- Chiều 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm gồm đại diện Bộ Y tế, Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao đã có cuộc họp bàn về việc giám sát, xử lý các loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tiếp tục truy tìm sữa Trung Quốc tại VN
Các thành viên tham gia cuộc họp đã thống nhất, sẽ thu hồi và tiêu hủy tất cả các loại sữa đã nhập khẩu thuộc danh sách 22 công ty nhiễm melamine. Với các sản phẩm sữa có nguồn gốc Trung Quốc còn lại, yêu cầu tạm dừng kinh doanh để lấy mẫu kiểm nghiệm. Trường hợp nhiễm melamine cũng sẽ bị tiêu hủy.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, bắt đầu ngừng phân phối, lưu thông và sử dụng tất cả các sản phẩm liên quan đến sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc để kiểm tra chất lượng. Nếu phát hiện thấy chất melamine, sẽ bị thu hồi và tiêu hủy toàn bộ. Nếu không có hóa chất độc hại trên sẽ được cho lưu thông trở lại.
Đoàn kiểm tra đang kiểm tra sữa tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội. Ảnh: Ng. Đức |
Ông Cao Minh Quang cũng khẳng định, trên thị trường Việt Nam, chắc chắn không chỉ có 11 loại sữa nhập từ Trung Quốc. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đang tiếp tục kiểm tra để xác định thêm các sản phẩm sữa xuất xứ từ Trung Quốc.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm sữa ở các quốc gia, để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng tại Việt Nam nếu có những sản phẩm không an toàn.
Trước tình hình sữa độc đang tràn lan trên thị trường, ngày 24/9, Bộ Y tế cho biết, sữa, nguyên liệu sữa nhập khẩu vào Việt Nam phải kèm giấy kiểm nghiệm không nhiễm melamine.
Trước mắt, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phải trình được phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. Cụ thể, thay vì chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đến nộp hồ sơ, ký giấy phép cho lưu hành, Cục phải có khả năng thẩm định những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm công bố.
Theo đó, nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm liên quan đến sữa nếu nhập vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải xuất trình được giấy chứng nhận không có chất melamine mới được phân phối và lưu thông. Trong trường hợp nghi ngờ một sản phẩm nào đó, Cục phải có ý kiến yêu cầu doanh nghiệp đưa đi xét nghiệm các tiêu chí công bố tại hệ thống kiểm nghiệm được công nhận của Bộ Y tế, Công thương, Cục Bảo vệ thực vật...
Đối với thực phẩm, phải có những nhóm thẩm định về nguyên liệu, cách thức bào chế, độc tính với mức độ nghiêm ngặt tương đương với dược phẩm.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong trường hợp chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường và hồ sơ công bố không thống nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng thì doanh nghiệp có thể bị rút phép lưu hành sản phẩm, rút giấy phép kinh doanh từ 6 - 12 tháng.
Hà Nội: Lại phát hiện bột sữa nguồn gốc Trung Quốc
Ngày 24/9, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hà Nội milk). Theo một nguồn tin thì đầu năm 2008, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội đã nhập 375 tấn sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng.
Về việc này, đại diện công ty này giải trình, công ty có nhập 375 tấn nguyên liệu sữa Full cream milk powder của 3 nhà sản xuất của Trung Quốc nhưng không hề đưa số nguyên liệu sữa trên vào sản xuất các mặt hàng của công ty. Theo giải trình, công ty nhập nguồn nguyên liệu sữa trên với mục đích thương mại, nghĩa là nhập về để bán cho các cơ sở có nhu cầu.
Theo các hóa đơn, chứng từ hợp lệ mà công ty trình với đoàn kiểm tra, hiện tại, công ty đã bán cho Công ty CP hóa chất Á Châu Hà Nội 25 tấn và Công ty CP hóa chất Á Châu TP. HCM 70 tấn nguyên liệu sữa trên, có đầy đủ hóa đơn xuất hàng.
Qua kiểm tra tại kho nguyên liệu của công ty này, đoàn kiểm tra đã kiểm tra 3 lô nguyên liệu sữa Full cream milk powder. Trừ đi số hàng đã xuất, tổng số sản phẩm nguyên liệu sữa có nguồn gốc Trung Quốc này còn tồn trong kho là 280 tấn, trong đó có 100 tấn nguyên liệu sữa của hãng LONGCOM ENTERPRISE PID đã cận hết hạn sử dụng (sản xuất tháng 10/2007, hạn sử dụng đến tháng 9/2008).
Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu của 3 lô nguyên liệu sữa trên gửi về Viện Dinh dưỡng để kiểm nghiệm. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội giữ nguyên trạng 280 tấn nguyên liệu sữa bột có xuất xứ từ Trung Quốc, không được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường.
-
Lệ Hà