221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1114454
DN "cãi" sở y tế vì chưa có "chuẩn" melamine an toàn
1
Article
null
DN 'cãi' sở y tế vì chưa có 'chuẩn' melamine an toàn
,

 - Đầu tuần tới (ngày 6/10) Bộ Y tế dự kiến sẽ ban hành giới hạn an toàn của melamine cho phép trong thực phẩm dựa trên tổng hợp quy định của các quốc gia trong khu vực và của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đầu tuần tới (ngày 8/9) Bộ Y tế dự kiến sẽ ban hành giới hạn an toàn của melamine cho phép trong thực phẩm. (Ảnh: H.Cát)
Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã có buổi làm việc khẩn với Đoàn Thanh tra số 2 của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng, Phòng PA 25 - Công an TP.HCM xung quanh các vấn đề liên quan đến melamine trong sữa: năng lực kiểm nghiệm melamine, ngưỡng an toàn của melamine trong thực phẩm nói chung và trong sữa nói riêng, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tự công bố...

Sắp ra ban hành giới hạn melamine an toàn

Việc phát hiện melamine trong sữa là một sự cố bất ngờ đối với các nhà quản lý, nhà nhập khẩu và cho cả người tiêu dùng. Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới nói chung, kể cả Mỹ, các nước Châu Âu, New Zealand, Úc, các nước Châu Á... và Việt Nam nói riêng đều vào cuộc.

Hơn thế nữa, Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND của 63 tỉnh thành về việc đình chỉ lưu hành các loại sữa, nguyên liệu sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa không rõ nguồn gốc. Đây là một quyết định vô cùng quyết liệt, vì từ trước tới nay hầu như chưa từng có một ngành hàng nào bị như vậy.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Phong - Trưởng đoàn thanh tra số 2 của Bộ Y tế phản ánh sau khi làm việc với Chánh thanh tra của 24 tỉnh thành phía Nam, một số nơi đã tiến hành kiểm tra nhưng không chịu lấy mẫu sữa để kiểm nghiệm. Riêng đoàn thanh tra Bộ Y tế trong hai tuần qua đã đi kiểm tra được 5 tỉnh thành phía Nam: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang và TP.HCM. 40 mẫu sữa đã được gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh Y tế Công cộng.

Còn tới thời điểm này, đoàn thanh tra Sở Y tế đã lấy được 65 mẫu sữa và có kết quả kiểm nghiệm của 41 mẫu. Trong đó, 8 mẫu dương tính với melamine (5 mẫu Yili, 1 mẫu của Cty Á Châu, 1 mẫu của Lựa Chọn Đỉnh, 1 mẫu của Golden Food). Sau đó, tối 3/10, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn  Đo lường Chất lượng Khu vực 3 vừa báo cáo thêm 5 mẫu bánh nữa nhiễm melamine.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn xem xét "có" hay "không" melamine trong sữa, chứ không cụ thể hàm lượng bao nhiêu. Do vậy, hiện đã có trường hợp hai doanh nghiệp đã và đang tranh chấp về kết quả xét nghiệm melamine với Sở Y tế TP.HCM: Cty Cổ phần Dinh dưỡng Thực phẩm Vàng và Cty Á Châu. 

"Các doanh nghiệp đặt vấn đề về mức độ giới hạn của melamine và kết quả xét nghiệm. Bộ Y tế mới chỉ có quyết định tiêu huỷ sản phẩm của Cty Á Châu và 5 loại sữa YiLi của Cty Kim Ấn. Vậy, sản phẩm nhiễm melamine của Lựa Chọn Đỉnh và Cty Cổ phần Dinh dưỡng Thực phẩm Vàng xử lý ra sao," BS. Châu đặt câu hỏi.  

Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết, Bộ Y tế vẫn đang cân nhắc về việc tiêu huỷ sản phẩm. Trong 23 mẫu sữa bị nhiễm melamine, Bộ Y tế mới chỉ ban hành 3 quyết định thu hồi và tiêu huỷ: Sữa YiLi của Cty Kim Ấn, nguyên liệu sữa của Cty HanoiMilk (Hà Nội) và Cty Á Châu (TP.HCM). Theo thống kê, các tỉnh thành đã thu giữ trên nghìn tấn sữa và ít nhất trên 300 tấn sữa phải tiêu huỷ. Riêng HaNoiMilk và Á Châu chiếm 180 tấn sữa nhiễm melamine.

Thanh tra Bộ Y tế đang tiến hành kiểm tra doanh nghiệp liên quan đến sữa tại TP.HCM (Ảnh: H.Cát)
Đối với các sản phẩm chỉ "có vết nhiễm melamine - tức chứa hàm lượng thấp" thì sao? Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm hiện đang làm từng bước một. Trước mắt, các sản phẩm nhiễm bẩn sẽ bị thu hồi, ngưng lưu thông. Kho bãi lưu giữ sẽ thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp.

"Bộ Y tế chưa có một văn bản nào quy định về việc cho phép hàm lượng melamine bao nhiêu trong thực phẩm. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), EU, New Zealand, các quốc gia trong khu vực...đã công bố một giới hạn melamine được phép có trong thực phẩm. Vì vậy, không cần một nghiên cứu lâm sàng nào, tổng hợp quy định của các quốc gia trong khu vực và của WHO, đầu tuần tới (ngày 8/10) Bộ Y tế dự kiến sẽ ban hành giới hạn an toàn của melamine cho phép trong thực phẩm," Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết.

Doanh nghiệp chia lửa với nhà quản lý

Để giải toả ách tắc lưu thông cho các doanh nghiệp, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tận dụng năng lực của 22 phòng thí nghiệm tham gia vào việc phân tích melamine trong thực phẩm (sữa, bánh, yaourt...). Bộ Y tế cũng đã ban hành quy định tạm thời về phương pháp kiểm nghiệm melamine trong sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa. 

Ngoài ra, bên cạnh việc lấy mẫu kiểm nghiệm của 15 đoàn thanh tra, Bộ Y tế cho doanh nghiệp một cơ chế  - "tự công bố chất lượng sản phẩm". Doanh nghiệp có quyền tự lấy mẫu theo đúng quy định hiện hành của Bộ Y tế. Doanh nghiệp có quyền gửi đến 22 phòng thí nghiệm trên khắp cả nước hoặc các phòng thí nghiệm quốc tế có đủ tiêu chuẩn.

Nếu có kết quả dương tính với melamine, doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo ngay với các cơ quan quản lý. Còn nếu kết quả âm tính, doanh nghiệp được quyền công bố chất lượng sản phẩm, tiếp tục mọi hoạt động như sản xuất, phân phối, chế biến sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa theo đúng khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, BS. Nguyễn Văn Châu - băn khoăn "Thực tế đã từng có doanh nghiệp ém kết quả dương tính với melamine. Trong trường hợp đó, các cơ quan chức năng phải giải quyết như thế nào?"

"Hàng trăm doanh nghiệp, với hàng chục nghìn lô hàng, được quyền công bố chất lượng sản phẩm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, để chia lửa với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ nắm chặt 22 phòng thí nghiệm đã được công nhận về mặt pháp lý. Kiểm tra đột xuất các phòng thí nghiệm, nếu các cơ quan quản lý phát hiện có việc ém thông tin, doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép hoạt động và sẽ bị xử lý theo luật," Thứ trưởng Cao Minh Quang khẳng định.

Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng cảnh báo, doanh nghiệp có thể rất ranh mãnh trong việc gửi mẫu đi kiểm nghiệm: mua mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, mua kết quả kiểm nghiệm... Do vậy, cơ quan quản lý phải xem xét được tính trung thực, khách quan của việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm.

Chính vì vậy, khi phát hiện kết quả dương tính melamine trong sữa, doanh nghiệp phải tự nguyện báo cáo, đồng thời phòng thí nghiệm cũng phải công bố ngay với Bộ Y tế.

  • Hương Cát

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;