221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1101570
Bài 3: Giữa chốn phồn hoa mơ tiếng trống trường
1
Article
null
Gập ghềnh đường đến trường:
Bài 3: Giữa chốn phồn hoa mơ tiếng trống trường
,

 -  13 tuổi nhưng cậu bé Phan Văn Đậm (Ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chưa một ngày được cắp sách tới trường. Các em của Đậm là Phan Văn Mỹ Anh (12 tuổi), Phan Văn Mỹ Em (8 tuổi) những ngày này cũng chỉ ngậm ngùi đứng ngoài cổng trường nhìn theo các bạn đồng trang lứa xúng xính đồng phục.

Chưa một lần biết đến ngày khai giảng

Từ An Giang, Đậm theo cha mẹ lên TP.HCM khi em mới 7 tuổi. Cuộc sống gia đình khó khăn, em không được đến trường mà phải đi bán vé số kiếm tiền cho mẹ mua gạo. Đậm cho biết, hàng ngày đi bán ngang qua cổng trường, em vẫn tin rằng đến một ngày bố mẹ sẽ có đủ tiền cho em vào trường học cùng các bạn.

Ngọc Hương đang nắn nót những nét chữ mình còn nhớ được. Ảnh Kim Toàn

Giống như anh trai, Phan Văn Mỹ Anh cũng chỉ có ao ước ấy. Mỹ Anh kể, hồi trước, khi ông ngoại còn khỏe, thỉnh thoảng vẫn lên Sài Gòn dạy chữ cho các cháu. Nhưng sau đó ông ngoại già quá, không lên được nên giờ chữ duy nhất mà em còn viết được là tên của mình.

Trên cánh cửa nhà, Mỹ Anh đã nắn nót viết tên mình lên đó và em đã viết lại cho chúng tôi xem với một sự thích thú, đủ biết em say mê con chữ thế nào.

Nguyễn Thị Ngọc Hương (Quận 8, TP.HCM) đã 10 tuổi rồi nhưng cũng chưa vào lớp 1. Ba bỏ đi, mẹ làm thuê mãi tận Long Thành - Đồng Nai, Hương sống với ông ngoại trong căn nhà tạm chật chội ven kênh Tàu Hủ. Không đến trường, Hương được ông ngoại cho đi học chữ ở một cô giáo trong xóm với học phí là 2.000đ/ buổi. Nhưng chẳng được bao lâu em phải nghỉ vì cô giáo không dạy nữa.

Ông ngoại của Hương kể, hàng ngày, em vẫn lẽo đẽo theo chân các bạn cùng xóm đến trường, nhưng khi các bạn vào lớp thì chỉ còn mình Hương loanh quanh trước cổng trường, mắt đăm đắm nhìn vào các ô cửa số của lớp học.

Sống trong bãi rác, những đứa trẻ này không hề biết đến trường học, sách vở. Ảnh: Hà Dịu 

Khi hỏi em còn nhớ được chữ nào khi đi học ở nhà cô giáo không, Hương gật đầu rồi bặm môi hí hoáy viết từng chữ. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi em chìa cho xem tờ giấy với những nét chữ nguệch ngoạc: Học là điều tốt đẹp đối với em. Em thích được đi học.

Tại  bãi nilon, một điểm tập kết rác tái chế tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM, bên cạnh những lao động làm việc là một vài đứa trẻ da đen sạm, tóc hoe nắng đang đùa nghịch một cách hồn nhiên. Các em tầm 7 - 8 tuổi, là người Khơme, theo mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Ở trong bãi rác từ nhỏ, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, có em còn không biết nói tiếng Việt, nên những em bé này không hề biết đến khái niệm đi học.

Cũng như anh chị của mình, các em sống hồn nhiên như cây cỏ và đến một độ tuổi có thể lao động được sẽ lại làm việc trong bãi rác cùng cha mẹ. 

Khi tiếng trống trường chỉ còn là kỷ niệm

Trên vỉa hè một con đường của thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), hai mẹ con Nguyễn Văn Của đang ngồi nghỉ và mang tiền ra đếm, kiểm thành quả của một ngày lao động. Chị Lê Thị Tươi, mẹ của Của cho biết chị từ Bạc Liêu dạt trôi đến đất Cần Giờ này bán vé số kiếm sống.

Ở Bạc Liêu, Của cũng từng được đi học, nhưng được hết lớp 1 thì cha em qua đời, Của theo mẹ cùng các anh nghỉ học theo mẹ lên Cần Giờ để kiếm sống. Mặc dù đã 13 tuổi nhưng do lăn lộn hàng ngày ngoài đường, người em quắt queo chỉ như một cậu bé 8 tuổi.

Hàng ngày theo chân mẹ bán vé số, tiếng trống ngày khai trường chỉ còn là kỷ niệm với cậu bé Của. Ảnh: K.Toàn

13 tuổi, Của không biết viết, không biết đọc. Em chỉ có thể đếm được tiền và nhận mặt vé số để bán cho khách. Khi chúng tôi hỏi có nhớ trường, có muốn đi học không thì em chỉ lặng lẽ gật đầu rồi cúi xuống mân mê những đồng tiền lẻ trong tay.

Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Gập ghềnh đường đến trường" phản ánh những khó khăn của các em học sinh nghèo và nỗi khát khao đến trường. 

Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.

 

Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn;

 

Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729

 

hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại:               08-930-8101       .

Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.

 

(Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")

Phải bỏ học từ sớm để đi làm kiếm tiền giúp gia đình là trường hợp của rất nhiều em. Số em phải bỏ học từ tiểu học thường ít hơn vì các em còn nhỏ quá, chưa làm được gì, nhưng lên đến cấp 2, tỉ lệ bỏ học ở những vùng dân cư nghèo và vùng sâu vùng xa chiếm con số rất lớn. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đã giết chết ước mơ được học hành đến nơi đến chốn của rất nhiều trẻ.

Đang học lớp 7 nhưng Nguyễn Thị Cẩm Tiên (xóm Di Rời, Cần Thạnh, Cần Giờ) đã phải nghỉ học vì gia đình gặp cú sốc lớn. Cha mất, một mình mẹ không đủ sức gánh vác cả gia đình với 3 đứa con nhỏ nên Tiên xin nghỉ học để ở nhà giúp mẹ lo cho các em.

Hàng ngày, Tiên phải dậy từ 4h sáng, chở đứa em nhỏ 3 tuổi đi gửi trẻ rồi cùng mẹ và cô em gái 10 tuổi tất tả ra đi. Mẹ Tiên dọn dẹp và bán căntin ở trường nên phải đi sớm. Công việc lựa cá rồi phơi cá của em cũng bắt đầu từ 4 rưỡi sáng nên em gái đang học lớp 5 cũng phải theo mẹ đến chỗ làm.

Hàng tháng, mẹ Tiên kiếm được 7 trăm ngàn thì phải trả cho người giữ em 5 trăm ngàn. Số tiền còn lại cùng với mấy trăm ngàn Tiên kiếm được dành để lo chi tiêu cho gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mặc dù rất muốn tiếp tục đi học Tiên cũng đành phải gác lại.

Tiên tâm sự, những năm trước, tầm này là em bắt đầu mổ heo đất lấy số tiền dành dụm kiếm được trong đợt nghỉ hè để đi mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Giờ thì em chẳng còn khái niệm mùa hè hay năm học mới nữa. "Nhiều lúc, đi ngang qua cổng trường em thấy nhớ lớp, thầy cô và bạn bè vô cùng, cả tiếng trống trường năm học mới của thầy hiệu trưởng nữa" - Tiên hồi tưởng.

Sao em không đến trường?

Từ Sóc Trăng lên thành phố kiếm sống, chị Huỳnh Kim Mỹ đưa 2 đứa con theo, trụ lại tại bãi tập kết rác tái chế ở khu Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Hai con chị - một đứa 16 tuổi, một đứa 13 tuổi đều nghỉ học từ rất sớm, làm chung với mẹ trong bãi rác. 

Khi chúng tôi hỏi sao không cho các con đi học tiếp, chị phân bua, nhà tui nghèo lắm, lấy tiền đâu cho tụi nó đi học. Với lại, mình tui đi làm sao nuôi được 2 đứa nên tụi nó phải đi làm để kiếm miếng ăn thôi. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, phụ trách phổ cập giáo dục tại xã Đông Thạnh, Hóc Môn cho biết, nhiều trường hợp những em học sinh cấp II không được đến trường là do vướng mắc giấy khai sinh, chủ yếu là rơi vào dân nhập cư.

Nhà nghèo, liệu các em có được học đến đến chốn ?
Chị Lê Thị Ngọc Điệp, mẹ của 3 em Đậm, Mỹ Anh, Mỹ Em cho biết: "Thấy các con ham học, cứ về năn nỉ mẹ lên trường xin cô giáo cho vào lớp, chị lên xã trình bày nguyện vọng nhưng vấp phải vấn đề con chị thiếu giấy khai sinh, không thể nhập học được. Chính vì thế mà mặc dù đã lên xã nhờ xin cho 3 đứa con được đi học hơn tháng rồi nhưng cho đến nay, khi những đứa trẻ khác đã bắt đầu nhập học thì con chị vẫn ngậm ngùi đứng ngoài cổng trường nhìn vào lớp học mà thèm muốn."

Và không chỉ có mấy đứa con của chị Điệp mà còn rất nhiều em nhỏ khác, nhiều bậc cha mẹ đã quên mất cái thủ tục công nhận với xã hội sự có mặt của chúng trên đời nên các em phải gác lại cái “quyền được học hành” của mình…

  • Hà Dịu- Kim Toàn
     
    Bài 4: "Thưa thầy em không có sách"
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>