221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1102332
Nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm được cảnh báo trước... 5 năm!
1
Article
null
Nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm được cảnh báo trước... 5 năm!
,

 - Mấy tháng lại đây, dư luận mới hốt hoảng khi nghe thông tin từ một bản báo cáo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thông báo cả 4 đốt hầm dìm cầu Thủ Thiêm đều xuất hiện nhiều vết nứt trên tường hầm và bản nắp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sự cố này đã được cảnh báo từ cách đây... 5 năm từ chính các chuyên gia của Bộ Xây dựng! 


Mọi chỉ số đều vượt giới hạn an toàn!

 

 Chúng tôi đang có trong tay bộ tài liệu của Viện Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng (bản tiếng Anh) về xử lý bể đúc hầm dìm Thủ Thiêm, trong đó đưa ra đầy đủ các luận cứ khoa học chứng minh với cách làm như phía nhà thầu đưa ra, chắc chắn công trình sẽ bị lún nứt. Bộ tài liệu với dự báo này đã được đưa ra cách đây 5 năm.

Khi đó, các chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng khẳng định: khu vực bể đúc hầm dìm Thủ Thiêm là một khu đất có tính chất yếu do: lớp phủ bề mặt chỉ dày 0,5m; tiếp đến là lớp bùn hữu cơ màu xám, xám xanh mềm đến rất mềm dày khoảng 16,5-17,5m.

Vị trí hầm dìm dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: tư liệu

Khi xây dựng bể đúc hầm dìm, đơn vị thi công đã bốc dỡ đi 11,5m bùn này. Như vậy, theo tính toán, lớp bùn mềm đến rất mềm còn lại dày khoảng 5-6m.

 Đây chính là lớp đất gây bất lợi cho công trình, nếu không xử lý hoặc có giải pháp đúng đắn sẽ gây rủi ro cho việc thi công đúc hầm dìm - đó là nội dung đã từng được các chuyên gia của Bộ Xây dựng khuyến cáo.

 

Đồng thời, do tính chất của nền đất tại khu vực bể đúc hầm dìm không an toàn nên việc kiểm tra ổ định cường độ của nền là rất quan trọng. Tính toán của tài liệu này cho thấy, với tải trọng tác động đến nền lên tới 90,8Kpa thì hệ số an toàn cho kết quả: không thỏa mãn điều kiện bảo đảm ổn định về mặt cường độ của nền.

 

Thi công phần đáy của hầm dìm. Ảnh: T.Duy

Các chuyên gia cho rằng, thông thường, khi nền đất không đảm bảo ổn định theo điều kiện cường độ thì không cần thiết tiến hành tiếp công việc tính toán kiểm tra ổn định nền do lún. Khi không thoả mãn điều kiện ổn định cường độ nền đất, trạng thái ứng suất biến dạng trong nền đất đã chuyển sang trạng thái chảy dẻo. Lúc này, không còn giải pháp nào hợp lý hơn là thay đổi phương án móng đã chọn bằng đóng cừ, ép cọc bê tông..., bảo đảm cho móng bền vững, tránh lún khi thi công.

Viện Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng đã tính toán độ lún nền đất dưới tác động của trọng lượng bản thân hầm dìm. Các chỉ số có được sau tính toán đều quá giới hạn cho phép, và nằm trong đoạn giới hạn có xác suất xảy ra sự cố là cao. Điều này có nghĩa là các đốt hầm có nguy cơ bị hư hỏng.

Để đánh giá kết quả tính toán của nhà thầu Obeyashi trên một phương pháp tính, công việc tính toán lún và nội lực của đốt hầm dìm cũng đã được Viện Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng tiến hành với 12 bài toán được đặt ra cho việc tính toán này. Và kết quả của cả 12 bài toán này đều cho đáp số trùng nhau: độ lún nền đất dưới tác động của trọng lượng hầm dìm vượt quá giới hạn cho phép, có thể gây ra các vết nứt trầm trọng!

 

"Đáp án" của nhà thầu và chuyên gia quá khác nhau

 

"Bản thân phương pháp luôn đúng, chỉ có cách áp dụng là có thể sai!" - đó là nhận xét của một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành xây dựng Việt Nam về sự cố của hầm cầu Thủ Thiêm.

 

Khi thi công đúc các đốt hầm dìm Thủ Thiêm, nhà thầu Obayashi đã lựa chọn áp dụng hiệu ứng móng nổi. Đây có thể nói là một phương án giúp giảm đáng kể giá thành công trình, bởi nếu áp dụng giải pháp trực tiếp xử lý lớp bùn dày hơn 5m sẽ rất tốn kém.

Có thể hiểu nôm na về kỹ thuật móng nổi mà nhà thầu đã áp dụng tại công trình này là: khi tải trọng của công trình xấp xỉ trọng lượng khối đất được bóc đi, nền móng công trình không đòi hỏi phải có những xử lý đặc biệt. Đồng thời, diện tích móng cũng phải vừa bằng diện tích bề mặt phần đất được bóc đi.

Mỗi đốt hầm dìm Thủ Thiêm có tỷ trọng bằng ngôi nhà 8 tầng. Tải trọng của đốt hầm dìm này sẽ xấp xỉ trọng lượng khối đất được bóc đi - nếu áp dụng theo kỹ thuật móng nổi. Ảnh: SGTT

Tức là, khi áp dụng kỹ thuật móng nổi, phần đất xung quanh móng bắt buộc phải được lấp đầy, tránh các trường hợp lún lệch, lún vồng hoặc bị trượt đổ. Tuy vậy, trong khi thi công đúc các đốt hầm dìm Thủ Thiêm, phần đất xung quanh đã được bóc hết với độ sâu 11,5m và rất rộng về diện tích, nhưng lại chỉ gia cố lớp đất mỏng trên bề mặt của diện tích có đốt hầm.

 

Được biết, để làm cứng phần nền đất của bể đúc hầm dìm, nhà thầu đã sử dụng phương án: trộn xi măng với lớp bùn có sẵn đổ lên bề mặt với độ dày khoảng 2m (?). Tuy nhiên, công việc này chỉ được thực hiện tại nơi có công trình đúc, còn xung quanh thì không!

 

Theo tính toán của nhà thầu, độ lún tại công trình đúc 4 đốt hầm dìm chỉ là 17mm. Nhưng thực tế, với điều kiện địa chất như vậy và với kết quả tính toán tỷ trọng trung bình mỗi đốt hầm dìm bằng tỷ trọng một ngôi nhà 8 tầng thông thường (tỷ trọng mỗi đốt là 90,5 kN/m2), thì "đáp số 17mm" của nhà thầu có vẻ quá xa so với độ lún thực tế.

   

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước: Nhà thầu Obayashi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, tiến độ theo điều khoản hợp đồng kể cả việc chi phí cho sửa chữa, cho tư vấn và tư vấn độc lập để công trình đạt chất lượng thiết kế trước khi nghiệm thu.
Trong Báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng cũng đã đưa các nguyên nhân chính dẫn đến sự khác nhau trong kết quả tính toán giữa Viện và nhà thầu khi thực hiện cùng một phương pháp.

 

Các chuyên gia của Viện đã nhận định, sở dĩ tính toán của hai bên khác biệt nhau do phương án của nhà thầu Obayashi có một số rủi ro mà đơn vị thi công này chưa tính đến. Đó là, độ lún dự kiến và tỷ số lún nghiêng của công trình cao đến nỗi có thể từ đó xuất hiện các vết nứt, gây hư hỏng các đốt hầm trước khi chúng có thể được đặt vào vị trí làm việc. 

 

Chưa biết những cảnh báo từ 5 năm trước đây của các chuyên gia Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đúng sai như thế nào, nhưng thực tế thì với phương án hiệu ứng móng nổi - đi ngược lại với tư vấn của chuyên gia trên, công trình hầm cầu Thủ Thiêm đang gặp trở ngại do từ tháng 7/2007, cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện những vết nứt dài, chằng chịt - đúng như "đáp án" đưa ra của Viện.


Lời cảnh báo "đen đủi" khi đó có lẽ đã làm nhiều người mất vui mà thiếu quan tâm, nhưng rõ ràng, với những vết nứt đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các đốt hầm cầu mà xem ra không dễ dàng xử lý, nhiều người lại đang lo ngại về tính khả thi chung của cả dự án trọng điểm quốc gia - dự án đại lộ Đông Tây.

  • Kỳ Nhân
     
     Bài sau: Cảnh báo thì "chìm nghỉm", hầm dìm lại khó "dìm"?
    Bạn đánh giá thể nào về sự cố nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,