221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1126915
Đình công ở DN Hàn Quốc tại VN: Do thiếu hiểu nhau?
1
Article
null
Đình công ở DN Hàn Quốc tại VN: Do thiếu hiểu nhau?
,

 - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho rằng, những cuộc tranh chấp lao động xảy ra liên tục tại các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam có nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau, hoặc cố tình vi phạm luật pháp lao động VN.

 

Cần coi nhau như anh em một nhà

 

Ngày 10/11, lần đầu tiên sau nhiều năm, một cuộc “gặp, đối thoại” giữa công đoàn VN với các nhà đầu tư Hàn Quốc (tại VN) được tổ chức với mục đích “xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định”.

 

Đại sứ Hàn Quốc Im Hong Jae (trái) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng; cần nhiều hơn những cuộc đối thoại giữa hai bên xây dựng mối quan hệ lao động tốt trong các DN Hàn Quốc hoạt động tại VN (Ảnh: C.M)

 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nói: Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với số vốn đăng ký trên 14 tỷ USD… Tuy nhiên, những cuộc tranh chấp lao động xảy ra liên tục trong những năm qua tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc cho thấy quan hệ lao động ở đó chưa tốt.

 

Ông Tùng nói: "Đã có nhiều phân tích, mổ xẻ vấn đề này, nhưng chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là thiếu sự hiểu biết lẫn nhau, thiếu am hiểu hoặc cố tình vi phạm pháp luật lao động VN; thiếu sự quan tâm lợi ích của nhau".

 

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB-XH Huỳnh Thị Nhân đồng quan điểm: "Thời gian gần đây, tình hình tranh chấp lao động đang có nhiều diễn tiến bất lợi, khiến nhiều cuộc đình công bất hợp pháp xảy ra trong một số DN Hàn Quốc".

 

Theo bà Nhân, nguyên nhân có từ cả hai phía: người sử dụng lao động và người lao động. Lỗi về phía người sử dụng lao động đó là: nhiều DN chưa có nội quy lao động; số DN có công đoàn cơ sở rất thấp (chỉ khoảng 20%) và cũng chỉ có khoảng 30% DN chịu xây dựng thang bảng lương; một số DN khác lại nợ BHXH….

 

Về phía Hàn Quốc, ông Im Hong Jae- Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, tình hình thế giới đang tác động đến cả Hàn Quốc và VN: Thời gian gần đây, tình hình tài chính thế giới diễn tiến xấu đã ảnh hưởng đến cả hai quốc gia, từ đó có ảnh hưởng đến mức lương, hay phụ cấp của các công ty Hàn Quốc tại VN.

 

“Bản thân tôi luôn khích lệ các nhà đầu tư Hàn Quốc nên xem cán bộ, công nhân của mình như anh chị em trong gia đình” - ông nói Im Hong Jae nói - “Các DN cũng cần phải quan tâm đến các hoạt động xã hội tại VN, có thể ví von DN như một cái cây trồng trên đất Việt thì phải đâm hoa kết trái tại đây...”.

 

Người Hàn Quốc dường như thích dùng thành ngữ “anh em một nhà”. Ông Lim Sung Sam (Chủ tịch Phòng công nghiệp Thương mại Hàn Quốc tại VN) cũng nói: Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN chúng tôi có khoảng 300 hội viên ở miền Bắc và hơn 1.000 hội viên ở miền Nam; theo quan điểm của tôi, DN và người lao động thực sự như anh em một nhà. Người lao động là động lực chính để phát triển DN.

 

13 năm: 2.600 cuộc đình công

 

Thống kê chưa đầy đủ từ tháng 1/1995- 9/2008 cho thấy cả nước đã xảy ra 2.600 cuộc đình công tập thể của người lao động. Số vụ đình công xảy ra trong các doanh nghiệp FDI luôn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (72,4%); trong đó các DN của Hàn Quốc chiếm khoảng 27,7%.

 

Đình công bao giờ cũng có yếu tố lương bổng của người lao động.

 

Các vi phạm của DN Hàn Quốc xảy ra ở hầu hết các vấn đề: Không xây dựng thang bảng lương; quy chế trả lương, thưởng hoặc chậm trả lương, nợ lương; né tránh đóng BHXH (trong khi vẫn thu 6% của người lao động); ví dụ như tại TP.Hồ Chí Minh, tính đến 30/9 chỉ có 254/525 (48,3%) DN Hàn Quốc chịu đóng BHXH; trong đó có 87 DN Hàn Quốc nợ BHXH gần 42 tỉ đồng.

 

Ngoài ra, các vi phạm còn là sự không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động, tăng ca quá mức; sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động.

 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính kiến nghị với Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN: Định kỳ hằng năm, nên tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cơ quan hữu quan của VN và các DN Hàn Quốc đang hoạt động tại VN; đồng thời thường xuyên đôn đốc các DN Hàn Quốc khi đầu tư vào VN cần nghiên cứu và thực hiện các quy định của pháp luật VN.

 

Ngoài ra, cần hỗ trợ các cơ quan chức năng VN trong việc yêu cầu các DN vi phạm pháp luật VN sau đó bỏ trốn về Hàn Quốc phải có các giải pháp khắc phục hậu quả do DN gây ra.

Những doanh nghiệp Hàn nợ như chúa chổm

Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH giày AnJin (Bình Tân, TP.HCM) đã nợ các khoản: BHXH 6,5 tỉ đồng, tiền thuê mặt bằng 1,3 tỉ đồng, trợ cấp thôi việc hơn 500 triệu đồng, trợ cấp thai sản hơn 314 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn nợ Ngân hàng khoảng 20 tỉ đồng.

Phía BHXH đã đưa đơn khởi kiện AnJin và tòa án đã yêu cầu phía công ty phải trả ngay một lần để thanh toán trợ cấp cho công nhân. Về mặt bằng, phía chủ cho thuê đã ra “tối hậu thư” nếu đến ngày 25/11 không trả đủ sẽ thu hồi mặt bằng bằng cách cưỡng chế. Ông Eun Ho Kang, giám đốc công ty AnJin cho biết: công ty không có khả năng trả nợ hết một lần, chỉ có thể trả dần như với khoản nợ BHXH, công ty xin mỗi tháng sẽ thanh toán cho 2 tháng (1 tháng nợ trước và 1 tháng hiện tại).

Tuy nhiên, các “chủ nợ” đều yêu cầu trả 1 lần, chủ mặt bằng cũng cho biết sẽ không cho công ty thuê nhà nữa.

Công ty TNHH SX Giày da Kwang Nam (Phú Nhuận) hiện cũng nợ BHXH với số tiền hơn 7 tỉ đồng và tòa án nhân dân quận Phú Nhuận đã xử yêu cầu công ty phải trả nợ ngay 1 lần cho BHXH TP. Theo ông Kim Young Moon, PGĐ công ty Kwang Nam thì hiện nay ông Giám đốc đã về nước để nỗ lực tìm cách giải quyết nhưng rất khó trả hết 1 lần được.

Với công ty TNHH Lucky VN (Bình Tân) thì không chỉ nợ BHXH mà còn nợ cả BHYT. Đại diện của công ty đề nghị xin giảm tiền nợ BHYT với lý do trong thời gian không đóng nhưng công nhân bị bệnh thì công ty vẫn thanh toán tiền thuốc. Giờ nếu phải đóng thêm 20% nữa thì quá nhiều, công ty không có khả năng trả.

Hà Dịu

 

  • Đỗ Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,