221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1103840
Đi xuất khẩu lao động về, chán ruộng chán cả... chồng
1
Article
null
Đi xuất khẩu lao động về, chán ruộng chán cả... chồng
,

 - Lợi nhuận kinh tế là cái “được” không phải bàn cãi ở mỗi gia đình có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhưng, cái “mất” đối với họ - những người phụ nữ dứt áo ra đi để làm kinh tế cũng không phải ít.

 

Nông dân đi XKLĐ về chán… ruộng!

Nhiều phụ nữ khi trở về không muốn trở lại với đồng ruộng, nên lại xin đi XKLĐ tiếp. 
Ảnh minh hoạ từ internet.
Tính từ năm 2002 lại đây, Thái Bình mỗi năm đưa được khoảng gần 3 nghìn người đi XKLĐ, và cho đến trước năm 2010 tỉnh vẫn sẽ giữ nguyên mục tiêu này. 

Nguồn lợi về kinh tế của XKLĐ đã được khẳng định, trung bình mỗi năm những người đi lao động nước ngoài gửi về quê nhà được khoảng 15 triệu USD.

 

Một lãnh đạo UBND xã Đông Tân cho hay: "Trước đây, Đông Tân là xã nghèo, nhưng từ ngày người nông dân trong xã đi XKLĐ thì hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn hơn 11%. 

Phần lớn người đi XKLĐ trả được hết nợ ngân hàng sau khi đi một năm, thậm chí có nhiều người làm tốt, gặp công việc thuận lợi đã trả hết nợ ngay trong vòng 3-6 tháng đầu tiên".

 

Có tới 84% số lao động Thái Bình trước khi XKLĐ là làm nghề nông, ngoài ra họ làm thủ công nghiệp hay công nhân. Thị trường lớn nhất hút lực lượng lao động của tỉnh này chính là Đài Loan (chiếm đến phân nửa với nghề giúp việc gia đình), tiếp theo sau là Malaysia, Hàn Quốc…Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ nhỏ lao động sang làm việc tại Trung Đông.

 

Có một thực tế là sau khi đi XKLĐ trở về, nhiều người đã không muốn trở lại với đồng ruộng, họ muốn thoát ly nông nghiệp, đơn giản nhất là xin đi XKLĐ tiếp.

“Có hơn 80% phụ nữ đi XKLĐ trở về muốn đi tiếp lần 2, lần 3 vì họ nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế hơn hẳn lao động ở quê nhà“ - Ban chỉ đạo XKLĐ xã Đông Tân đã nhận xét như thế.

 

Các ông xã thường “đánh bắt xa bờ”?

 

Trong khoảng gần 1 năm (từ giữa năm 2007 đến nay), tổ chức Health Bridge (Canađa) và Trung tâm nghiên cứu phụ nữ hiện đã tiến hành nghiên cứu về tác động của XKLĐ đến cuộc sống các gia đình tại tỉnh Thái Bình. 

Địa bàn cụ thể gồm hai xã miền biển Vũ Lăng, Đông Phong (huyện Tiền Hải); hai xã vùng nông thôn, đồng bằng Đông Tân, Hồng Châu (huyện Đông Hưng) và phường Vũ Chính (TP.Thái Bình).


Khi gia đình có một người đi XKLĐ thì người ở nhà thường thu hẹp sản xuất và bắt đầu…lo. Lo đủ thứ. Nhiều nhất là liệu tai nạn lao động có xảy ra với người thân hay không, tiếp đến là lo “mắc bệnh nghề nghiệp” và đứng hàng thứ 3 là chuyện “léng phéng” bên ngoài. 

Nỗi lo này, qua khảo sát của hai tổ chức trên cho thấy, nó còn lớn hơn cả việc mắc HIV/AIDS, mua bán dâm, sử dụng ma túy hay cờ bạc, rượu chè.

 

Chuyện tình dục dường như nổi cộm hơn với các ông chồng, bất kể trong vai người ở nhà hay người đi XKLĐ. “Nếu hỏi mười ông thì bốn ông không muốn cho vợ đi XKLĐ và hết chín ông rượu chè, cờ bạc hoặc gái mú” - một nam giới giấu tên ở xã Đông Tân (huyện Đông Hưng) có vợ đi XKLĐ nói.

 

Vẫn theo tổ chức Health Bridge và Trung tâm nghiên cứu phụ nữ, cũng tại một buổi thảo luận ở xã Đông Tân, một nhóm ông chồng đã nói: “Nhìn chung khi vợ đi vắng thì chúng tôi cũng phải kiếm chỗ an toàn để “đi”, khi quan hệ thì phải dùng bao cao su để tránh lây bệnh và có con; cũng có trường hợp cặp bồ thì không dùng bao cao su”.

 

Nhóm ông chồng khác ở xã Đông Phong (huyện Tiền Hải) còn sôi nổi hơn: “Mình “đi” mà để gia đình, vợ con vẫn êm ấm thì cũng chả sao. Trước khi đi vợ dặn dò mọi chuyện phải “cẩn thận” là hàm ý cả chuyện kia, gọi là hạn chế chồng, chứ mình có nói không có chuyện đó thì vợ cũng chả tin”. 

Các ông chồng thường dùng cụm từ “đánh bắt xa bờ” để ám chỉ các “cuộc vui” vụng trộm này khi thực hiện ở ngoài xã, ở trên Thành phố Thái Bình, nhằm tránh bị người quen phát hiện, “lời ong tiếng ve” khi vợ XKLĐ trở về.

 

Các ông chồng đã thế, nhưng một số người vợ đi XKLĐ xa nhà cũng không chịu kém: “Sống trong các khu công nghiệp may mặc, nhiều phụ nữ rất phức tạp, ghen tuông gây lộn với nhau. Sang bên đấy, nói thật, tôi cũng có... gái theo vì lương nhà máy thấp, họ theo mình để còn được bao tiền ăn uống, sinh hoạt, đi lại” - thổ lộ của một nam giới 36 tuổi, chuẩn bị đi XKLĐ lần hai tại Đài Loan được ghi lại.

 

Ngoài chuyện “đánh bắt xa bờ, gần bờ” còn một số hệ lụy khác của việc đi XKLĐ được chỉ ra: "Tâm lý mặc cảm của người ở nhà khi người đi XKLĐ kiếm được nhiều tiền hơn; một số ông chồng ở nhà đã phung phí hết số tiền vợ gửi về vào lô đề, cờ bạc khiến nghèo vẫn hoàn nghèo. XKLĐ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Rất nhiều con trẻ do thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ hoặc bố đã rơi vào tình trạng bỏ học, chơi bời, đua đòi".
 
XKLĐ vẫn là con đường xoá đói giảm nghèo cho nhiều nông dân, nhưng rõ ràng, nếu không biết chi tiêu đồng tiền một cách hợp lý do người đi làm nơi phương xa gửi về, thì tay trắng lại hoàn trắng tay với nhiều nông dân...

 

  • Đỗ Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;