Thoát nước 'rùa bò', ngập nước tại TP.HCM là điều tất nhiên
Cập nhật lúc 19:32, Chủ Nhật, 16/11/2008 (GMT+7)
- Các dự án thoát nước tại TP.HCM đến nay đã chậm 5 năm. Trong khi đó, đất nông nghiệp bị chiếm dụng, xây dựng ngày càng nhiều nên chuyện triều cường gây nên ngập sâu là chuyện dễ hiểu.
Từ đây đến Tết còn 5 đợt triều cường lớn
Từ đây đến Tết còn 5 đợt triều cường lớn
Ngày 16/11, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Ủy viên Ban phòng chống lụt bão trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM về những ảnh hưởng trong đợt triều cường lịch sử trong vòng 49 năm qua tại thành phố.
Ông Trần Công Lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, đỉnh triều kỷ lục 1,54m xuất hiện lúc 17h ngày 13/11 đã làm vỡ 10 đoạn bờ bao, dài 64m. Tính từ ngày 12/11 đến 16/11, cao điểm của đợt triều cường, trên địa bàn thành phố đã có 26 đoạn bờ bao bị bể, với tổng chiều dài 133m và tràn bờ. Triều cường gây ngập nặng cho 12 phường, xã của 7 quận, huyện (quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Q.12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Từ đây đến Tết Nguyên đán, TP.HCM còn phải đối phó với 5 đợt triều cường lớn. Ảnh: Trần Duy |
Theo nhận định của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, từ đây đến Tết Kỷ Sửu 2009, các quận, huyện ven sông rạch và khu vực có địa hình trũng thấp còn phải ứng phó với 5 đợt triều cường mà đỉnh triều có thể bằng hoặc cao hơn đỉnh triều cùng kỳ năm 2007 (1,49m).
Ông Lý cho hay, vừa qua, UBND TP.HCM đã có chủ trương đầu tư 151 công trình phòng chống lụt bão, ngập úng với tổng số vốn 226 tỷ đồng và giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, các quận, huyện triển khai rất chậm. Trong số 151 hạng mục công trình, 120 đã lập hồ sơ đầu tư nhưng chỉ triển khai được 10 công trình.
Chính vì sự chậm trễ này mà nhiều đoạn bờ bao xung yếu đã bị bể ngay lập tức khi “đụng” phải đợt triều cường với mực nước lịch sử trong vòng 49 năm qua. Tại Q.12, 8/25 đoạn bờ bao bị bể trong đợt triều cường giữa tháng 11/2008.
Ông Lý nói bờ bao rạch Giao Khẩu, đoạn từ cầu Thơ Du đến sông Sài Gòn thuộc khu phố 3B, phường Thạnh Lộc (Q.12) đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho đầu tư cấp bách nhưng do chậm triển khai thi công nên đã bị bể.
Dự án chống ngập: Chờ đến bao giờ?
Tại quận Thủ Đức, bờ bao rạch Đỉa đã thi công hoàn thành năm 2007 theo thiết kế định hình bê tông tường chắn. Nhưng trước đó, trong lúc thi công, khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nạo vét gây sạt lở bờ. Mặc dù đã có khắc phục nhưng triều cường lên cao 1,54m đã gây trượt đoạn tường bờ bao dài 20m tại tổ 7, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước.
Các dự án chống ngập thuộc khu vực phường 28, quận Bình Thạnh cũng thuộc loại “rùa bò”. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, phần lớn các bờ bao nằm trên đất của người dân nên các năm qua chưa được đầu tư nâng cấp, người dân không thường xuyên gia cố bờ bao hoặc UBND thành phố và UBDN quận có chủ trương đầu tư nhưng người dân không đồng ý hiến đất để thi công nên thường xảy ra bể bờ, tràn bờ khi triều cường đạt đỉnh và vượt mức báo động 2.
Ông Trường Xuân, Giám đốc công ty Quản lý khai thác thuỷ lợi cho rằng bất cập hiện nay trong việc xây dựng các công trình phòng chống lụt bão tại TP.HCM là đều phải tuân theo quy trình xây dựng thông thường. Trong khi đó, đặc thù của những công trình này là phải thi công vào mùa khô, cấp bách. “Các dự án trên 1 tỷ đồng buộc phải thông qua đấu thầu mất ít nhất từ 3- 6 tháng”- ông Xuân nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, trước mắt nên tính đến giải pháp “sống chung” với lũ. Nhận xét về những dự án phòng chống lụt bão, chống ngập tại TP.HCM, ông Nam cho rằng, tiến độ triển khai các dự án quá chậm. “Tình trạng này tràn lan ở nước ta. Tất nhiên có nguyên nhân của thủ tục hành chính rườm rà. Bộ Xây dựng cũng có phần nhưng trong đó liên quan đến thủ tục đấu thầu theo quy định của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Chúng tôi “đấu” liên tục, thường trực Chính phủ phải đứng ra giải quyết nhưng cũng chỉ cắt được một bước trong một “chuỗi” các thủ tục”- thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Sống chung với ngập. Ảnh: Trần Duy |
Một chuyên gia thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật đô thị phụ trách lĩnh vực thoát nước ở các đô thị lớn cho rằng trước đây, các chuyên gia của Nhật đã căn cứ vào mức triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,36m để đề ra cốt san nền cho TP.HCM phải lớn hơn 2m. Nhưng diễn biến phức tạp của thời tiết, tình trạng nước biển dâng cao làm cho cốt san nền tại TP.HCM lạc hậu.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 15/11, một vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 1h ngày 16/11, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,5 đến 9,5 độ Vĩ Bắc; 115,6 đến 116,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 1h ngày 17/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,8 đến 9,8 độ Vĩ Bắc; 112 đến 113 độ Kinh Đông trên khu vực đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Tại TP.HCM, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyển hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền, thuyền viên, ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ và gần bờ |
- Trần Duy
,