- Không chỉ riêng sông Thị Vải bị người ta thải nước bẩn, với tay về phía nào cũng có tin nơi này ô nhiễm nước, rác, nơi kia kêu cứu vì môi trường xuống cấp. Vậy là tin tìm ra nguồn nước sạch, trong cho sông hồ Hà Nội ắt hẳn là gây sốc!
Thời nay chưa làm đã lo!
Mỗi khi mùa bão lũ, thiên tai, trên truyền hình phát đi hình ảnh những vị có trách nhiệm xông pha vào vùng nước ngập, đứng giữa trời mưa, nước chảy ròng trên má cho biết tình hình chỉ đạo tại chỗ. Lúc dịch bệnh hoành hành, các vị vào từng giường bệnh ân cần hỏi han. Giữa chốn phồn hoa, cách xa nơi bão lũ, ô nhiễm mà vẫn thấy cảm động thì chắc là người dân nơi gặp nạn cũng ấm lòng khi được quan tâm, động viên kịp thời. Mỗi khi Tết nhất, hay tình hình thực phẩm có vấn đề, thấy lãnh đạo Sở Y tế đến từng quầy hàng, nơi sản xuất kiểm tra thực phẩm có an toàn không, bà con nội trợ hẳn an lòng hơn trước.
Sông Tô Lịch dù đã được kè nhưng vẫn bị ô nhiễm nặng, nước tĩnh và đen sì, bốc mùi hôi thối (Ảnh: VNN)
Không như ở kênh Ba Bò (TP.HCM) có bà lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương (nơi xuất phát nguồn nước thải) và vị đồng chức tại TP.HCM, nơi nước thải đổ tới. Bà con bị ảnh hưởng hóa chất độc hại dẫn đến ung thư chạy thuốc rụng hết tóc, vậy mà họ vẫn lo lắng tự hỏi “bằng chứng đâu, quả tang đâu ?!“, viện dẫn điều nọ, luật kia để đối phó.
Cấp dưới là ông thanh tra môi trường thì vẫn câu trả lời cũ rích: “Chúng tôi đang tích cực vận động tuyên truyền để doanh nghiệp nâng cao nhận thức, đã mở được lớp học này kia…, mặt khác tăng cường tổ chức nhiều đoàn thanh tra kiểm tra...”.
Đoàn kiểm tra nhiều người, mỗi người ôm một cái cặp. Người thì nhìn lên mái, người thì nghe máy chạy, hết ngày kết luận liệu không biết có phát hiện ra chuyện gì? (truyền hình phát phóng sự đầu tháng 9/2008).
Từ hai cảnh trên mà có hai lo ngại. Nỗi lo thứ nhất là các vị có trách nhiệm cao, các vị xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, hiểm nguy rình rập. Nói vụng, nhỡ có bề gì thì lấy ai lo việc. ”Một người lo thì bằng cả kho người làm“. Giá mà lo cho ra có cái kế hoạch hành động thích ứng với các kịch bản thiên tai dịch bệnh, để khi lâm sự người nào việc nấy, muôn người răm rắp. Hay là có một chiến lược bảo vệ môi sinh tầm nhìn đủ rộng, để việc làm hôm nay mà nhiều năm sau vẫn phát huy ích lợi thì quý biết mấy.
Nỗi lo thứ hai là người có trách nhiệm làm mà không biết cách nào để thực thi cho đúng chức phận. Môi trường sinh thái thoái biến từng giờ mà bao năm vẫn y nguyên lối cũ: cổ lỗ - thụ động. Rõ là người được xã hội phân công làm thì chưa làm gì đã lo.
Chuyện bảo vệ môi trường Hà Nội ngày xưa
Cách đây 60 năm, ông bà tôi tậu được miếng đất trên phố sau cuộc đấu giá tại nhà Đấu Xảo. Giao sơ đồ thửa đất cho người vẽ kiểu và xin phép xây dựng. Bản vẽ cấp phép không chỉ ông quy hoạch chấp thuận mà còn được ông y tế cho phép, trong đó chủ nhà cam kết xây bể tự hoại đúng quy trình lọc nước thải. Cái dấu tròn có hình chữ thập đỏ thể hiện quyền uy của người bảo đảm vệ sinh thành phố.
Nhà xây xong phần móng, ông đo đạc đến xem có xây lấn ra đường. Nhà vệ sinh xong, ông thư ký - bà tôi gọi là ông Ký Sở Y tế đến, lấy cái sào thả cái lọ thủy tinh xuống ga thu, lấy mẫu nước thải bể tự hoại đổ vào cống TP. Lọ thủy tinh dán nhãn tên chủ nhà, địa chỉ, xếp vào hộp gỗ xách đi (chắc là về phòng kiểm nghiệm phân tích của Sở Y tế TP).
Một tuần sau, ông quay lại có nhời: “Nhà hai cụ được rồi, chúng tôi đã gửi kết luận đến Sở Quản thư điền thổ”. Lúc ấy ông bà tôi mới được cấp “bằng khoán điền thổ”, giống như cái “sổ đỏ” bây giờ. Quy trình chặt chẽ như vậy nên ai cũng tự giác mà làm. Nhỡ ra không đạt chuẩn vệ sinh thì chủ nhà cứ tự phá đi xây lại. Có nhà mà chưa có “bằng khoán"-, xin mở cửa hiệu không được, ra ngân hàng vay tiền thì càng không thể… Thật lôi thôi, nên thì cứ làm đúng là tốt nhất: trong thì sạch nhà, ngoài thì giao dịch thuận tiện.
Các chuyên gia Đan Mạch tại Hà Nội năm 2002
Lại nói chuyện ông Ký Sở Y tế, chẳng có làm sai bao giờ. Cấp trên là ông thanh tra vệ sinh, thường xuyên kiểm tra việc làm của các ông Ký. Phát hiện ra sai là ông Ký mất việc - mất luôn tiền thế chấp trách nhiệm (món tiền bằng mấy chục lạng vàng, ký quỹ ở kho bạc), liên lụy đến cả người bảo lãnh, giới thiệu ông Ký đi làm.
Cách đây 6 năm, Công ty GEOKON (Đan Mạch) đến Hà Nội giới thiệu ứng dụng CNTT trong quản lý bảo vệ môi trường (BVMT) tại Copenhagen, Đan Mạch. Giải pháp của họ là tạo lập một trang web để tất cả công dân Copenhagen có thể bày tỏ sự không hài lòng về môi trường sống quanh mình (tiếng ồn, khói bụi, nước thải...).
Họ là người phân loại và chuyển tiếp đến các nơi là nguyên nhân gây ra ô nhiễm trên để chuyển đến cảnh sát môi trường, cấp quản lý có khả năng giải quyết thoả đáng những phàn nàn của công dân. Các thông tin được trao đổi trực tuyến. Kết quả trao đổi được thông báo công khai. Và Toà thị chính là cơ quan trả tiền cho GEOKON.
Để làm công việc hiệu quả và thuyết phục, GEOKON hợp tác với các cơ quan khoa học để lập các phần mềm tính toán, phân tích mối liên hệ - chuyển hóa đầu vào/đầu ra của các quy trình sinh hoạt - sản xuất.
Các doanh nghiệp kê khai nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra qua hóa đơn thuế hàng hóa mua vào, bán ra. Quy trình sản xuất thì đăng ký tại cơ quan thích hợp: vừa chấp nhận quy trình đạt chuẩn vừa bảo hộ sở hữu trí tuệ hay chứng nhận xuất xứ. Doanh nghiệp mua 1 tấn than thì lượng CO2 thoát ra bao nhiêu đã có định mức. Sản xuất ra 1.000 cái lọ thủy tinh thì phải đốt hết bao nhiêu than thì quy trình công nghệ đã trình bày. Mỗi tháng xuất mấy container lọ thì ngần ấy khí thải, nước thải phải sinh ra. Tự làm thì có người đến đo nước thải, khí thải. Không thì nộp tiền xử lý chung, quản lý nghĩa vụ tài chính thì đã có cơ quan thuế vụ.
Miệng cống xả nước thải ra sông Thị Vải - liệu có quá khó để các nhà quản lý môi trường phải mất hàng năm mới tìm ra thủ phạm đầu độc dòng sông này? Ảnh: Hồ Thu
Khoa học công nghệ bảo vệ môi trường tiến hóa liên tục nên không có vấn đề ô nhiễm nào mà không tìm ra nguyên nhân hay giải pháp khắc phục, thậm chí đánh giá thiệt hại - định lượng ra số tiền cụ thể và gửi tới thủ phạm.
Giá mà Việt Nam ta dùng hệ thống này thì chắc là cái Nhà máy bọt ngọt Vedan ở Đồng Nai không dám làm cái bơm ngầm để tuồn 5.000m3 nước thải độc hại ra sông Thị Vải suốt 14 năm ròng (từ năm 1994 đến 13/9/2008, cảnh sát môi trường mới phát hiện. THVN).
Thiết chế bảo vệ môi trường: Mong được như... xưa
Kể hai câu chuyện trên để thấy được hai điều mừng. Mừng thứ nhất là từ rất lâu rồi, người Hà Nội đã sẵn có cái ý thức bảo vệ môi trường, tự giác tuân thủ các quy định để chung sống hài hòa. Giờ đây làm sao Hà Nội có được một bộ quy tắc ứng xử tiên tiến nhất, phối hợp đa ngành đồng bộ nhất để không còn ai có thể xả nước thải, rác thải từ chỗ riêng ra chỗ chung được.
Cái thiết chế bảo vệ môi trường ấy phải cải tiến sao cho nó hoạt động tốt như… ngày xưa. Mừng thứ hai là ta đi sau, thế giới đã có sẵn giải pháp giám sát - quản lý môi trường hiện đại, giờ họ bán rẻ, thậm chí khéo trình bày hoàn cảnh thì họ cho không.
Số tiền 208 tỷ VNĐ là dự án cải tạo kênh Ba Bò (TP.HCM). Dự án này mà đi vào thực hiện thì chắc là tiền ngân sách bỏ ra tiêu hết, còn sau cải tạo nó có hết ô nhiễm hay không, các DN gây ô nhiễm có góp tiền tham gia không - ấy là hai cái chưa chắc. Hà Nội ta nên chăng rút kinh nghiệm.
Chỉ cần 10% số tiền ấy cộng với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, ta lập ra cái Hệ thống thông tin xác định nguồn ô nhiễm nước thải, chỉ rõ nguyên nhân và mức thiệt hại, để ai gây ra người ấy trả tiền xử lý thì tương lai sông hồ sạch sẽ là có thật. Thế là không vì thiếu tiền hay thiếu khôn ngoan mà Hà Nội ta chịu cảnh sông hồ ô nhiễm.
Nước nguyên sơ vốn là nước sạch. Nước ô nhiễm bởi con người cẩu thả, vô tâm làm nó hư hoại đi. Nay người Hà Nội thận trọng, chú tâm giải quyết đúng cách thì nguồn nước sạch sông hồ Hà Nội cũng chính từ đó sẽ được khơi dòng tuôn chảy.
-
Trần Huy Ánh
Vũ Đình Ánh vudinhanh@yahoo.com Đừng đổ tại cái nghèo Tôi hoàn toàn tán thành với tác giả Huy Ánh. Chúng ta cần lắm những ý kiến thiết thực và tâm huyết như vậy để cứu môi trường sống của chúng ta trước khi quá muộn. Không chỉ là gìn giữ môi trường mà còn rất nhiều vấn đề khác chúng ta có thể xử lý tốt nếu làm đúng cách và đúng trách nhiệm với nguồn lực hiện có của chúng ta chứ không phải vì thiếu tiền, vì nghèo mà chúng ta không làm được. Đến bao giờ chúng ta có một ông Ký và một cơ chế để ông Ký như trong bài cách đây hơn 1/2 thế kỷ thực thi đúng chức trách của mình? Nguyễn tiến Sỹ Tuấn Tú Sự vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý đang giết dần thể chất và trí tuệ các thế hệ người Việt chúng ta, tàn phá nghiêm trọng tài nguyên đất, nước và con người Việt Nam. Vụ việc vừa qua hàng trăm tấn sữa nhiễm độc vô tư nhập vào Việt Nam, thậm chí có cả giấy phép của Cục VSATTP, và công văn của cơ quan chức năng cho phép, một lẫn nữa nói lên sự vô trách nhiệm và tàn nhẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước về VSATTP. Lê Vũ Long Phan An Hoàng Công Vũ Văn Bính Võ Văn Dũng Được biết nơi đây cũng có công ty quản lý công viên đàng hoàng và có thu phí (trừ người dân chơi thể dục thể thao), không biết họ đã báo cáo tình hình lên cơ quan chức năng nào hay chưa, hay tự có biện pháp xử lý nào trước chăng. hatrunguk@yahoo.co.uk |
Ý kiến độc giả?