221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1108674
Vedan "tinh vi" hay cơ quan chức năng bị "che mắt"?
1
Article
null
Vedan 'tinh vi' hay cơ quan chức năng bị 'che mắt'?
,

- Tại buổi họp báo sáng 17/9, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, trước đây ông đã 5 lần đi thị sát dòng sông Thị Vải. Ngay từ năm 2005, Bộ trưởng Nguyên đã tiên liệu năm 2050 dòng sông này sẽ bị "khai tử". Vậy là 14 năm qua, sông Thị Vải không "âm thầm" chết, bởi những người có thẩm quyền đều nắm rõ thực trạng, nhưng không hiểu sao vẫn phải "bó tay"?

Thanh tra "bó tay" vì thủ đoạn tinh vi của Vedan?

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên nói: "Bản thân tôi đã đi khảo sát 5 lần dọc sông Thị Vải mà không cho địa phương biết và thấy bức xúc từ năm 2005. Tôi từng tiên liệu đến năm 2050 toàn bộ dòng sông Thị Vải sẽ bị khai tử. Tôi đã dự báo vậy, tuy nhiên, ngày dòng sông này chết có thể còn sớm hơn dự báo".

"Vedan đã gian lận. Tôi cho đây là hành vi lừa đảo, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Nhưng sai phạm này quá tinh vi, bình thường khó có thể phát hiện được" - Bộ trưởng Nguyên thừa nhận.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết, trong những lần khảo sát, dù biết mập mờ việc Công ty Vedan có vi phạm về môi trường nhưng cũng đành "bó tay", bởi Vedan đã quá tinh vi khi thực hiện hành vi của mình. Hơn nữa theo quy định, trước khi tiến hành thanh tra, cơ quan chức năng đều phải báo trước cho đơn vị bị thanh tra biết trước. Chính vì vậy, mỗi lần đến kiểm tra thì đều thấy không có vấn đề gì.

Lâm Mậu Phủ - người vận hành chính hệ thống xả của Vedan. 
Ảnh: nguồn Cục CSMT

Cách đây 6 tháng, Bộ TN&MT đã bàn với Cục Cảnh sát môi trường để tiến hành điều tra một cách bài bản. Và sau 6 tháng tiến hành điều tra, bộ mặt thật của "ông lớn" Vedan đã bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Bộ trưởng cho biết, nếu đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự thì Bộ TN & MT sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng điều tra và truy tố theo quy định của pháp luật đối.

Trả lời câu hỏi tại sao suốt hơn mười năm trời, Vedan đã vi phạm nghiêm trọng môi trường như vậy mà không hề bị đưa ra ánh sáng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trước năm 2005, các công cụ pháp lý của Nhà nước chưa được đầy đủ và cũng chưa đủ mạnh. Sau năm 2005, đã có đủ công cụ pháp lý để xử lý các vi phạm của Vedan một cách triệt để.

"Trước khi bị đưa ra ánh sáng, Vedan cũng đã có những hành động đánh lừa cơ quan quản lý để trốn tránh trách nhiệm kinh tế nhiều nghìn tỷ đồng", Thứ trưởng nhận định.

Bỏ 15 tỷ ra "đền" để rồi liên tiếp tái phạm

Trong số các công ty nước ngoài đầu tư vào VN, so về quy mô và số vốn đầu tư vào VN, Vedan xếp vào hàng "ông lớn". Tuy nhiên mới đây "ông lớn" Vedan đã bị cơ quan chức năng cáo buộc vì đã tích cực góp phần "giết chết" sông Thị Vải với thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

Kết quả quan trắc qua các năm cho thấy mức độ ô nhiễm nước sông Thị Vải ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do các chất hữu cơ. Đoạn sông bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài 10km từ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu với nồng độ DO nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 mg/lít, thậm chí có đoạn DO rất nhỏ không đảm bảo sự phát triển bình thường của thủy sinh vật.

Bộ TN&MT tổ chức họp báo thông báo việc xử lý vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường đối với "ông lớn" Vedan.

Nguyên nhân chủ yếu của sự ô nhiễm môi trường được cơ quan chức năng "vạch ra" là do nước thải công nghiệp của Công ty Vedan (trên 5.5159 m3 nước thải/ ngày; khoảng 44.800m3 dịch thải sau lên men/tháng).

Năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức, Vedan đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, Vedan đã đồng ý đền bù với danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP.HCM số tiền 15 tỷ đồng.

Năm 2005, Bộ TNMT đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với Vedan và xác định công ty này đã vi phạm các hành vi thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên. Và Vedan đã bị xử phạt 9 triệu đồng.

Năm 2007, Sở TNMT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải. Kết quả, Vedan đã không thực hiện quy định này.

Tính đến ngày 15/9, Đoàn kiểm tra đã có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn và pháp lý khẳng định bước đầu khối lượng dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải là 44.800 m3/ tháng. Khối lượng này chưa bao gồm lượng thải chưa qua các hệ thống xử lý nước thải của Công ty (khoảng 5.159 m3/ngày).

Việc xả dịch thải lỏng của Vedan đã trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hàng chục tỷ đồng- theo quy định tại Nghị định số 67/2003/NĐ- CP.

Vì sao hơn 10 năm mới "vạch mặt" được Vedan?

Ông Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục CSMT, Bộ Công an cũng lý giải cho việc phải mất hơn 10 năm mới có thể làm rõ được hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng của Vedan là do cách thức của Vedan được thực hiện cực kỳ tinh vi. Do vậy, để làm rõ được sai phạm này của Vedan, cơ quan công an đã phải gặp phải nhiều khó khăn và phải rất bền bỉ.

Ông Thảo cho biết, cuối năm 2007 ông đã vào khảo sát tại Công ty Vedan. Khi đó nhìn vào hệ thống xử lý chất thải của Vedan ông đã thấy "hoa cả mắt". Thế nên các đoàn thanh tra, kiểm tra nếu chỉ bằng mắt thường thì rất khó có thể phát hiện. "Bằng nghiệp vụ của công an, mà phải mất 6 tháng chúng tôi mới làm rõ được mọi thủ đoạn tinh vi của Vedan", ông Thảo nói.

Ông Lương Minh Thảo trao đổi về quá trình vất vả để "vạch mặt" ông lớn Vedan.

Để che mắt cơ quan chức năng, thậm chí Vedan đã dùng cả thủ đoạn ngụy trang rất tinh vi. Vedan giao nhiệm vụ điều hành các van cho 8 người thì chỉ có 3 người Đài Loan là được phép trực tiếp điều hành, còn 5 người Việt thì không được trực tiếp làm những công việc đó. "Khi được công an yêu cầu giải thích các thiết kế kỹ thuật của các đường xả chất thải, phía Vedan đã tìm cách lẩn tránh và cho đến nay họ vẫn chưa hề cung cấp tài liệu đó", ông Thảo cho biết.

Đến ngày thứ ba, khi yêu cơ quan công an yêu cầu mở hết các van xả chất thải thì Vedan lại viện cớ mất điện và không chịu đưa người vận hành chính ra. Phải dùng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an mới yêu cầu được người vận hành chính là Lâm Mậu Phủ ra mở hết các van để kiểm tra. Tại cơ quan công an, sau hơn 13 tiếng đồng hồ, Lâm Mậu Phủ mới chịu khai nhận việc Vedan thường xuyên xả chất thải gây hại môi trường và khẳng định Ban giám đốc có biết việc này.

"Đến ngày 19/9 sẽ có kết luận Thanh tra, trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý tiếp theo. Cũng trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem có xử lý hình sự vụ việc này hay không", ông Thảo cho hay.

Sông Thị Vải với chiều dài gần 80 km chảy qua TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là dòng sông mang nguồn nước mặn, lợ với với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng. Mỗi ngày dòng sông phải hứng chịu khoảng 24.500m3 nước thải từ các nhà máy xí nghiệp trực tiếp xả thẳng ra sông.

  • Tuyết Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;