- Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý và đối phó với vụ việc sữa có chất gây sạn thận.
WHO và UNICEF sốc vì "sữa độc" Trung Quốc
Sáng 26/9, WHO đã tổ chức họp báo, cung cấp những thông tin xung quanh vấn đề sữa nhiễm hóa chất melamine.
Tại buổi họp, TS Jean Mac Oliver, Trưởng văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình cũng như sự cảm thông với những gia đình có trẻ em bị nhiễm độc do uống sữa: “WHO và UNICEF rất kinh ngạc và lấy làm buồn trước tác động của sữa trẻ em bị nhiễm độc tố sản xuất tại Trung Quốc, nhất là khi việc gây nhiễm độc này là có chủ ý, nhằm vào trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, là những đối tượng dễ bị tổn thương”.
Kiểm tra các sản phẩm sữa Tam Lộc bị thu hồi (Ảnh: THX) |
TS Jean Mac Oliver trấn an người dân Việt Nam: “Hiện chúng tôi chưa nhận thông báo nào về trường hợp trẻ em Việt Nam bị nhiễm độc melamine. Người dân Việt Nam cũng không nên quá hoang mang bởi nếu người lớn hoặc ngay cả với trẻ em có ăn kẹo, hoặc uống sữa có chứa melamine, song với số lượng ít thì sẽ không bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng nhất vẫn là các cháu bé đang trong thời kỳ bú sữa mẹ nhưng lại được dùng các sản phẩm sữa thay thế có nhiễm melamine”.
TS Jean Mac Oliver khẳng định việc thử nghiệm các thực phẩm để tìm ra hóa chất độc hại là việc làm rất tốn kém và sẽ không thể thực hiện được ở Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung.
“Điều quan trọng bây giờ là Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) phải gia hạn các nhà nhập khẩu thực phẩm, nếu có vấn đề gì phải báo cáo để cùng xử lý" - TS Jean nói.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm giữa các nước trên thế giới. Ngay khi phát hiện ra thực phẩm một nước nào đó có vấn đề thì phải lập tức thông tin cho các quốc gia chuẩn bị nhập khẩu biết, chủ động phòng tránh, các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc tác hại của thực phẩm không tốt, không an toàn mang lại.
Dấu hiệu của trẻ nhiễm melamine
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã đưa ra những biểu hiện của trẻ nhiễm chất melamine. Trẻ em uống sữa nhiều thì lượng melamine hấp thu vào cơ thể lớn bấy nhiêu và tác hại là mắc bệnh sạn thận, sỏi thận.
Các trường hợp trẻ em ở Trung Quốc bị nhiễm độc melamine thường rơi vào độ tuổi dưới 2, chính là lứa tuổi uống nhiều sữa nhất. Với người lớn hoặc những trẻ chỉ uống ít sữa, lượng melamine hấp thu vào cơ thể nhỏ thì sẽ không gây ra tác hại.
Dấu hiệu ban đầu khi trẻ nhiễm melamine dẫn đến sỏi thận là trẻ hay khóc, đặc biệt khi đi tiểu và đôi khi có nôn. Dấu hiệu tiếp theo là đứa trẻ đó có thể đi tiểu ra máu. Lượng máu ít hay nhiều phụ thuộc vào viên sỏi, hạt sạn gây tổn thương trong đường tiết niệu như thế nào, tại thận hay ở bàng quang.
Trẻ có thể rơi vào trạng thái thiểu niệu, tức là đi tiểu ít hơn bình thường hoặc vô niệu, tức hoàn toàn không đi tiểu. Ngoài ra, cũng có thể gặp các triệu chứng như trẻ sẽ đau khi bị sờ, nắn hoặc chạm vào thận; tăng huyết áp, thậm chí là đi tiểu ra viên sạn…
Tùy thuộc vào thời gian, hàm lượng melamine đã hấp thụ vào cơ thể cũng như tình trạng bệnh, chức năng của hệ tiết liệu mà các bác sĩ điều trị sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hơp. Trong trường hợp sỏi, sạn nhỏ, trẻ có thể được sử dụng thuốc giúp đi tiểu nhiều hơn. Những sạn thận nhỏ có thể bài tiết qua đường tiết niệu. Khi sạn lớn, có thể dùng các biện pháp khác: tán sỏi, sử dụng siêu âm, thậm chí là phẫu thuật.
TS Jean Mac Oliver nói, đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Bà Majagatta, đại diện của UNICEF nhấn mạnh: “Việc tuyên truyền, cổ động cho việc nuôi con bằng sữa mẹ phải được thúc đẩy, tiến hành thực hiện như đã làm trong các chương trình phòng chống sốt rét hay các bệnh khác”.
Hiện WHO đã kết hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Trung Quốc để hỗ trợ các quy trình chẩn đoán, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi độc tố melamine trong sữa.
-
Lệ Hà