221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1119013
Sự cố tràn dầu ở Đà Nẵng đã qua cơn nguy khẩn
1
Article
null
Sự cố tràn dầu ở Đà Nẵng đã qua cơn nguy khẩn
,

 - Đến 15h15 ngày 18/10, đường bộ và đường thuỷ qua khu vực xảy ra sự cố tràn dầu từ đèo Hải Vân xuống vịnh Đà Nẵng đã được thông trở lại.

 

Một số phương tiện, thiết bị ứng phó sự cố vừa qua đang được rút khỏi kho xăng dầu Liên Chiểu. Ảnh: HC

Cơn nguy khẩn đã tạm lắng

 

Sau hơn 2 ngày khẩn trương khắc phục sự cố tại kho xăng dầu Liên Chiểu (thuộc Xí nghiệp xăng dầu hàng không miền Trung - Vinapco) trên đèo Hải Vân khiến xăng dầu tràn xuống biển, sáng 18/10, ông Văn Hữu chiến, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng Ban chỉ đạo ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các ngành hữu quan của TP và TƯ nhằm đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp xử lý tiếp theo.

 

Theo ông Phạm Quốc Tế, Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đây là một tai nạn hy hữu và hết sức nguy hiểm, nếu xảy ra cháy nổ thì cả khu vực sẽ như một “quả bom”, không thể cứu nỗi. 

Rất lo lắng trước tình hình này, Uỷ ban đã có công văn hoả tốc gửi UBND TP Đà Nẵng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan như kho H182 của quân đội, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung… có biện pháp phối hợp khắc phục nhanh và hiệu quả nhất.

 

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu TP Đà Nẵng cho hay, tính đến 24h ngày 17/10, Vinapco phối hợp với Công ty Xăng dầu khu vực 5 đã bơm hút toàn bộ lượng dầu lẫn nước tràn ra đê bao (kể cả nước vệ sinh) và lượng xăng dầu còn lại trong hai bồn bị thủng, chuyển về chứa tại kho H182 của quân đội ở gần đó.

 

Đến thời điểm này, việc ngăn chặn dầu tràn từ kho đã hoàn tất, không để xảy ra tràn dầu trên diện rộng. Trong suốt quá trình xử lý sự cố, công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thuỷ đã được các lực lượng chức năng thực hiện thông suốt, không để xảy ra bất kỳ tình huống đáng tiếc nào.

 

Qua kiểm tra hiện trường, Đại tá Đào Hữu Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) xác nhận điều đó và cho hay, cùng với lực lượng của Đà Nẵng, Cục Cảnh sát PCCC đã điều động thêm lực lượng, phương tiện hỗ trợ từ Huế, Quảng Nam. Tổng cộng đã có 60 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe PCCC, 4 xe chuyên dụng, 6 tấn bột được huy động ứng trực, dứt khoát không để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng. Và từ đêm 17 đến sáng 18/10, đã tiến hành tẩy rửa, phun nước và bọt khí tạo độ ẩm cho khu vực xảy ra sự cố.

 

Theo quan sát của PV tại hiện trường, mặc dù các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn tiếp tục duy trì ở cấp độ cao nhưng tình hình không còn quá căng thẳng như hai ngày trước đó. Thậm chí một số phương tiện, lực lượng đã bắt đầu rút quân. Tuy nhiên, nồng độ xăng dầu trong không khí vẫn còn khá nặng, nhất là khi trời hửng nắng, cho thấy vẫn tiềm năng khả năng xảy ra nguy hiểm.

 

Cục phó Cục Cảnh sát PCCC Đào Hữu Thắng yêu cầu phải có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn khi vận chuyển xăng dầu khỏi kho Liên Chiểu Ảnh: HC

Vẫn còn nhiều vấn đề cấp thiết phải giải quyết

 

Ông Nguyễn Điểu cảnh báo, ở khu vực bờ kè vừa bị sạt lở có khả năng tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào khi trời mưa lớn và mức độ sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn, thậm chí sụp đổ sâu vào bên trong vì nền móng là đất đắp.

 

Đó là mối đe doạ đối với 3 bồn chứa còn lại đang chứa đầy xăng dầu, do vậy cần phải khẩn cấp gia cố bờ kè, sửa chữa các bồn chứa để tránh nguy hiểm.

 

Trước khi thực hiện điều đó, Thượng tá Nguyễn Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho biết, theo nguyên tắc, sẽ lập biên bản đình chỉ hoạt động xuất nhập xăng dầu tại kho Liên Chiểu, đồng thời yêu cầu Vinapco có phương án di chuyển toàn bộ số nhiên liệu còn lại trong 3 bồn chứa đến nơi an toàn, phương án này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

Giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không Trần Hữu Phúc cho hay, toàn bộ xăng A92 đã được bơm qua kho H182, hiện trong các bồn chứa chủ yếu còn lại dầu ZA1, dầu FO và diezel. Các loại dầu này, kể cả ZA1 là nhiên liệu máy bay, đều nặng hơn và yêu cầu về PCCC không cao bằng xăng A92.

 

Tuy nhiên, dầu ZA1 đòi hỏi điều kiện bảo quản riêng để bảo đảm an toàn bay nên không thể chứa ở bất kỳ kho xăng dầu nào cũng được. Do vậy, ông cho biết sẽ chuyển số dầu này bằng đường bộ về kho tại sân bay Đà Nẵng.

 

Nhưng phương án đó không được Cục Cảnh sát PCCC đồng tình. Đại tá Đào Hữu Thắng cho rằng, cần sử dụng đường ống công nghệ chuyển hết qua kho H182, sau đó tiếp tục trung chuyển đến các nơi khác nếu kho H182 không đủ sức chứa, chứ nhất thiết không thể xuất trực tiếp từ kho Liên Chiểu cho xe bồn chở đi. 

Nguyên nhân, theo ông Thắng cho biết, hiện ở kho Liên Chiểu, đường ống lấy dung dịch bọt PCCC đã bị gãy hết, đường ống bơm xăng dầu chưa được đánh giá đầy đủ nên khó đảm bảo an toàn.

 

Đáng nói là trước những góp ý này, ông Trần Hữu Phúc lại cho rằng “Đừng phức tạp hoá vấn đề làm ảnh hưởng đến tài sản quốc gia. Nếu sau 30 ngày không còn nhiên liệu bay đáp ứng cho khu vực miền Trung thì Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các ngành liên quan phải chịu trách nhiệm!”.  

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an Đà Nẵng, một vấn đề quan trọng khác cần làm ngay là phải tiến hành đo nồng độ xăng dầu trong khu vực, nếu đã đảm bảo an toàn thì sớm cho lưu thông trở lại trên đèo Hải Vân và khu vực vịnh Đà Nẵng. Đại tá Sơn cho biết, hiện phía Bắc đèo Hải Vân đang có khá nhiều xe ùn tắc từ hơn 2 ngày nay. Trên biển, hàng chục tàu đánh cá của ngư dân cũng bị “chôn” lại một chỗ, không hoạt động được…

 

Sau khi nghe ý kiến của các bên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến yêu cầu Vinapco di chuyển ngay số xăng dầu còn lại ở kho Liên Chiểu trước nguy cơ bờ kè tiếp tục sạt lở. Trong đó, phải đánh giá khả năng tiếp nhận của các kho H182, kho sân bay Đà Nẵng, kiểm tra chặt chẽ giàn xuất xăng dầu, hệ thống bơm… của kho Liên Chiểu để vận chuyển bằng đường bộ. Cố gắng chuyển hết xăng dầu ở kho Liên Chiểu trong 2 ngày, với mục tiêu nhanh và an toàn.

 

Đồng thời, có biện pháp gia cố, khôi phục ngay bờ kè và tính toán sớm việc sửa chữa các bồn chứa bị hư hỏng để đảm bảo việc cung cấp xăng dầu, đặc biệt là nhiên liệu cho hoạt động bay trong khu vực. Trong quá trình thực hiện các công việc này, đều phải có sự phối hợp với cảnh sát PCCC để thực hiện các biện pháp an toàn ở mức độ cao nhất.

 

Ông Chiến cũng yêu cầu, ngay trong ngày 18/10 có kết quả đo nồng độ xăng dầu trong khu vực để quyết định về việc cho lưu thông trở lại trên đường đèo Hải Vân và trên biển. Tuy nhiên, kể cả khi giao thông đường bộ và đường thuỷ được khôi phục thì các lực lượng CSGT, PCCC, BĐBP… vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng mọi tình huống có thể phát sinh.

 

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên Trương Văn Tấn: "Phải đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm môi trường chứ không thể chỉ nhìn bằng mắt!". Ảnh: HC

Phải đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm môi trường

 

Ông Nguyễn Điểu cho biết, sóng to gió lớn từ chiều 16/10 và ngày 17/10 đã làm khoảng 50 - 100m3 dầu rò rỉ tạo ra vết dầu loang mỏng từ khu vực xảy ra sự cố đến cửa sông Cu Đê khoảng 10km2

Tuy nhiên, theo Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên Trương Văn Tấn, cần đánh giá  chính xác mức độ ô nhiễm môi trường, môi sinh chứ không thể chỉ nhìn bằng mắt.

 

Ông Tấn cũng đề nghị phải có khảo sát cụ thể để dự báo khả năng dầu lan đến đâu, qua đó xác định phương án thu gom, làm sạch môi trường một cách hiệu quả… Trước mắt, ông Tấn cho biết, đã có người nuôi cá lồng ở vịnh Đà Nẵng phản ảnh về việc cá chết mấy ngày gần đây, nhưng cần xác định rõ thêm nguyên nhân!

 

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến yêu cầu Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung tiếp tục duy trì phao quây cho đến khi xử lý xong lượng dầu nổi trên biển. Sở TN-MT Đà Nẵng được giao chủ trì phối hợp với Công ty Xăng dầu khu vực 5 sử dụng tàu, giấy thấm dầu để thu hồi, tiêu huỷ hết số dầu loang trên biển; tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường, sự cố và tiến độ khắc phục; đánh giá thiệt hại… báo cáo lãnh đạo TP.

 

Ông Tấn lại cho biết thêm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều phải có cam kết với Bộ TN-MT về khả năng chủ động ứng phó tại chỗ khi xảy ra sự cố tràn dầu. Tuy nhiên đến khi xảy ra sự cố vừa qua thì Vinapco hầu như không có các phương tiện cần thiết như phao vây, dụng cụ vớt dầu, bơm hút, tụ gom dầu, giấy thấm dầu… nên việc ứng phó tại chỗ gần như vô hiệu, phải chờ cứu viện ở trên.

 

Đến khi Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung “xuất trận”, phao quây đang giăng thì bị đứt, tàu chở dầu huy động từ Công ty Sông Thu để bơm hút dầu tràn trong đê bao nhưng quá cũ, không vận hành được, ra đến nơi thì bị thủng, phải kéo vào… Trong khi UBND TP Đà Nẵng phải yêu cầu Cảng Đà Nẵng đưa tàu vào lai kéo, đồng thời đóng cầu Sông Hàn đột xuất, rốt cuộc vẫn phải tìm phương án khác, gây ra rất nhiều hệ luỵ…

 

Ông Văn Hữu Chiến cho biết, tuy chưa hoàn toàn yên tâm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định sự cố xảy ra tại kho xăng dầu Liên Chiểu đã qua cơn nguy khẩn, một số vấn đề cấp thiết khác đang tiếp tục được xúc tiến giải quyết. Các vấn đề còn lại sẽ tiếp tục được xem xét, làm rõ trong thời gian tới.

 

Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho biết, sau khi đo nồng độ xăng dầu ở khu vực xảy ra sự cố cho kết quả dưới mức yêu cầu về bảo đảm an toàn, lúc 15h15, đường bộ và đường thuỷ qua đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng đều đã được thông trở lại! 

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,