221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1119193
Sự cố tràn dầu tại Đà Nẵng: Tổn thất vì chủ quan!
1
Article
null
Sự cố tràn dầu tại Đà Nẵng: Tổn thất vì chủ quan!
,

 - Sự cố tràn dầu tại kho xăng dầu Liên Chiểu ở Đà Nẵng cho thấy, không chỉ doanh nghiệp, cơ quan chức năng TP mà cả Bộ TN-MT cũng rất chủ quan trước nguy cơ tràn dầu!

 

Vùng biển chung quanh kho xăng dầu Liên Chiểu đã bắt đầu ô nhiễm Ảnh: HC

Tổn thất khôn lường

 

Đến thời điểm này, nỗ lực khắc phục sự cố tràn dầu tại kho xăng dầu Liên Chiểu (thuộc Xí nghiệp xăng dầu hàng không miền Trung – Vinapco) vẫn đang tiếp tục triển khai khẩn trương và chưa ai có thể khẳng định đến bao giờ mới hoàn tất. Cũng vậy, chưa thể có một con số chính xác về những thiệt hại do sự cố này gây ra.

 

Tuy nhiên, vài ghi nhận bước đầu đã cho thấy thiệt hại do sự cố vừa qua là không nhỏ và trải rộng trên rất nhiều phương diện. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, đã có khoảng 500m3 xăng dầu tràn từ hai bể chứa bị thủng ra đê bao, trong đó khoảng 100m3 đã ngấm vào đất, 100m3 khác rò rỉ ra biển, tạo ra vết dầu loang mỏng từ khu vực xảy ra sự cố đến cửa sông Cu Đê khoảng 10km2.

 

Tạm coi đây là con số chính thức về thiệt hại vật chất của Vinapco (không dưới vài chục tỷ đồng), nhưng điều đáng nói, Vinapco là đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu hàng không, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Và như Giám đốc công ty Trần Hữu Phúc đã xác định thì tài sản của doanh nghiệp này, nhất là xăng dầu, đặc biệt là nhiên liệu máy bay, cũng chính là tài sản quốc gia, để bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực miền Trung.

 

Mặc khác, để khắc phục sự cố kể trên đã phải huy động tổng lực con người, phương tiện trên địa bàn và cả sự chi viện từ nơi khác. Chỉ nói riêng ngành công an, lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động tại chỗ và chi viện từ Quảng Nam, Huế với tổng cộng 60 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe cứu hoả, 4 xe chuyên dụng, 6 tấn bột (4 tấn đã được hoà vào nước).

 

CSGT còn phải bố trí lực lượng canh trực 24/24 phong toả đường đèo để bảo vệ an toàn cho việc triển khai khắc phục sự cố. Từ công an quận, công an phường đến lực lượng dân quân, dân phòng trong khu vực cũng phải vào cuộc vận động người dân không lên đèo, không ra vịnh Đà Nẵng, đồng thời cũng phải động viên bà con không quá hoang mang, hốt hoảng trước sự cố có thể gây ảnh hưởng đến an toàn đời sống của họ…

 

Chưa kể, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác tưởng chẳng liên quan gì đến kho xăng dầu trên đèo Hải Vân của Vinapco nhưng cũng chịu vạ lây. Hàng trăm xe ô tô chở hàng hoá cồng kềnh, súc vật, hoá chất… do đường đèo bị phong toả, lại không được chạy vào đường hầm nên đã bị mắc kẹt cả hai đầu Huế và Đà Nẵng. Hàng trăm ngư dân phải “chôn” tàu thuyền nằm một chỗ suốt mấy ngày, không thể ra biển kiếm kế sinh nhai…

 

Chưa hết, với 100m3 xăng dầu ngấm vào lòng đất và 100m3 tràn ra biển, gây ảnh hưởng vùng biển mà chỉ mới qua “nhìn bằng mắt” đã vào khoảng 10km2 thì thiệt hại về môi sinh, môi trường không nhỏ.

 

Đơn cử, sáng 18/10, ông Trương Văn Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Tổng cục Bảo vệ môi trường - Bộ TN-MT) cho biết, đã có phản ảnh của người dân nuôi cá lồng trên vịnh Đà Nẵng về hiện tượng cá chết. Chiều 19/10, ông Tấn tiếp tục khẳng định “chuyện cá chết do sự cố tràn dầu là chắc chắn” và hậu hoạ về lâu dài thì cũng khó mà lường hết được!

 

Lỗi vì chủ quan?

 

Đáng nói là những tổn thất đó lẽ ra đã có thể được ngăn chặn, nếu không có sự chủ quan đến lạ lùng từ doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng địa phương lẫn TƯ trong việc ngăn chặn từ đầu một sự cố như vậy.

 

Lực lượng của Phòng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng lẽ ra không phải túc trực tại hiện trường nếu công tác kiểm tra trước đó có sự lưu tâm đến... cái bờ kè! Ảnh: HC 

Sáng 17/10, tại Văn phòng Vinapco, PV VietNamNet đặt câu hỏi với Giám đốc Nguyễn Văn Luận:

 

- Theo báo cáo của Vinapco với các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sự cố là do trời mưa làm sạt lở bờ kè bảo vệ, các mảng bê tông đâm thủng hai bồn chứa làm xăng dầu tràn ra. Xin ông cho biết có phải chất lượng xây dựng bờ kè quá kém?

 

Ông Nguyễn Văn Luận: Không phải như vậy. Bờ kè này được xây dựng đã 7 - 8 nhưng chưa từng xảy ra vấn đề gì cả!

 

- Trong 7 - 8 năm đó, bờ kè này đã có lần nào được gia cố, sửa chữa?

 

Ông Nguyễn Văn Luận: Chưa lần nào cả. Nhưng mấy năm vừa rồi trải qua bao nhiêu đợt mưa bão còn nghiêm trọng hơn nhưng bờ kè này có bị gì đâu. Lần này có thể là do có luồng chảy mạnh bất ngờ gây ra xói lở!

 

Rõ ràng Vinapco đã quá yên tâm với cái bờ kè mà đâm ra chủ quan. Một công trình bờ kè nằm ở triền núi có độ dốc lớn, lại trong khu vực thường xuyên xảy ra mưa bão nghiêm trọng thì việc bị xói mòn theo thời gian là điều dễ hiểu. Do vậy, việc kiểm tra, gia cố một công trình bảo vệ như vậy phải được tiến hành thường xuyên, nhất là trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, Vinapco đã không thực hiện. Hậu quả là cơn mưa ngày 16/10 tuy không quá lớn nhưng là “giọt nước làm tràn ly”, khiến bờ kè vỡ toang!

 

Sáng 18/10, PV VietNamNet đặt câu hỏi với Thượng tá Nguyễn Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng:

 

- Thưa ông, việc kiểm tra công tác PCCC tại kho xăng dầu Liên Chiểu được tiến hành như thế nào?

 

Thượng tá Nguyễn Phong: Kho xăng dầu này là cơ sở loại A về công tác PCCC nên mỗi quý chúng tôi đều tiến hành kiểm tra một lần!

 

- Nhưng tại sao qua kiểm tra lại không phát hiện được nguy cơ sạt lở bờ kè tại kho xăng dầu này?

 

Thượng tá Nguyễn Phong: Việc sạt lở đê bao (bờ kè) là thuộc lĩnh vực xây dựng, kết cấu xây dựng chứ không thuộc lĩnh vực PCCC!

 

Thực tế cho thấy, chính việc sạt lở bờ kè đã gây nên sự cố đối các bồn chứa xăng dầu ở kho Liên Chiểu. Ngoài việc thất thoát xăng dầu thì nguy cơ lớn nhất từ sự cố này chính là có thể xảy ra một vụ cháy nổ mà như nhận định của ông Phạm Quốc Tế, Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn: “Nếu xảy ra cháy nổ thì cả khu vực này sẽ như một quả bom không thể cứu nổi!”.

 

Như vậy, cái bờ kè ở kho xăng dầu Liên Chiểu không chỉ là một công trình xây dựng thông thường như bao công trình khác mà nó liên quan trực tiếp đến xăng dầu, tức liên quan đến nguy cơ xảy ra cháy nổ. Do vậy, không thể nói sự an toàn của bờ kè này lại có thể nằm ngoài sự quan tâm của lực lượng Cảnh sát PCCC.

 

Tại cuộc họp hôm 18/10 với Ban chỉ đạo ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu TP Đà Nẵng, khi bàn việc gia cố lại bờ kè, Đại tá Đào Hữu Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã yêu cầu: “Sau khi xăng dầu được rút hết khỏi các bể chứa, phải đánh giá lại toàn bộ các điều kiện mới tiến hành xử lý bờ kè. Công việc này cũng phải có phương án đảm bảo an toàn, được cấp thẩm quyền phê duyệt mới tiến hành, nhằm tránh trường hợp các tảng bê tông lớn va đập vào bồn chứa gây cháy nổ!”.

 

Đặt thái độ thận trọng này của lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC bên cạnh phát biểu của Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, có thể thấy cơ quan chức năng địa phương đã rất chủ quan trước một mối nguy tiềm tàng tại kho xăng dầu Liên Chiểu!

 

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên: "Các đoàn kiểm tra ít để ý đến năng lực ứng phó sự cố tràn dầu của doanh nghiệp lắm!" Ảnh: HC

Các đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT thì… ít để ý!

 

Chiều 19/10, PV VietNamnet tiếp tục có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT):

 

- Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu Đà Nẵng hôm 18/10 về sự cố xảy ra tại kho xăng dầu Liên Chiểu, ông có phản ảnh việc Vinapco không đảm bảo đúng cam kết với Bộ TN - MT về năng lực ứng phó sự cố tràn dầu tại chỗ. Xin ông cho biết, ai là người kiểm tra việc thực hiện các cam kết đó của doanh nghiệp?

 

Ông Trương Văn Tấn: Kiểm tra cái đó thì luật đã quy định rồi. Thường những bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường trước đây hoặc là bản cam kết bảo vệ môi trường hiện nay, ai phê duyệt thì người đó chịu trách nhiệm kiểm tra. Chẳng hạn Bộ TN-MT phê duyệt thì Bộ có trách nhiệm kiểm tra. Nhưng thường thì Sở TN-MT các địa phương cũng có quyền và phải có trách nhiệm kiểm tra tất cả các cơ sở nằm trên địa bàn quản lý của mình.

 

- Nhưng với trường hợp của Vinapco thì do ai phê duyệt cam kết bảo vệ môi trường?

 

Ông Trương Văn Tấn: Bộ TN-MT phê duyệt!

 

- Như vậy là Bộ TN-MT có trách nhiệm kiểm tra đối với Vinapco, nhưng tại sao lâu nay lại không phát hiện ra vấn đề như ông nêu trên?

 

Ông Trương Văn Tấn: Thật ra, trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra ít để ý đến vấn đề này. Thường là vậy. Nói thật ra, bây giờ với tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nếu kiểm tra mà đáp ứng được yêu cầu đó thì cũng hiếm lắm. Bây giờ xảy ra sự cố mới thấy vậy chứ thật ra khi kiểm tra người ta không quan tâm lắm.

 

- Đây là một vấn đề rất lớn mà sao người ta lại ít quan tâm? Vậy khi kiểm tra thì họ kiểm tra cái gì?

 

Ông Trương Văn Tấn: Chủ yếu kiểm tra cái tác hại là chính. Chẳng hạn kiểm tra rác thải ra ngoài của các bồn xăng dầu có đạt tiêu chuẩn hay không? Nước thải có nhiễm xăng dầu hay không? Thường là kiểm tra nước thải, rác thải chứ ít khi kiểm tra sâu cái này lắm!

 

Thường thường là như vậy. Đến khi xảy ra sự cố rồi mới thấy. Hầu như các doanh nghiệp, không chỉ ngành xăng dầu mà các ngành khác cũng vậy thôi, trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết thường hay được ghi một cách hoành tráng lắm. Chủ trương là để các hội đồng thẩm định dễ thông qua. Nhưng thực tế đến khi kiểm tra doanh nghiệp thì không có đầy đủ các nội dung đó!

 

- Bây giờ kiểm tra, thấy doanh nghiệp không đáp ứng đúng các điều đã cam kết thì liệu các cơ quan chức năng có biện pháp chế tài gì hay không?

 

Ông Trương Văn Tấn: Chắc chắn sau này Sở TN-MT sẽ xử lý vi phạm hành chính thôi. Bây giờ đang tập trung giải quyết sự cố nên chưa đặt vấn đề ra, nhưng chắc chắn sau này thế nào Vinapco cũng sẽ bị Sở TN-MT xử lý trên hai vấn đề: để xảy ra sự cố và thực hiện không đúng nội dung của bản cam kết bảo vệ đã đăng ký với Bộ TN-MT...

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,