- "Vấn đề ô nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm sữa ở Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát một cách hiệu quả. Tất cả sản phẩm phát hiện có chữa melamine phải thu hồi dù hàm lượng cao hay thấp" - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã khẳng định như vậy với báo chí.
"Vấn đề ô nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm sữa ở Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát một cách hiệu quả", Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã khẳng định như vậy với báo chí. Ảnh: Lệ Hà |
Dưới đây là những diễn biễn chính của cuộc họp báo mà PV VietNamNet ghi lại:
"Cơn bão" melamine đã lan ra khắp thế giới, Việt Nam không nằm ngoài. Việc tổ chức họp báo vào thời điểm người dân đang quá hoang mang, còn doanh nghiệp thì lo lắng với sản phẩm của mình có được người tiêu dùng chấp nhận nữa không. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Bộ Y tế tỏ ra chậm công bố chính thức sự việc bê bối này?
Hàng ngày, Bộ Y tế đều có thông báo cho báo chí về việc kiểm tra cũng như các xét nghiệm của Bộ về các sản phẩm có melamine để chuyển tải kịp thời đến người dân. Hôm nay, Bộ Y tế chính thức họp báo thông báo kết quả bước đầu về việc kiểm soát tình trạng nhiễm melamine trong sữa và nguyên liệu sữa sau một thời gian kiểm tra. Cuộc họp có mặt của Bộ Y tế, WHO và FAO để cùng thống nhất quan điểm về sự việc trên.
Bộ Y tế khẳng định melamine từ trước đến nay chưa bao giờ được công nhận là một chất trong thực phẩm. Vậy làm sao có một con số về hàm lượng nào là chuẩn để các xét nghiệm đối chiếu?
Đúng là từ trước đến nay, melamine chưa bao giờ được công nhận là một chất trong thực phẩm. Một số nước thì tự làm xét nghiệm rồi tạm thời ban hành công bố về chất melamine. Hiện Việt Nam chưa nhận được một thông báo về hàm lượng bao nhiêu là đủ, và an toàn. Bộ Y tế Việt Nam sẽ suy nghĩ những giải pháp triển khai có hay không cho melamine trong thực phẩm. Nhiều quốc gia sau sự cố melamine đã cấm tuyệt đối các sản phẩm có nhiễm chất này.
Đối với Việt Nam, chúng ta cần xem xét xem có cấm tuyệt đối hay không vì phải dung hòa mục đích kinh tế và bảo vệ sức khỏe con người. Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cũng đang khẩn trương để lập lại ổn định nguồn cung cấp các sản phẩm sữa an toàn cho người tiêu dùng. Chủ trương này sẽ được duy trì cho đến khi có một hướng dân chính thức của quốc tế.
Một vấn đề đang khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa đau đầu là kết quả xét nghiệm trái ngược nhau. Thứ trưởng giải thích sao về việc này, bởi nếu xét nghiệm không đồng nhất, chính xác sẽ rất thiệt hại cho doanh nghiệp?
Không loại trừ yếu tố kỹ thuật trong quá trình kiểm tra. Tuy nhiên, việc xét nghiệm phải có tính đồng nhất, nghĩa là phải lấy mẫu trên cùng lô hàng, trên cùng sản phẩm, quy cách đóng gói, định lượng bao gói... Để khâu kiểm nghiệm được khách quan, chính xác, Bộ Y tế đã đề nghị 3 trung tâm là đơn vị trung gian thực hiện lại các xét nghiệm khi có kết quả khác nhau.
Đó là Trung tâm kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Viện Dinh dưỡng, Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TT3) và Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM). Nếu một trong 3 phòng thí nghiệm nói trên cho kết quả vẫn bị khiếu nại thì 2 phòng thí nghiệm còn lại sẽ có nhiệm vụ kiểm tra chéo.
Tôi cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi lấy mẫu đi xét nghiệm phải theo đúng quy trình và có sự giám sát của cơ quan chức năng để đảm bảo tính trung thực, chính xác.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tồn đọng sữa có melamine trong kho. Vậy Bộ Y tế sẽ giải quyết số hàng này như thế nào?
Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng tất cả các sản phẩm phát hiện có melamine phải thu hồi, kể cả những sản phẩm có hàm lượng thấp. Riêng đối với sản phẩm sữa Yili của Trung Quốc, Bộ Y tế đã quyết định thu hồi và tiêu hủy hoàn toàn.
Còn những sản phẩm khác Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng đang suy nghĩ giải quyết và đặt ra vấn đề tiêu hủy sản phẩm và nguyên liệu sữa có melamine hay chuyển đổi mục đích sử dụng. Và việc tiêu hủy phải có quy trình như thế nào.
Kết quả đợt thanh tra vừa qua, Thứ trưởng có đánh giá thị trường sữa đã bước đầu đảm bảo sau đợt thanh tra này?
Tại thời điểm này, Bộ Y tế cho rằng vấn đề ô nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm sữa ở Việt Nam về cơ bản đã được kiểm sóat một cách hiệu quả.
Với tư cách là thứ trưởng Bộ Y tế, ông có lời khuyên gì cho người tiêu dùng ở thời điểm này?
Chúng tôi khẳng định không phải tất cả các sản phẩm sữa lưu hành tại Việt Nam đều nhiễm melamine. Người tiêu dùng không nên ngừng sử dụng hoặc "tẩy chay" sữa vì như vậy sẽ có tác động không tốt đến dinh dưỡng. Tuy nhiên người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm đã được xác định không có chứa melamine và có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ.
Đại diện cơ quan chức năng giải đáp mọi thắc mắc của báo chí. Ảnh: Lệ Hà |
Vụ bê bối melamine tại Trung Quốc khiến cả thế giới cũng không ngờ đến, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Sau sự việc này Bộ Y tế sẽ thắt chặt việc kiểm định hơn, và tiêu chuẩn về melamine sẽ được đưa vào trong quy định kiểm nghiệm tất các sản phẩm sữa và các sản phẩm chế biến có dùng nguyên liệu sữa. Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch trên, tất các các sản phẩm sẽ được kiểm tra chặt chẽ trước khi cấp phép ra thị trường và nên thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên để theo dõi chất lượng sản phẩm sau khi đã lưu hành trên thị trường.
Tại buổi họp báo, TS Jean Marc Olivé, Trưởng văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đã hỗ trợ 2 cán bộ Việt Nam sang Singapore học tập, nghiên cứu cách xét nghiệm melamine. Sau đó, WHO cũng sẽ cử 2 cán bộ có kinh nghiệm xét nghiệm melamine của WHO sang Việt Nam giúp đỡ. Qua đó, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam sẽ được nâng cao tay nghề, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước.
TS Jean Marc Olivé cũng khẳng định, sản phẩm sữa của Việt Nam tương đối an toàn. Tuy nhiên, khó tránh khỏi trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, đặc biệt là sản xuất sẽ nhiễm melamine. |
-
Lệ Hà