- Cũng như nhiều cặp cửa khẩu khác, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Lào Cai), nhiều người dân và du khách Trung Quốc đã sang Lào Cai để tìm mua các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ.
Mới chỉ cách đây chừng một tháng, tại các cặp cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc, các mặt hàng tiêu dùng trong đó có mặt hàng sữa được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và đa dạng. Nhưng nay thì ngược lại, do vụ bê bối sữa có chất melamine của Trung Quốc, những ngày gần đây người dân nước này đã đổ xô sang Việt Nam mua sữa về dùng, dù theo nhiều người, nếu chính quyền biết thì họ sẽ bị phạt.
Công khai mua, bí mật mang về
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc “tẩy chay” với sản phẩm sữa được sản xuất trong nước và đã tìm đến thị trường Việt Nam để tìm mua các sản phẩm sữa ngoại.
Một phụ nữ người Trung Quốc mua sữa tại 1 cửa hàng ở thành phố Lào Cai - Ảnh: Cao Cường |
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, trong những ngày qua có một bộ phận người dân Trung Quốc và du khách đã sang Lào Cai để tìm mua các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Do đặc thù ngành sản xuất sữa trong nước Trung Quốc phát triển mạnh nên thị trường Trung Quốc rất ít sản phẩm sữa ngoại nhập, ngoại trừ một số ít sản phẩm sữa liên doanh.
Thống kê của lực lượng biên phòng Lào Cai cho thấy, trong tháng 8/2008, do Lào Cai bị thiệt hại nặng do mưa lũ nên chỉ có 66 ngàn lượt người, trong đó có 14.500 lượt người Trung Quốc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong tháng 9, con số này có dấu hiệu tăng cao hơn, khoảng 80 ngàn lượt, trong đó lượt người Trung Quốc đạt gần 20 ngàn lượt người.
Một cán bộ phụ trách kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: "Có khá nhiều du khách và cư dân Trung Quốc sang Việt Nam khi trở về chỉ mua sữa bột đóng hộp. Để vượt qua khu vực kiểm soát, nhiều người đã phải khui hộp sữa rồi đổ túi ni-lon giấu trong hành lý hoặc để chung với hàng hoá khác nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện".
Một nhân viên phòng kinh doanh thuộc siêu thị Sài Gòn Mack (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) cho hay: "Trước đây, khách hàng là người Trung Quốc qua siêu thị chủ yếu mua cà phê, hạt tiêu, bánh đậu xanh Hải Dương. Nhưng mấy ngày gần đây, họ đã mua thêm sữa. Hầu hết khách Trung Quốc đều mua sữa bột đóng hộp ngoại nhập, mặc dù loại này có giá bán cao hơn khá nhiều so với sữa sản xuất trong nước".
Anh Vũ Văn Khanh, số nhà 076, đường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là chủ nhân tổng đại lý bán các sản phẩm sữa đóng hộp ngoại nhập tại Lào Cai. Có đến 142 sản phẩm sữa sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... có ở đại lý này.
"Người Trung Quốc là khách quen của đại lý từ rất lâu. Nhưng khoảng hai tuần gần đây, khách Trung Quốc đến đại lý tăng đột biến, có ngày đến gần 100 khách mua hàng. Nhờ đó mà doanh thu của đại lý trong tháng này cũng tăng lên đáng kể" - anh Khanh cho biết.
Anh Khanh cũng cho biết thêm, khách Trung Quốc mua sữa tại đại lý của anh chủ yếu là người có thu nhập khá. Họ không mấy quan tâm đến giá bán, nhưng lại rất sành trong việc lựa chọn xuất xứ hàng hoá. Loại sữa được khách Trung Quốc chú ý nhiều trong thời gian này là loại Anfa Grow, MedJhonson loại hộp 1,8kg và 0,9kg do Mỹ sản xuất. Tiếp đến là các loại sữa Milex của Đan Mạch, Friso, Mimax của Hà Lan, Meiji của Nhật Bản, Enlene của New Zealand và XO của Hàn Quốc sản xuất.
Bị phạt vẫn mua
Các khách Trung Quốc là phụ nữ lại thường chọn mua ở Lào Cai loại sữa dành cho trẻ em có nhãn hiệu Lactopri và Phosobec của Mỹ sản xuất.
Khách Trung Quốc mua sữa ngoại tại các cửa hàng ở TP. Lào Cai ngày càng nhiều - Ảnh: Cao Cường |
Anh Khanh còn cho biết, khách hàng là người Trung Quốc đến cửa hàng của anh chỉ mua lẻ, mỗi khách mua 1 hoặc 2 hộp. Lý do là lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch thực phẩm, kiểm dịch động vật phía Trung Quốc quản lý rất chặt nguồn thực phẩm nhập khẩu, kể cả hàng lẻ.
Phải mất thời gian khá dài thuyết phục qua thông dịch viên chúng tôi mới có được câu trả lời từ anh Trần Tinh, một du khách Trung Quốc đang chọn mua sữa tại đại lý của anh Khanh. Theo anh Tinh, khác với Việt Nam, khách hàng Trung Quốc không thể mua các sản phẩm sữa do châu Âu, Mỹ sản xuất tại thị trường trong nước vì ngành công nghiệp sữa ở quốc gia này phát triển mạnh.
Trong trường hợp anh Tinh bị hải quan Trung Quốc phát hiện mang sữa từ nước ngoài khi nhập cảnh sẽ bị tịch thu hàng và bị phạt tiền khá nặng. Tuy nhiên, lần này sang Việt Nam anh Tinh vẫn cố mua cả chục hộp sữa do Mỹ và Hà Lan sản xuất cho đứa con trai 3 tuổi của mình, thay cho các hộp sữa trong nước đang bị nhiều người tẩy chay.
Trước đây, không chỉ người dân Trung Quốc tin dùng sản phẩm sữa sản xuất trong nước mà ngay cả nhiều người dân Lào Cai, khách du lịch sang Hà Khẩu (Trung Quốc) vẫn mua, sử dụng mặt hàng sữa Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Bắc Cường (TP Lào Cai), một người chuyên buôn bán hàng tạp hóa tiêu dùng từ Hà Khẩu về Lào Cai cho hay: "Không chỉ mua các hàng hóa tạp vụ, chị còn mua sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Trung Quốc để giải khát và mang về Lào Cai cho một số khách hàng. Sữa Trung Quốc giá vừa rẻ, lại nhiều chủng loại, nhưng kể từ khi nắm được thông tin nhiều loại sữa Trung Quốc có chứa chất melamine thì chị không mua và sử dụng nữa".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi phát hiện ra chất melamine trong một số sản phẩm sữa thì có rất ít người Trung Quốc tìm đến các sản phẩm sữa ngoại nhập. Điều đó chứng tỏ từ trước đây người dân Trung Quốc đã rất tin tưởng vào sản phẩm sữa trong nước sản xuất.
Tuy nhiên, các sản phẩm sữa do các công ty của Việt Nam sản xuất chưa phải là mặt hàng để các cư dân và du khách Trung Quốc tìm đến mua, một mặt do hạn chế về chủng loại, hơn nữa lại chưa có uy tín trên thị trường quốc tế.
-
Ngọc Bộ - Cao Cường