221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1104684
Đường còn gập ghềnh nhưng ngày mai em sẽ đến trường
1
Article
null
Đường còn gập ghềnh nhưng ngày mai em sẽ đến trường
,

 - Cũng như bao mùa khai trường trước, năm nay, ba anh em Đậm, Mỹ Anh và Mỹ Em vẫn tin rằng mình không thể đến trường như chúng bạn. Thế nhưng, chỉ trong phút chốc, điều không thể đó đã trở thành có thể. Bởi chỉ sáng mai đây, lần đầu tiên trong đời, các em sẽ bước những bước chân đầu tiên vào trường học.

Đoạn trường đi tìm con chữ

TIN LIÊN QUAN
Chỉ còn cách ngày khai trường vài hôm, mẹ của 3 em Phan Văn Đậm, Phan Văn Mỹ Anh và Phan Văn Mỹ Em lại phải nằm viện vì quá suy nhược trong khi đơn xin nhập học của các em vẫn còn vướng lại bởi cái giấy khai sinh. Được tin, sáng 5/9, phóng viên VietNamNet đã về tận xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, bắt đầu một hành trình đi tìm con chữ cho các em được đến trường.

Tại Trường Tiểu học Thới Thạnh, bà Nguyễn Thị Bích Hà, hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường rất chia sẻ  với hoàn cảnh của ba anh em và có thể tiếp nhận, tạo điều kiện để các em được đi học. Song, trong địa bàn của xã có 3 trường tiểu học, nhưng khu vực các em này tạm trú lại không thuộc địa bàn do nhà trường tiếp nhận.

Những ánh mắt buồn vì không có ngày khai trường.  Ảnh: K.Toàn

PV lại phải lần tìm đến Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, nơi được cho là có trách nhiệm hỗ trợ tiếp nhận các em. Tuy nhiên, tại đây, ông Trần Vũ Hải, hiệu trưởng nhà trường, sau khi nghe hoàn cảnh của các em, cho biết hiện nay, nhà trường rất khó tiếp nhận các em này. Nguyên nhân không nằm ở tấm giấy khai sinh mà là ở tuổi tác.

Theo ông Hải, do các em Đậm (13 tuổi), Mỹ Anh (12 tuổi) đã quá lớn tuổi so với các em học sinh lớp 1. Do vậy, ông Hải e rằng sự khác biệt về tâm, sinh lý lứa tuổi sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác dạy học và quản lý khi nhập các em vào học với các bé lớp 1 phổ thông. Trong khi đó, cơ chế lớp học phổ cập giáo dục đã được xóa bỏ từ lâu.

Để hiến kế cho các em có thể đến trường, thầy Hải đề nghị chúng tôi tập hợp khoảng chục em có hoàn cảnh tương tự, liên hệ UBND xã để tổ chức lớp. Nếu được, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám sẽ cho mượn địa điểm học vào buổi tối và hỗ trợ tập vở... Song, với sáng kiến này, e rằng con đường đến trường của các em, vốn đã gập ghềnh do nghèo túng, lại càng gập ghềnh hơn...

Nuôi hy vọng có thể tìm được một mái trường cho các em, giữa trưa, chúng tôi lại lặn lội tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Ớ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Danh, trường tiểu học cuối cùng trong xã. Sau khi nghe về hoàn cảnh của ba anh em Đậm, Mỹ Anh và Mỹ Em, cô Ớ xúc động cho biết, các em hoàn toàn có thể nhập học ngay sáng 6/9, dù rằng trên thực tế, các lớp đã bắt đầu học cách đây hai tuần.

Ngay trong hôm nay, cô Ớ đã nhờ các giáo viên trong trường mua cặp và dụng cụ học tập cho các em bằng chính số tiền 1,5 triệu đồng VietNamNet gửi lại nhà trường để chung tay tiếp sức cho cuộc hành trình tìm con chữ của các em.

"Con mơ hả mẹ?"

Xúng xính trong bộ quần áo mới, tay hết mân mê chồng tập vở lại ve vuốt bộ đồ mới, ngắm nhìn đôi giày mới - những thứ mà cách đó vài tiếng, các em không dám tin là mình có thể có được bao giờ.

Không biểu hiện sự hân hoan rõ nét bởi những đứa trẻ chưa một lần đến trường rụt rè giấu kín những nghĩ suy, những mơ ước riêng tư. Song, ai cũng có thể đọc được niềm hân hoan của các em với hạnh phúc được đến trường chỉ sau một câu hỏi của Mỹ Anh: "Có phải con đang mơ không mẹ?".

Như để chắc chắn mình không nghe nhầm, cậu đã phải gặng hỏi mẹ nhiều lần để có thể yên tâm tận hưởng niềm vui trọn vẹn bất ngờ này.

Câu hỏi đã làm những người có mặt phải lặng đi vì xúc động.

Ba anh em hân hoan với quần áo mới. Ảnh: Hà Dịu

 Chị Điệp, mẹ của ba em nhỏ, vừa trở về từ bệnh viện cho biết, khi ngày khai trường đã cận kề, các con chị liên tục nài nỉ, xin mẹ cho đi học. Song, chẳng may, đúng vào những ngày đó, sức khỏe của chị ngày một kém dần do suy nhược nặng và phải nhập viện để cấp cứu.

Chuyện học của các em coi như gác lại, như nó đã từng bị gác lại hơn chục mùa khai trường đã qua. Sáng nay, khi hàng triệu trẻ em trên cả nước nô nức với mùa tựu trường mới, trong căn nhà tuềnh toàng tạm bợ của mình, ba đứa trẻ lại ngồi co ro, đau đáu khát khao từng con chữ, đau đáu mơ một lần được cắp sách đến trường...

Như một điều kỳ diệu, trong phút chốc, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, song điều kỳ diệu ấy không đến từ một phép lạ nhiệm màu như cổ tích, nó xuất phát từ tình người sâu đậm, những tấm lòng của bạn đọc và CB,PV,NV Báo Vietnamnet.

Chị Điệp cho biết, Đậm và Mỹ Anh đã biết đánh vần võ vẽ nhờ đã được ông ngoại dạy cho một năm. Do vậy, bất cứ khi nào có thể, bọn trẻ lại quên ăn, quên ngủ mượn sách của các bạn hàng xóm về tập đọc.  Biết các con ham học nhưng vì gia cảnh quá khó khăn, để con đói chữ, tấm lòng người mẹ đã bao lần phải nuốt nước mắt vào trong. "Thành ra, lần này, có khó khăn gì cũng phải cố mà cho nó đi học đàng hoàng", chị Điệp khẳng định trong niềm xúc động. 

Không còn là giấc mơ... Ảnh: K.Toàn

Không còn là giấc mơ, ngày mai đây, các em sẽ được đến lớp, sẽ lại được làm quen với bảng đen phấn trắng và thầy cô, bạn bè thân thương, được sống đúng với tuổi thơ hồn nhiên của mình mà không phải nghĩ suy về cuộc mưu sinh đã sớm mang nặng suốt chặng đường dài của tuổi thơ khó nhọc...

Sáng 5/9, PV báo VietNamNet đã trao 1,5 triệu đồng cho Trường Tiểu học Trần Văn Danh, nơi tiếp nhận 3 anh em Phan Văn Đậm, Phan Văn Mỹ Anh, Phan Văn Mỹ Em vào học để nhà trường trang trải các chi phí đầu năm học cho các em.

Ngoài ra, báo còn trao tặng quần áo, tập vở để các em có thể sẵn sàng cho ngày đi học đầu tiên vào 6/9. Tổng số tiền hỗ trợ trị giá 3 triệu đồng, do tập thể CBCNV tại Tòa soạn báo VietNamNet phía Nam ủng hộ.

  • Kim Toàn - Hà Dịu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,