– Khi ở nội thành Hà Nội nước đã rút ở nhiều điểm úng ngập, thì các xã ngoại thành vẫn đang chìm sâu trong nước lũ. Tây Mỗ là một ví dụ về nạn đói chực chờ.
>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"
Suốt một tuần nay, anh Tuấn Anh (Trưởng công an xã Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) chỉ mới đáo qua nhà được một lần. Suốt trong khoảng thời gian đó, vợ con được anh cho đi “gửi nhờ” nhà ông bà ngoại. Anh phải cùng toàn bộ cán bộ xã Tây Mỗ, cán bộ quân đội, công an tăng cường, ứng trực tại trạm chỉ huy chống lụt đặt tại UBND xã ngay từ ngày 31/10.
Xã Tây Mỗ thuộc huyện Từ Liêm có 11 thôn và 1 tổ dân phố, nằm ven tuyến đường Láng - Hoà Lạc, ngay điểm úng ngập sâu nhất vượt mặt đường 1,5m biến đoạn đường này thành “ngầm” trong trận lũ lịch sử ở HN suốt từ ngày 31/10 tới nay.
Đường vào xã Tây Mỗ sáng ngày 6/11/2008. Ảnh: GVT.
Sáng 6/11, toàn bộ xã Tây Mỗ với 17.000 dân (thường trú và thuê trọ) vẫn chìm sâu trong nước lũ.
Từ sáng 31/10, nước lũ tràn lên về, cộng với mưa lớn gây lụt trong toàn xã. Toàn bộ người dân được huy động để đắp bờ bao chống tràn, với 6.000 bao tải chứa đất và cát đã sử dụng, nhưng tới chiều ngày 1/11 thì nước lũ vợt mặt đê, nước trong đồng cao như nước ngoài sông Ngà (một nhánh của sông Nhuệ), chỗ vượt cao nhất tới 1m.
Tất cả đã được đưa lên sân thượng khi trời nắng ráo. Ảnh: GVT.
Địa bàn Tây Mỗ có 5km đê chạy qua, toàn bộ chìm sâu trong nước lũ từ ngày 1/11 đến nay. Toàn xã có trên 2.000 hộ dân thì có 70% số hộ dân nhà ngập sâu tới thắt lưng, 30% số hộ bị ngập sâu từ 1 - 1,2m.
Điện bị cắt từ ngày 31/10. Đến nay, nước sạch là vấn đề nan giải nhất, bởi suốt một tuần nay, nước chỉ mới rút được rất ít. Xã Tây Mỗ đã phải tách đôi trạm chỉ đạo ứng cứu, một nửa đặt phía bên kia đường Láng - Hoà Lạc, thuộc địa phận Miêu Nha, ứng cứu cho 4 thôn. Trạm còn lại đặt ngay UBND xã, phải dùng thuyền đi lại từ khi mưa ngập đến nay. 9 thuyền tôn tìm kiếm cứu nạn đã được huyện cấp về cho xã từ đầu đợt lũ lụt này.
Một gói mỳ tôm, một chai nước lọc vào những ngày này là món quà vô giá đối với người dân vùng lũ lụt nói chung và ở Tây Mỗ nói riêng. Dự báo lương thực ở vùng này chỉ giúp dân cầm cự được vài ngày nữa. Ảnh: GVT.
Đến ngày 5/11, xã đã cấp 1.000 thùng mỳ tôm trong số 1.100 thùng mỳ nhận được, 160 thùng nước sạch. Báo cáo nhanh của UBND xã Tây Mỗ cho hay, toàn xã đã phải di chuyển 475 hộ dân; bị ngập 1.738 hộ, trong đó có 351 hộ ngập sâu 1,5m. Hiện xã đã cứu trợ 1.458 hộ.
Dự báo chỉ vài ngày nữa, nếu nước không rút và không kịp ứng cứu lương thực, thực phẩm, toàn xã có 646 hết thức ăn; 808 hộ không thể đảm bảo về lương thực.
Ông Đào Ngọc Chiến (Bí thư Đảng uỷ xã Tây Mỗ) cho hay: Đây là trận lụt lớn nhất, vượt mực nước năm 1984 mà ông từng chứng kiến. Khó tưởng tượng, ngay tại một huyện ngay ven Hà Nội, thực phẩm thiếu tới 70%; nước sạch thiếu tới 90%, chỉ sau vài ngày ngâm nước lụt. Lương thực cho các hộ dân ở đây chỉ còn đủ cho vài ngày tới.
Xã Tây Mỗ chỉ là một điển hình cho hàng trăm xã thuộc nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đang chìm sâu trong nước lũ, với nạn đói chực chờ.
-
Hà Trường