- Ông Trần Đại Đồng - Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM chịu trách nhiệm trong vụ "hợp đồng" chôn hàng trăm tấn chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh vừa bị phát hiện.
Hiện trường vụ đổ chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh. Ảnh K.L
Xác nhận thông tin này trước báo chí, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, khuyết điểm lớn nhất dẫn tới việc phải tạm đình chỉ công tác ông Đồng là do không cáo nhận việc chôn rác thải (theo báo cáo của Công ty Môi trường đô thị là 225 tấn - PV) của một doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu với Sở Tài nguyên - Môi trường TP.
Ngày 28/11 vừa qua, Đội 2 Cảnh sát môi trường TP.HCM (PC36) đã phối hợp Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM kiểm tra công trường xử lý rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã phát hiện vụ đổ chất thải nguy hại chưa qua xử lý được chôn trái phép tại đây (thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Xử lý chất thải - Công ty Môi trường đô thị TP.HCM).
Theo cơ quan chức năng, các chất thải nguy hại này là bùn thải và bột da được đổ xuống nhiều hố đào sẵn tại bãi rác Đông Thạnh, sau đó được lấp rất sơ sài, không xử lý chống thấm, thậm chí còn được cắm biển “hố chôn gia cầm”.
Được biết, bãi rác Đông Thạnh đã được đóng cửa từ năm 2002 vì gây ô nhiễm nghiêm trọng môi khu vực dân cư và chỉ cho phép Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đổ xà bần, xử lý bùn hầm cầu và chôn gia cầm bị dịch cúm.
Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đang phối hợp với PC36 tiến hành kiểm tra làm rõ, chậm nhất là cuối tháng này sẽ có kết quả và hướng xử lý vụ việc này.
Toàn dân phải cùng "đánh" vi phạm môi trường Ngày 3/12, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho hay: "Công ty Môi trường đô thị cho biết đây là một công đoạn lưu giữ, nhưng nếu chúng tôi phát giác lưu giữ không đúng quy định, sẽ phạt nặng. Hiện chúng tôi đang thanh tra". "Thanh tra sẽ ra kết luận có biện pháp xử lí người đứng đầu là ông Huỳnh Minh Nhựt hay không. Trước mắt, tạm thời đình chỉ công tác Phó GĐ Trần Đại Đồng, người trực tiếp kí văn bản nhận rác mà không báo cáo Sở TN-MT và có dấu hiệu hợp đồng với tỉnh ngoài", ông Kiệt cho hay. Ông Kiệt cho rằng nên xây dựng tinh thần toàn dân “đánh” vi phạm môi trường. Một tổ trưởng tổ dân phố cũng có thể lập biên bản vi phạm môi trường dù có thể không có quyền xử lí. Thậm chí, sau này bất cứ người dân nào có ý thức đều có thể lập biên bản, chụp hình người vi phạm và sau đó đưa lại cho người có thẩm quyền xử phạt. Những người phát hiện vi phạm sẽ được thưởng và tuyên dương. Hiện nay, việc xử phạt môi trường không nghiêm, không nặng. Ở nhiều nước, chỉ vứt một điếu thuốc khi hút xong cũng là hành vi vi phạm môi trường. Hành động này được đánh giá là thiếu văn hoá và vi phạm pháp luật. Ở chúng ta chỉ là thiếu văn hoá, thậm chí nhiều người còn thấy việc vứt xả điếu thuốc, singum, là bình thường. Vinh Giang
-
Thái Thiện