221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1137179
Bốc sỏi, vật vờ, lao động khổ sai trên đất khách
1
Article
null
Bài 1:
Bốc sỏi, vật vờ, lao động khổ sai trên đất khách
,

 - “Lương thấp nhưng nếu được trả ổn định thì mình cũng chịu khó làm để có tiền về nước trả nợ, nhưng ai ngờ, công ty môi giới đã lừa gửi chúng tôi sang công ty khác làm để lấy tiền mua vé máy bay đưa lao động về nước”, anh Sơn bức xúc khi nghĩ về những ngày anh và các lao động Việt Nam bị lừa, đầy ải ở nhiều công ty tại thủ đô Male, Maldives.

 

Ngày 7/12, chuyến bay muộn từ Bangkok, Thái Lan về  sân bay Nội Bài (Hà Nội) có 10 hành khách là lao động Việt Nam tại Maldives trở về. Đặt chân xuống sân bay họ vẫn không tin nổi mình đã thoát khỏi cuộc sống khổ ải nơi đất khách. Mỗi người trong số họ đem về một câu chuyện buồn mà nói như họ: “Đời đời kiếp kiếp này sẽ không thể quên được” …

 

Hai lần bị lừa làm không lương

 

Anh Nguyễn Thanh Sơn (38 tuổi) ở Easup, Eaka, Đăk Lăk, cùng với anh Cao Văn Giang (42 tuổi) và anh Nguyễn Sinh Lê (40 tuổi) ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đều đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Maldives qua Công ty Việt Hà (172 đường Nguyễn Tuân, Hà Nội). Theo hợp đồng, ngày 17/7/2008, các anh được phía Công ty Việt Hà đưa sang làm xây dựng, đổ cốt pha tại thủ đô Male. Nhưng ngay sau khi đặt chân đến nơi, các anh phải làm công việc bốc cát sỏi cho Công ty Nalahija tại đảo Thilaushi theo sắp xếp của Công ty môi giới Seworl.

 

Những người lao động tại Maldives không tin mình lại trở về an toàn sau những ngày khổ ải nơi đất khách. Ảnh: Vũ Điệp

Công việc bốc vác nặng nhọc đã đành, nhưng sau gần hai tháng làm việc không được trả lương, các anh được phía Công ty Nalahija thông báo, chỉ trả mức lương 250 USD/tháng trong 13 ngày đầu, còn 2 tháng 13 ngày về sau các anh chỉ được nhận mức lương 125 USD/tháng.

 

Thấy mức lương thấp, anh Sơn đã cùng với anh Giang và Lê tìm lên văn phòng công ty môi giới hỏi thì được phía công ty không trả lời. Mấy ngày sau, các anh bị Công ty Nalahilja trả về Công ty môi giới Seworl mà không được trả một đồng lương nào.

 

Trở về công ty môi giới, nhóm lao động này được bố trí cho sống trong một căn phòng chừng 15m2 trong khu trọ cùng với 13 người lao động khác của Indonesia. “Nói là căn phòng cho sang chứ chẳng khác nào khu ổ chuột, nhếch nhác và bẩn thỉu vô cùng…”, anh Giang cho biết.

 

Anh Nguyễn Thanh Sơn: "Chúng tôi đã bị bỏ rơi nơi đất khách". Ảnh : Vũ Điệp

Đến ngày thứ 5 ở phòng trọ, tiền hết, các anh lên yêu cầu Công ty môi giới Seworl phải trả lương như hợp đồng ký kết giữa hai bên để các anh có tiền chi tiêu sinh hoạt, thì được công ty môi giới đưa ra yêu cầu, lương sẽ trả sau nhưng nếu muốn đi làm thì công ty sẽ giới thiệu đến làm tại Công ty Jausa, thủ đô Male với mức lương 200 USD/tháng.

 

Nghĩ cảnh trở về tay trắng, nợ nần chồng chất sau khi đã cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng lấy tiền đi, nên 3 anh này cùng với 2 người khác đều là lao động Việt Nam đành chấp nhận tới Công ty Jausa để làm. Nhưng ai ngờ, cũng như công ty trước, sau một tháng làm cho Công ty Jausa, các anh vẫn không được trả lương rồi lại bị Công ty Jausa trả về cho công ty môi giới.

 

Trong nỗi bức xúc, anh Sơn nhớ lại: “Nghĩ là lương thấp một chút nhưng nếu được trả ổn định thì mình chịu khó làm để còn có tiền về nước trả nợ. Nhưng ai ngờ, về sau mới biết công ty môi giới lừa gửi chúng tôi sang làm để lấy tiền lương mua vé máy bay đưa lao động về nước”.

 

Trong những ngày cuối cùng chuẩn bị về nước, anh Sơn cho biết, có người đàn ông tên Hán, Giám đốc Công ty Việt Hà sang Maldives gặp các anh và bảo sẽ lấy khoản tiền lương làm ở Công ty Nalahija cho các anh nhưng không được, anh Hán có hứa với các anh em: “Nếu lương ấy không lấy được về nước, tôi sẽ chịu trách nhiệm đứng ra trả cho anh em”.

 

Nhưng rồi anh Hán cũng bí mật bỏ về nước để mặc anh em sống vất vưởng không nơi nương tựa.

 

Vật vờ nơi đất khách

 

Cùng trở về trên chuyến bay từ Bangkok do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức, anh Vũ Hữu Đức (Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) không dám tin mình đã sống sót trở về sau những ngày phải vật vờ tại đất nước Maldives. Giờ đây nghĩ lại, anh Đức mới thấm thía được vị đắng của việc đi XKLĐ.

 

Giọng trầm buồn, anh Đức kể: Quê anh nghèo, ít công ăn việc làm nên khi nghe nói đi Maldives làm ăn cũng khá nên anh đã bàn với vợ rồi tìm đến Công ty SOVI LACO (72 A, Khu tập thể Đại Kim, Hà Nội) để được đi XKLĐ với mong ước, sẽ được đổi đời. Vay mượn và cắm sổ đỏ cho ngân hàng, anh Đức cầm 2.100 USD nộp cho Công ty SOVI LACO để được xuất ngoại

 

Anh Đức vẫn chưa hết bàng hoàng sau những ngày sống vật vờ tại thủ đô Male, Maldives. Ảnh: Vũ Điệp

Ngày 11/8/2008, anh Đức được xuất cảnh sang Maldives. Đến thủ đô Male, anh được hai người đàn ông mà theo như anh Đức mô tả trông “như người chăn vịt” tự xưng là người của Công ty môi giới Amin đòi đưa 700 USD/người. Những người đàn ông này sau đó đưa anh cùng 4 người Việt Nam (4 người cũng trở về Việt Nam đợt này) xuống tàu đi biển cập vào đảo Atdu.

 

Tại đây, anh Đức được bố trí làm công việc thợ xây, trong khi hợp đồng ban đầu anh làm thợ mộc. Làm được một tháng, anh Đức và 4 lao động Việt Nam hỏi lương thì được chủ sử dụng lao động bảo, “làm ít ngày rồi trả”, anh Đức và các anh em tiếp tục làm đến ngày thứ 55 rồi hỏi lại lương, thì được chủ sử dụng cho biết, “phải 5 hay 6 tháng nữa mới có lương, nếu không làm thì nghỉ việc”.

 

Bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, anh Đức và các anh em lao động Việt Nam cho rằng chủ sử dụng lao động đã phá vỡ hợp đồng lao động, nhưng sau khi đưa xem hợp đồng lao động, chủ sử dụng nói thẳng: “Không thể thực hiện được mức lương 250 USD/tháng như đã ký…”.  

 

Nghỉ việc, anh Đức và các anh em được chủ lao động bố trí đưa quay lại thủ đô Male. Tại đây 2 ngày 2 đêm, các anh không được ai đón, phải sống vật vờ nhịn đói xin ăn và nhờ tới cảnh sát các anh mới tìm đến được Công ty môi giới Amin.

 

Anh Đức kể, anh và các anh em lao động Việt Nam đã tìm cách liên lạc về cho Công ty SOVI LACO thông báo: “Ở bên này chúng tôi đang bị bỏ rơi, làm việc không được trả lương đang sống vật vờ ở đầu đường xó chợ không biết phải đi đâu về đâu” thì được anh Bắc, Phó Giám đốc Công ty, người trực tiếp ký hợp đồng đưa lao động sang Maldives bảo: “Cứ làm rồi chủ sử dụng sẽ trả lương” rồi dập máy” .

 

 Ngày 3/10/2008, anh Bắc có sang Maldives đòi lương từ công ty môi giới cho anh em không được, anh Bắc bỏ về và nói với anh Đức cùng các anh em lao động Việt Nam: “Muốn về nước thì phải viết đơn tình nguyện về nước, không được đòi hỏi gì rồi nộp cho công ty môi giới để Công ty môi giới fax về cho công ty ở Việt Nam”.

 

Nghĩ lại cảnh bị bỏ rơi, anh Đức bức xúc: “Làm thuê không được trả lương, chúng tôi không có tiền phải bán cả quần áo để có tiền liên lạc về Công ty SOVI LACO mong được có cánh giải quyết, nhưng phía công ty lại bỏ mặc lao động chúng tôi”.

 

Sau mấy ngày sống lang thang, may mắn thay cho các anh khi gặp được người từ Việt Nam sang cầm theo công văn hỏa tốc của Cục Quản lý lao động ngoài nước sang để giải quyết tất cả lao động Việt Nam tại Maldives. Tại đây các anh được anh Tuấn là tham tán sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ động viên đưa ra giải quyết cụ thể, cho tiền để các anh em sinh sống qua ngày.

 

Tìm cớ hạ lương lao động

 

Trường hợp của anh Nguyễn Thành Công, 45 tuổi và anh Trần Xuân Hòa, 22 tuổi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng tương tự. Để được sang Maldives làm việc, anh Công và anh Hoà phải đóng cho Công ty môi giới Hồng Ngọc (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An), trụ sở chính là Công ty Bạch Đằng (310, Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) hơn 35 triệu đồng.

 

Anh Công (trái) và anh Hoà (phải), hai nạn nhân từ Maldives mới trở về Hà Nội mấy ngày qua, cho rằng: Các chủ sử dụng lao động luôn viện cớ bất hợp lý để hạ lương và nợ lương lao động. Ảnh: Vũ Điệp

Theo đúng thỏa thuận hợp đồng, các anh làm công nhân nước ở Công ty Vimlla, nhưng khi mới sang đến nơi lại được phân việc đi bốc đá, bốc sỏi. Làm hết 3 tháng, anh Công và anh Hòa vẫn không được nhận lương, hỏi phía Công ty Vimlla thì được họ thông báo hạ lương chỉ còn 170 USD/tháng và trả cho tháng lương đầu tiên, còn lại phải đợi làm xong công trình rồi mới được thanh toán.

 

Không hiểu nguyên do vì sao chủ sử dụng lao động tự hạ lương so với lương hợp đồng ban đầu, anh Công lên hỏi thì được Công ty Vimlla đưa ra lý do: “Vì không biết đọc bản vẽ, không biết tiếng Anh nên bị hạ mức lương”.

 

 Anh Hòa Bức xúc: “Khi đi chúng tôi đăng ký trình độ lao động phổ thông với mức lương 250 USD/tháng. Nhưng sang đến nơi chủ hạ lương rồi nợ lương không chịu trả, đến nỗi ốm đau chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền túi ra đi bệnh viện. Nói thật, nếu tôi biết tiếng Anh và đọc được bản vẽ như phía chủ sử dụng yêu cầu thì tôi lại chẳng phải sang Maldives lao động khổ sai như thế này. Đấy chỉ là cái cớ để họ tự ý hạ lương chúng tôi”.

 

Trong chuyến bay muộn về từ Thái Lan, 10 lao động Việt Nam cùng cảnh ngộ đã gặp nhau tại sân bay Male, họ phải bay sang Colombo (Srilanca) về Bangkok, Thái Lan rồi “mắc kẹt” tại đó hơn 10 ngày. Nhưng có lẽ sự cố đó chẳng đáng gì so với những ngày tháng họ phải sống khổ ải của kiếp làm thuê nơi đất khách.

 

Những ngày này, VietNamNet vẫn đang theo chân đoàn người 10 lao động trên đến gõ cửa các công ty môi giới để đòi lại quyền lợi cho họ. Và hơn hết, bi kịch của những người đàn ông này sẽ phải làm các nhà quản lý nhìn lại: xuất khẩu lao động đang đổi đời hay đẩy những người nông dân vốn nghèo khó đi vào con đường khốn cùng hơn, trong khi chỉ một nhóm các doanh nghiệp thu lợi từ lĩnh vực này?

  •  Vũ Điệp 
     
    Bài 2: Đi tìm những công ty "vẽ mộng"

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,