- Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn TP.HCM, đã phát hiện ghi nhận 11 vụ buôn bán phụ nữ - trẻ em. Đã điều tra bắt truy tố 2 vụ buôn bán phụ nữ gồm 5 đối tượng và 3 vụ buôn bán trẻ em, với 10 đối tượng. Phát hiện và ngăn chặn 32 vụ môi giới hôn nhân cho người nước ngoài trái phép với 1331 cô gái đang chờ để người nước ngoài "xem mặt, chọn vợ".
Trên đây là con số thống kê mà đại diện lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CATP đã báo cáo tại Hội nghị sơ kết về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 30/10. Sáu bị cáo trong đường dây đưa 126 phụ nữ sang Malaysia làm nô lệ tình dục, cưỡng bức làm vợ... bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử ngày 26/7/2007. Ảnh T.Thuấn
Những thủ đoạn tinh vi của bọn buôn người
Theo báo cáo của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CATP thì đối tượng và nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ - trẻ em hầu hết là người có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác, chủ yếu là các tỉnh miền Tây và phía Bắc vào TP.HCM lưu trú hoạt động. Do đó, có thể khẳng định rằng địa bàn TP.HCM là địa bàn ẩn nấp, trung chuyển để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động.
Đối với tội phạm buôn bán phụ nữ, thủ đoạn của chúng chủ yếu là lợi dụng quen biết nạn nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn để dụ dỗ, lừa đưa ra nước ngoài thông qua con đường du lịch làm việc có thu nhập cao. Nhưng khi ra nước ngoài thì bọn chúng ép đưa vào các quán bar để làm gái mại dâm.
Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Bích Tuyền, sinh năm 1987, quê Hậu Giang đã cùng đồng bọn lừa đưa 5 phụ nữ qua Macao - Trung Quốc ép hoạt động mại dâm. Tuyền cùng đồng bọn đã hưởng 300 USD/1 cô gái. Nếu không chịu làm gái mại dâm, muốn trở về VN thì phải bỏ 2000 USD/1 người ra để “chuộc thân”. CATP đã điều tra, bắt truy tố và Tòa án thành phố đã xử Tuyền 13 năm tù giam.
Tinh vi nhất có lẽ là thủ đoạn của những tội phạm buôn bán trẻ em. Chúng thường xuyên lai vãng ở các nhà bảo sanh, chủ yếu là BV Phụ sản Từ Dũ và BV Phụ sản Hùng Vương để săn lùng trẻ em từ các sản phụ do hoàn cảnh không chăm sóc con được nên muốn cho con để nhận 1 số tiền trả nợ, sau đó, chúng đem bán qua Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng còn có thủ đoạn lợi dụng gia đình trẻ em khó khăn, dụ dỗ đi giúp việc buôn bán ở các tỉnh giáp ranh biên giới rồi bán sang Trung Quốc. Điển hình là vụ em Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1991 ở quận Gò Vấp, TP.HCM chưa đầy 14 tuổi đã bị Lê Thị Phượng, sinh năm 1965 dụ dỗ đưa ra Hải Phòng tìm việc làm bán quần áo.
Ra đến Hải Phòng, khi Trang không đồng ý sang Trung Quốc để làm gái mại dâm thì bị chủ chứa bán cho 1 người đàn ông lớn tuổi người Trung Quốc. Trang đã phải ở với người đàn ông này 1 năm 8 tháng sau đó trốn về VN tố cáo.
Hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật ngày càng tinh vi
Hiện nay, ngày càng có nhiều cô gái muốn lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời và giúp đỡ gia đình nên hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật ngày càng tinh vi. Chúng làm cho các cơ quan chức năng phải đau đầu xử lý.
Lớp dạy nghề may cho phụ nữ, nằm trong chương trình Phòng chống BBPNTE, do Hội LHPN VN tổ chức tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: Phan Công Năm 2007, cả nước xảy ra 369 vụ buôn bán phụ nữ - trẻ em với 681 đối tượng đã lừa bán 938 phụ nữ - trẻ em. So với năm 2006 thì con số này tăng hơn 41 vụ và 71 đối tượng. Trong 369 vụ thì có 300 vụ buôn bán phụ nữ, 37 vụ buôn bán trẻ em và buôn bán cả phụ nữ và trẻ em là 32 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 193 vụ buôn bán phụ nữ - trẻ em với 359 đối tượng, lừa bán 429 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2007 thì tăng 2% số vụ và số đối tượng, giảm 7% nạn nhân.
Tại TP.HCM, CATP đã phát hiện và ngăn chặn được 32 vụ môi giới hôn nhân trái pháp luật. Có tới 1331 phụ nữ ở các tỉnh, thành khác đến TP.HCM để cho người nước ngoài xem mặt và lựa chọn. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh khó khăn, ở cùng làng xã với nhau, có nhận thức lệch lạc về hôn nhân. Rất nhiều cô gái thấy bạn mình lấy chồng nước ngoài có tiền gửi về cho gia đình nên thích lấy chồng ngoại mà không biết phía trước có chân trời hạnh phúc không.
Đối với bọn hoạt động môi giới thì hiện nay chúng không hoạt động công khai như thời gian trước đây mà bọn chúng sẽ dùng xe gắn máy chở khoảng 4-5 phụ nữ đến cho xem và chở từng đợt nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Phía Hàn Quốc, có đối tượng người Hàn Quốc đứng ra tổ chức móc nối với đối tượng ở Việt Nam. Sau đó, đối tượng tổ chức ở VN sẽ đi các tỉnh chiêu dụ, tuyển lựa các cô gái rồi đưa lên TP tá túc trong các nhà gọi là “lò”. Tổ chức ở Việt Nam sẽ chọn địa điểm sẵn rồi phía Hàn Quốc sẽ đưa người đến để “xem mặt chọn vợ”.
Mỗi phụ nữ được chọn, thì phía người môi giới Hàn Quốc sẽ nhận từ 6000-10.000 USD/1 người, phía người môi giới VN sẽ nhận lại 4.000-6.000 USD/1 người.
Đẩy mạnh tuyên truyền và phòng ngừa
Để có thể hạn chế tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, các tổ chức hội, nhất là các tổ chức ở địa phương mà thường xuyên tập trung số chị em ở các tỉnh thành đến lưu trú phải tăng cường và tiếp tục tập huấn những kiến thức về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ - trẻ em để phát hiện nhanh chóng hành vi của bọn tội phạm nhằm kịp thời cung cấp cho lực lượng điều tra xử lý.
Phía cơ quan công an cũng đề xuất nhằm hạn chế việc nhiều phụ nữ có tình cảnh éo le, khó khăn lỡ có thai không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng mà giao con cho bọn buôn người thì Hội LHPN nên có những mô hình cụ thể tại các bệnh viện để kịp thời phát hiện, giúp đỡ họ.
Muốn hạn chế những hành vi môi giới hôn nhân trái pháp luật thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các vùng sâu, vùng xa giúp chị em phụ nữ có nhận thức đúng đắn về kết hôn với người nước ngoài, nâng cao ý thức dân tộc, giữ gìn truyền thống phẩm giá của người phụ nữ VN để chủ động phòng ngừa.
Trên thực tế, TP.HCM mới chỉ có 1 trung tâm môi giới hôn nhân với người nước ngoài hợp pháp nhưng lại chưa đủ thu hút và hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, cần phải củng cố và tăng cường thêm những trung tâm ở các cụm địa bàn liên quận, huyện nhằm tạo điều kiện dễ dàng và thu hút chị em phụ nữ tốt hơn.
-
Hà Dịu