- Ngày 22/8, bên lề cuộc hội thảo “Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” được tổ chức tại TP.HCM, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết thông tin về “nghi án” tham nhũng tại dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM...
- Thưa Tổng Thanh tra, vừa qua dư luận thông tin cho rằng có tham nhũng tại dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM. Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thông tin này chưa và liệu có khả năng lập đoàn thanh tra về việc này?
- Trước hết phải nói rằng, không riêng Thanh tra Chính phủ mà các cơ quan Trung ương cũng có thông tin về dự án này. Dù sao đến nay chúng ta cũng chỉ nghe thông tin từ một phía, do vậy cần phải kiểm chứng thêm thông tin, xem xét các căn cứ cho thấy có vi phạm hay không, từ đấy mới đưa ra quyết định có thanh tra hay không và thanh tra như thế nào!?
Mô hình cầu Thủ Thiêm.
Tất cả các thông tin, dữ liệu liên quan tới vụ việc này chúng tôi đang giao cho Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) theo dõi tập hợp, kể cả thông tin từ đơn thư tố cáo của công dân, từ phát hiện của nội bộ, phản ánh của báo chí…
- Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra vào các lĩnh vực “nóng”, chẳng hạn về việc cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả cụ thể ra sao, thưa Tổng Thanh tra?
- Khi có kết luận thanh tra chính thức chúng tôi sẽ thông báo, nhưng nhìn chung theo đánh giá, sau nỗ lực tiến hành cổ phần hoá, nhiều DN vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động tốt hơn so với trước CPH. Tuy nhiên, còn những thiếu sót, thậm chí vi phạm, nói gọn là có tiêu cực.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Thứ nhất là tình trạng đánh giá giá trị tài sản đưa ra CPH không đúng. Một mặt, tài sản Nhà nước giao thì thường đánh giá thấp, một mặt DN, đang trong xu thế thua lỗ nghiêm trọng lại đánh giá cao lên để đưa vào CPH. Các cổ phần dạng này tạo ra các cổ phần ảo, phát sinh tiêu cực.
Thứ hai, trong phân phối cổ phần, gọi là cổ phần nội bộ, phân phối cũng không đúng. Có tình trạng đặc quyền đặc lợi, thông qua các đường chạy chọt để giải quyết cổ phần không chính đáng, không đúng quy định... dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước. Những dạng CPH này là sai, chúng tôi đã chỉ rõ và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
- Dư luận cũng quan tâm tới kết luận thanh tra diện rộng ngành hải quan và thuế được coi là hai ngành “nhạy cảm” dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Những sai phạm này được phát hiện và xử lý đến đâu?
- Về thanh tra diện rộng ngành thuế, chúng tôi vẫn đang thực hiện trên phạm vi cả nước. Bước đầu chỉ có thể nhận định rằng những năm gần đây, ngành thuế đã có sự nỗ lực nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình, con số thu thuế hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch…
Tuy nhiên, còn có những sai sót trong việc quản lý nguồn thu chưa chặt, chưa tốt dẫn đến việc DN còn ẩn lậu thuế, nợ đọng thuế, chiếm dụng thuế, hoàn thuế không đúng; miễn giảm thuế không chính xác gây ra thất thoát với con số khá lớn.
Chúng tôi chưa tổng hợp được con số cụ thể, nhưng chỉ qua thanh tra tại một số tỉnh, thành phố, con số thất thoát đã lên tới cả ngàn tỷ đồng chứ không ít. Qua đợt thanh tra này, hy vọng sẽ giúp cho ngành thuế chấn chỉnh lại công tác quản lý, điều hành.
Còn về thanh tra hải quan hiện đã có kết luận. Lẽ ra tuần vừa rồi chúng tôi đã họp báo công bố, nhưng do bị động công tác nên chưa thực hiện được. Việc này Thủ tướng kết luận và chỉ đạo xử lý rất nghiêm túc, Thủ tướng đồng tình cho rằng kết luận thanh tra là chính xác. Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cũng đã tiếp thu việc này rất nghiêm túc và đang có kế hoạch sửa chữa. Có điều đáng lưu ý, sai phạm của hải quan cũng giống bên ngành thuế, vì các cơ quan này đều có hành vi tác nghiệp gần giống nhau nên cái sai cũng gần giống nhau…
Tôi nghĩ hai cuộc thanh tra này đều có tác dụng rất tốt, nhất là trong tình hình Chính phủ đang chỉ đạo chống lạm pháp, tăng giá… kết quả thanh tra sẽ giúp thúc đẩy cho việc thu ngân sách Nhà nước, chống hành vi gian dối trong làm nghĩa vụ thuế.
Dự kiến cuối tháng này, Thanh tra Chính phủ sẽ họp báo để công bố công khai kết quả, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra diện rộng ngành hải quan cho báo chí và dư luận biết.
-
Thái Thiện (thực hiện)