- Cơn bão melamine tạm lắng, Bộ Y tế đã công bố kiểm soát được thị trường sữa nhưng hơn 700 tấn “sữa độc” vẫn không biết xử lý thế nào cho hợp tình, hợp lý.
Ngày 18/10, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tình hình nhiễm melamine trong sữa và các sản phẩm sữa tại Việt Nam. Vấn đề xử lý số sữa được đưa ra nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra sữa trong thời gian qua. Ảnh: LH |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2008 có khoảng 772 tấn sữa, bột kem của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam do 22 doanh nghiệp nhập khẩu. Số lượng này chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng số sữa nhập khẩu nói chung (khoảng 1,27%).
Bộ Y tế cho biết, tổng cộng đã lấy 283 mẫu và phát hiện 24 sản phẩm có chứa melamine. Hiện Viện Dinh dưỡng Quốc gia đang còn khoảng 100 mẫu sữa nghi ngờ nhiễm melamine đang chờ tiếp tục kiểm tra, xác định. Do đó, trong thời gian tới có thể sẽ có thêm những mẫu sản phẩm bị phát hiện có nhiễm hóa chất này.
Hiện còn một số lô hàng nghi có nhiễm melamine sau khi có kết quả kiểm nghiệm xác định không nhiễm và những lô hàng chưa công bố tiêu chuẩn, sau khi đã hoàn tất thủ tục công bố, đang được khẩn trương giải tỏa để tiếp tục sản xuất, lưu thông.
Để người tiêu dùng yên tâm hơn, Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã làm quyết liệt việc thanh kiểm tra thị trường sữa. Không chỉ ở các thành phố lớn mà cả các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi mà người ta nghi ngờ sữa nhiễm melamine sẽ bị “tuồn về”, được tiêu thụ mạnh, cũng đều được tiến hành kiểm tra ráo riết.
Xử lý thế nào cho xuôi?
Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN và Trung Quốc tại Philippines (từ 6-11/10), Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố nước này chấp nhận tái nhập những sản phẩm sữa có nhiễm melamine từ các quốc gia đã nhập khẩu. Bộ Y tế Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan cũng đã họp và thiên về phương án hướng dẫn các doanh nghiệp làm việc với đối tác Trung Quốc để có phương án tái xuất.
Đây là phương án khả quan hơn cả vì nó hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp sản xuất băn khoăn cho rằng, chỉ có thể tái xuất được với số sữa nguyên liệu, nhưng hầu hết số nguyên liệu này đều đã được sử dụng để sản xuất sữa thành phẩm. Như vậy, việc tái xuất đối với số sữa thành phẩm này là điều không tưởng dù có thể chứng minh nguồn gốc rõ ràng rằng các sản phẩm này được sản xuất từ nguồn sữa nguyên liệu có nhiễm melamine nhập từ Trung Quốc.
Một phương án khác lại được đưa ra là chuyển đổi mục đích sử dụng những sản phẩm này. Tuy nhiên, phương án này không được Bộ NN&PTNT chấp nhận. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phản đối: “Melamine không có vai trò dinh dưỡng trong chăn nuôi động vật. Do đó, chúng tôi kiến nghị không sử dụng dưới mọi hình thức trong chăn nuôi”.
Phương án cuối cùng là hủy. Nhưng Việt Nam chưa có quy trình tiêu hủy những sản phẩm nhiễm độc như thế này.
Xung quanh những thắc mắc về phương án xử lý với số sản phẩm sữa nhiễm “độc”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã đưa ra bài học về việc thu giữ 6 tấn giò có hàn the. Chỉ vì loay hoay với câu hỏi: hủy hay không mà mất 6 tháng trời, và chi phí cho việc bảo quản của số hàng hóa này lên tới 104 triệu đồng. Bộ trưởng yêu cầu cần sớm có quy trình xử lý sữa nhiễm melamine nếu không muốn lặp lại bài học “cay đắng” của giò có hàn the.
Buổi sơ kết về sữa melamine diễn ra với khá nhiều ý kiến nhưng tập trung chủ yếu vào việc xử lý số sữa nhiễm melamine. Đến tận cuối buổi họp, một phương án hợp tình, hợp lý vẫn chưa được đưa ra.
Để doanh nghiệp và người tiêu dùng an tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trấn an, trong tuần tới, các ban ngành chức năng của Bộ Y tế sẽ tiếp tục bàn thảo nội dung này.
-
Lệ Hà