- Tại thời điểm kiểm tra ngày 26/9, đoàn thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện thành phần ghi trên bao bì một số loại sữa do Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Ngọc đóng gói không phù hợp với bảng công bố chất lượng của cơ sở. Dù nhập khẩu từ Ý và trong kho còn đến từ 3 - 4kg, nhưng không tìm thấy hạn sử dụng của phụ gia canxi cacbonate.
Không tìm thấy hạn sử dụng trên bao bì đựng phụ gia canxi cacbonate. (Ảnh: H.Cát) |
Qua khảo sát, một số nhãn sữa đang lưu hành của doanh nghiệp không phù hợp với công bố. Đó là sữa bột nguyên kem béo lạt hiệu Hoàng Ngọc, sữa bột nguyên kem béo ngọt, sữa bột không béo bổ sung canxi...
Ngoài ra, tuy trong kho còn 3 - 4 kg phụ gia canxi cacbonate, nhưng trên bao bì không có hạn sử dụng. Doanh nghiệp cũng không xuất trình cho đoàn những hóa đơn chứng từ để chứng minh loại phụ gia này còn hạn sản xuất.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện một số phụ gia như vitamin DHA, đạm, đường.... đang được lưu chứa tại kho ngay trong nhà ông Huệ, tuy không tìm thấy nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng lại không có nhãn phụ nhập khẩu bằng tiếng Việt như đường có xuất xứ từ Mỹ...
Lấy mẫu sữa Hometown Milk tại Công ty Hoàng Ngọc để kiểm nghiệm. (Ảnh: H.Cát) |
Ngoài ra, tại kho chứa hàng của Ngân hàng Đông Á (Tân Kiên - Bình Chánh), hơn 80 tấn sữa Hometown Milk - Hàn Quốc của Công ty Hoàng Ngọc được lưu chứa trong tình trạng nóng bẩn và lẫn lộn với một số mặt hàng của công ty khác như hạt nhựa.
Ông Nguyễn Đức Huệ, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Ngọc (Bình Hưng - Bình Chánh), cho biết, cơ sở của ông có hai loại sữa nhập ngoại. Một, Hometown Milk với hai sản phẩm Red Cow và Instant Milk, được nhập trực tiếp từ Hàn Quốc. Hai, Agri - Best của Úc được mua lại từ một công ty khác.
Theo ông Huệ, các loại sữa này là sản phẩm dùng ngay (instant milk hoặc là diary food) nên cơ sở ông chỉ cân chiết xuất và đóng gói trong những bao hoặc hộp nhỏ hơn từ 400g - 500g để phân phối ra thị trường, chứ không chế biến.
Ông Huệ nói rằng sản phẩm sữa của Hoàng Ngọc được phân phối ở khắp các siêu thị (ngoại trừ CoopMart) và các nhà sách trên địa bàn thành phố. Nhưng, vì tình hình khủng hoảng hiện nay, nên doanh nghiệp đã ngưng hoạt động gần 10 ngày qua. Các sản phẩm sữa thành phẩm không còn ai đặt hàng.
Công ty Việt Nam đồng loạt thử nghiệm melamine
Tại thời điểm kiểm tra, Doanh nghiệp Hoàng Ngọc đã đưa cho đoàn thanh tra của Bộ y tế một công văn được fax qua từ Hometown Milk - Hàn Quốc. Công ty Hàn Quốc này đã khẳng định sữa của công ty này không có chứa melamine. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp đã lấy hai mẫu sữa Hàn Quốc này gửi đi kiểm nghiệm ở các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Khu vực 3, đến ngày 2/10 mới có kết quả.
Cũng tương tự như vậy, Công ty TNHH Thương mại Trung Minh Thành cho biết, từ tháng 4/2008 trở về trước, công ty này là nhà nhập khẩu độc quyền cho hãng sữa Nestlé. Còn hiện nay, việc nhận và vận chuyển hàng hóa đó đã chấm dứt.
Công ty Trung Minh Thành còn nhập một số sản phẩm liên quan đến sữa như phô-mai hiệu President và Bridel của tập đoàn Lactalis - Pháp, yaourt Ernmann của Đức, Sôcôla hiệu Cho-co Rock của Hàn Quốc. Các sản phẩm này do có liên quan đến sữa, nên đã được kiểm dịch thú y và kiểm tra về vệ sinh an toàn của thực phẩm nhập khẩu.
Ông Hồ Văn Sáu, Phó Giám đốc Công ty Trung Minh Thành cho biết, tất cả các sản phẩm trên đều nhập từ châu Âu. Tuy nhiên trước thông tin về melamine trong sữa, công ty đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh Y tế Công cộng và chờ kết quả vào ngày 2/10.
Trước đó vào ngày 21/9, tập đoàn Lactalis đã gửi công văn khẳng định không một sản phẩm nào của tập đoàn có liên quan đến các sản phẩm làm tại Trung Quốc. Nguyên liệu sữa và các thành phần phụ gia khác không có liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc.
Chặn cửa "sữa độc" vào Việt Nam
Báo cáo 1021/BC-BYT của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ về việc dừng cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn đối với tất cả sản phẩm của 22 công ty sữa Trung Quốc có mẫu nhiễm melamine; phối hợp với các bộ, ngành dừng việc cho phép nhập khẩu sản phẩm của 22 công ty này và thu hồi tiêu hủy toàn bộ sản phẩm của 22 công ty này nếu đã nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Biện pháp này cũng được áp dụng với các doanh nghiệp khác có sản phẩm nhiễm melamine.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các sản phẩm, bán thành phẩm sữa khi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, các doanh nghiệp phải xuất trình phiếu kiểm nghiệm định tính không có melamine cho từng lô sản phẩm.
Theo báo cáo số 215/BC-Ttra của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM gửi Thanh tra Bộ Y tế, hiện Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra được 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và lấy 26 mẫu sữa để phân tích xét nghiệm. |
Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu đúng tình hình, tránh hội chứng tẩy chay các sản phẩm sữa đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm đối với sữa và các sản phẩm có nguyên liệu từ sữa không có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, có các biện pháp phòng chống khả năng sữa có chất melamine vận chuyển qua đường tiểu ngạch tại các đường biên giới Trung Quốc.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện nhi trên toàn quốc trong quá trình khám, chữa bệnh cần tập trung khai thác tiền sử sử dụng các sản phẩm sữa, phát hiện các bệnh nhi có dấu hiệu (nếu có) mắc các bệnh do sử dụng sữa nhiễm melamine.
-
H.Cát - L.Hà