùng ngại cảnh chờ thử hàng bảo hành, chờ tính tiền. Thanh Hiền, Hoành Bồ, Quảng Ninh, tuanhienhb@...
Vào tháng 7/2008, tại siêu thị Big C Hà Nội, tôi bị mất điện thoại di động. Cùng lúc đó, một người khác cũng mất điện thoại di động tại siêu thị này. Chúng tôi đã tiến hành báo cho bảo vệ siêu thị và công an biết, nhưng họ nói rằng họ biết có cả băng nhóm chuyên móc túi tại siêu thị từ lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết. Tôi mong bộ phận quản lý siêu thị cần có biện pháp kiên quyết bảo vệ khách hàng. Tuyết Nhung, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhung_12t1@...
Tôi có mua một chiếc đông hồ hiệu J.BOVIER tại cửa hàng 77 Hàng Đào (Hà Nội) từ tháng 3/2008. Đến nay, tôi đã phải đem tới đó sửa lần thứ 5. Tôi bức xúc nhất là việc nhân viên ở đây làm viêc với thái độ rất coi thường khách hàng. Tôi tự hỏi lần sau mình có đến đồng hồ “thật” để mua nữa không? Nguyễn Đức Tâm, Cầu Giấy, Hà Nội
Tôi hay phải đi cùng vợ đến mua hàng ở BigC (Trần Duy Hưng, Hà Nội). Tôi có một số vấn đề gặp phải với thái độ phục vụ ở siêu thị này. Nhiều lần nhân viên thu ngân bỏ lại món hàng mà khách lựa trong siêu thị mà không tính tiền nhưng không nói vì sao, chỉ khi khách hàng phản ứng mới giải thích là trên hàng không ghi mã hoặc mã vạch bị lỗi, rồi gọi điện cho nhân viên phụ trách bán hàng để hỏi mã. Nhưng phần lớn số lần tôi phải bỏ lại món hàng đó vì không ai nhiệt tình bán cả.
Khi vợ tôi bị kẻ gian trong siêu thị rạch túi lấy mất 3,5 triệu đồng, tôi có thông báo nhân viên bảo vệ đứng gần đó, nhưng anh này dửng dưng vì đang còn phải giúp cô nhân viên bán hàng coi khách! Tôi được chỉ dẫn ra bàn hướng dẫn thông tin để phàn nàn, nhưng chỉ nhận được 1 câu: “Chúng tôi nhắc nhở trên hệ thống loa của siêu thị mọi người phải cảnh giác rồi mà anh không nghe”?! Nguyễn Huy, Cầu Giấy, Hà Nội
Bạn đọc đã từng chứng kiến hoặc trực tiếp chịu thái độ phục vụ hách dịch, bất lịch sự của nhân viên các siêu thị, hãy gửi thông tin chi tiết về cho chúng tôi: