221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1121069
Làng cá bè “dài cổ” chờ tiền bồi thường ô nhiễm
1
Article
null
Đồng Nai:
Làng cá bè “dài cổ” chờ tiền bồi thường ô nhiễm
,

 - Chỉ trong vòng 1 tháng, trên 300 tấn cá của người dân làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã phơi bụng chết trắng vì ô nhiễm. Thế nhưng 6 tháng qua, cùng với lời hứa “bồi thường thiệt hại”, tiền hỗ trợ cho dân vẫn chẳng thấy tăm hơi...    

 

Ngày 22/10, tiếp xúc với PV VietNamNet, nhiều hộ dân tại làng cá bè cho biết đang tập hợp chữ ký, làm đơn xin can thiệp để Công ty men Mauri và Công ty CP mía đường La Ngà bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả do ỗ nhiễm nguồn nước dẫn đến chết cá nuôi trên sông.    

 

Điều đáng nói đây là lần thứ 3 họ làm đơn đề nghị bồi thường, nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Số tiền thiệt hại ước tính trên 7 tỷ đồng. 

 

Cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước

 

Ông Trần Phi Hùng (quê An Giang) một chủ bè trên sông La Ngà nhớ lại sự việc: “Vào ngày 5/03/2008, phát hiện hai cống thải của 2 nhà máy men Mauri và Công ty CP mía đường La Ngà đã xả nước thải ra hồ Trị An, biết điều chẳng lành, chúng tôi lập tức di chuyển cá bè đến khu vực khác, tránh trường hợp cá chết. Tuy nhiên, do lượng nước thải quá lớn, dù đã di chuyển xa vẫn không tránh khỏi tai họa. Chỉ trong một đêm, số lượng 236,7 tấn cá đã phơi bụng chết trắng…

 

Ông Nguyễn Phi Hùng đang cho cá ăn, vào vụ nuôi mới nhưng gia đình ông vẫn phải gánh một món nợ trên 1 tỷ đồng.  

 

Chưa hết bàng hoàng do thiệt hại, thì ngày 1/4/2008, bất chấp tiếng kêu cứu, đơn thư kiến nghị của người dân, hai nhà máy trên lại thải thêm nước độc hại làm chết thêm 82 tấn cá của dân.

 

Tới ngày 10/04, sự việc lại tiếp diễn lần nữa, mặc dù đã dời bè đi xa nhưng nông dân nuôi các bè vẫn phải “lãnh đạn” 5 tấn cá điêu hồng nữa.

 

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai, khu vực xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nằm gần cống nước thải của Công ty cổ phần (CP) mía đường La Ngà và Công ty men thực phẩm Mauri. Nguyên nhân gây ra hiện tượng cá nuôi bè chết hàng loạt chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

 

Sở đã có kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND huyện Định Quán chủ trì phối hợp cùng các ban ngành liên quan kiểm tra và xác định số lượng cá chết hàng loạt vào ngày 6/3 trên cơ sở đó thống nhất mức độ thiệt hại cũng như chi phí bồi thường thiệt hại cho các hộ nuôi cá bè tại xã Phú Ngọc.

 

Người dân làng cá bè La Ngà đang "kể khổ" với phóng viên sau gần 6 tháng mỏi mòn chờ bồi thường thiệt hại...   

 

Ngày 16/4/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo xác định thiệt hại, bồi thường cho người dân nuôi cá bè, giao UBND huyện Định Quán báo cáo kết quả trong tháng 4/2008.

 

Tuy nhiên tới nay, người dân vẫn chưa thấy một thống kê thiệt hại nào, và đương nhiên chưa nhận được một đồng nào “bồi thường thiệt hại”.   

 

Người nuôi cá điêu đứng…

     

Theo lời những nông dân nuôi cá tại xã Phú Ngọc, họ đang sống trong tình cảnh “dở sống, dở chết” vì đời sống khó khăn, đa phần vốn đầu tư để nuôi cá là tiền vay ngân hàng và bên ngoài với lãi suất cao. Tiền mua thức ăn cho cá cũng vay của các đại lý cám và giống.  

 

Cảnh thất thần của người nuôi cá bè sau đêm 5/3/2008, hàng trăm tấn cá chết phơi trắng bụng vì ô nhiễm nguồn nước.  

 

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, những người nuôi cá nói về tình cảnh của họ: “Chúng tôi chẳng những không chạy đâu ra tiền để mua con giống nuôi tiếp tục để mưu sinh, ngược lại còn bị đòi nợ mỗi ngày, thậm chí có gia đình không còn tiền để mua gạo nấu. Chúng tôi hiện như người có xác không hồn, sống dở chết dở, không chỉ tài sản đã mất trắng mà còn bị một khoản nợ khá lớn treo trên đầu”.

 

Một “nạn nhân” khá nổi tiếng của làng cá bè, anh Cao Văn Long Giang, ngụ tại ấp 1 xã Phú Ngọc cho biết: Thiệt hại sau các đợt xả nước “độc” của hai nhà máy làm gia đình anh “đi tong” mất 54 tấn cá điêu hồng, thiệt hại 1,5 tỷ đồng.

 

“Sống bằng nghề này, nếu buông xuôi chờ hỗ trợ có mà… chết sớm. Tôi phải đi vay mấy chục triệu đồng về mua cá nuôi tiếp. Rồi lên bờ làm cam kết với các đại lý thức ăn, mong họ thông cảm cho mua hàng, coi như đầu tư tiếp. Hiện giờ khoản nợ ngân hàng của gia đình còn gần 1 tỷ đồng, không biết bao giờ trả hết...” – anh Giang than thở.              

 

Cá chết trắng, nhiều gia đình sạt nghiệp, nợ nần chồng chất...   

 

Dù đã hơn nửa năm sau cái chết “bất đắc kỳ tử” của đàn cá, ông Trần Phi Hùng vẫn chưa hết bức xúc. Sau 2 đợt xả nước của Công ty CP mía đường La Ngà và Công ty men thực phẩm Mauri, số cá chết của gia đình ông lên tới 29 tấn, bán vớt vát được 40 triệu đồng, thiệt hại khoảng 900 triệu đồng.

 

Ông Hùng cho biết: “Sau vụ cá chết trắng, số nợ cũ vẫn còn 600 triệu đồng. Cũng may là ngân hàng họ thông cảm cho vay tiếp, tôi có tiền đầu tư lứa cá mới, nhưng đồng nghĩa với việc “cõng thêm”  khoản nợ mới 700 triệu đồng”.

 

Theo ông Hùng:  “Đã mấy lần cán bộ đến đo đạc bè cá, yêu cầu chúng tôi kê khai thiệt hại nói là lấy cơ sở bồi thường, nhưng chờ “dài cổ” vẫn chưa thấy tiền bồi thường đâu. Lên UBND xã hỏi thì bảo chúng tôi cứ chờ thêm một thời gian nữa. Đằng đẵng gần 6 tháng như vậy rồi mà không thấy kết quả...”.

 

Về phía chính quyền, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, Phạm Quý Ngọc cho biết: “Chúng tôi vẫn đang cùng cơ quan chức năng, đánh giá thiệt hại của người dân. Vì số thiệt hại lớn nên cần thời gian thẩm định, thống nhất chi phí đền bù…”.       

       

Trong khi mệt mỏi chờ bồi thường thì người dân nuôi cá bè vẫn canh cánh nỗi lo ô nhiễm và cá chết. Hiểm họa vẫn lơ lưng từng ngày, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Công ty men Mauri đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải gần một năm nay, nhưng do chưa đạt chuẩn nên vẫn gây ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng.

 

Hiện công ty này đang đối mặt với đơn kiện của hàng trăm hộ dân thuộc các ấp 1, 3 và 4, xã La Ngà, thậm chí người dân đòi đóng cửa nhà máy xử lý nước thải của công ty này vì gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí toàn khu vực. 

  • Thái Thiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,