221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1099510
Hầm dìm Thủ Thiêm: Bao giờ "dìm" xuống đáy sông?
1
Article
null
Hầm dìm Thủ Thiêm: Bao giờ 'dìm' xuống đáy sông?
,

 - Khối lượng thực hiện các đốt hầm dìm Thủ Thiêm đạt 85% so với yêu cầu đề ra. Theo kế hoạch, đến tháng 8/2008, các đốt hầm sẽ được lai dắt ra vị trí để đánh chìm xuống lòng sông Sài Gòn. Thế nhưng, sự cố nứt đốt hầm nhiều khả năng sẽ phá vỡ kế hoạch này… 

Ngày 20/8, trên công trường thi công hầm dìm Thủ Thiêm, công nhân và các kỹ sư vẫn cặm cụi làm việc. Hỏi về sự cố nứt đốt hầm Thủ Thiêm và hiện tượng lún đoạn hầm dẫn chữ U đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong mấy ngày nay, anh An (công nhân thi công hầm dìm Thủ Thiêm) cho biết, công việc vẫn diễn ra bình thường trong sự giám sát chặt chẽ của kỹ sư người Nhật và Việt Nam.

Anh An tỏ ra khá am hiểu về quá trình lún đoạn hầm dẫn chữ U (từ kỹ thuật gọi là lún kết cấu hình chữ U). Anh An nói, cũng đã nghe râm ran thông tin này cách đây khoảng 4 tháng, nhất là sau giai đoạn đổ bê tông. Vào giữa 5/2007, sự việc im ắng như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, khi tháo khung vây bằng cọc ván thép thì hiện tượng lún tái xuất hiện.  

Vết nứt chính kéo dài từ 2 - 3m

Trong một báo cáo của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về việc xử lý lún tại hầm dẫn chữ U, ông Sỹ cũng đã xác nhận điều này và cho biết tốc độ lún vào khoảng 10mm/tháng.

Trong một văn bản gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về sự cố nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm vào cuối 7/2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước cho rằng: Quan điểm của ban quản lý dự án là nhà thầu Obayashi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, tiến độ theo điều khoản hợp đồng kể cả việc chi phí cho sửa chữa, cho tư vấn và tư vấn độc lập để công trình đạt chất lượng thiết kế trước khi nghiệm thu.

Ngay sau đó, đơn vị tư vấn là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và nhà thầu Obayashi đã đưa ra biện pháp xử lý lún cho hầm chữ U bằng cách dùng cát gia tải theo trình tự kỹ thuật bù lún cho đến khi đạt đến độ cao thiết kế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hiện tượng lún hầm dẫn chữ U đến nay vẫn tiếp diễn.

Nhưng dư luận lại quan tâm nhiều nhất đến sự cố nứt 4 đốt hầm dìm cầu Thủ Thiêm, vì đây chính là những “bộ phận” chính hình thành công trình thế kỷ hầm dìm dài nhất Đông Nam Á (hầm Thủ Thiêm dài 1,4km; trong đó phần hầm dìm dài 371m), nằm sâu 13-14m dưới lòng sông Sài Gòn. 

Hiện nay, 4 đốt hầm này đã hoàn tất và đang được cất giữ cẩn thận tại một công trường được thiết kế dành riêng cho việc đúc đốt hầm ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. 

Để đến được công trường này từ phía TP.HCM, chỉ có một lối đi duy nhất bằng đường sông. Theo kế hoạch, đến 8/2008, các ca nô chuyên dụng sẽ lai dắt các đốt hầm ra vị trí để đánh chìm xuống lòng sông Sài Gòn.

Nhưng gần đến phút cuối, một bất ngờ đã xảy ra. Theo bản báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (gọi tắt là hội đồng nghiệm thu), qua kiểm tra đốt hầm dìm, các chuyên gia thuộc hội đồng nghiệm thu đã phát hiện cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện nhiều vết nứt trên tường hầm và bản nắp.

Trên công trường đúc đốt hầm dìm Thủ Thiêm (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Anh Tư.

Theo mô tả của các chuyên gia, các vết nứt chính xuất hiện ở thành tường thẳng đứng, kéo dài từ 2-3m; bề rộng lớn nhất của vết nứt rộng đến 1mm. Một số vết nứt xuất hiện ở vị trí giữa các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm. Các vết nứt này chạy theo phương thẳng đứng kéo dài gần như hết chiều cao đốt hầm. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy bề rộng vết nứt đến 0,3mm.  

Ngoài ra, còn xuất hiện các vết nứt trên bề mặt của nắp hầm làm rỏ nước mưa xuống nền. Các vết nứt trên đã được đánh dấu để chờ nghiên cứu và tìm biện pháp xử lý.

Cũng qua kiểm tra thực tế tại công trường, các chuyên gia của hội đồng nghiệm thu còn ghi nhận các tấm thép bịt đầu đốt hầm và cốt thép kết cấu hầm chưa được bảo vệ tốt để chống ăn mòn trước và trong khi thi công nên đã xuất hiện hiện tượng rỉ sét. Ngoài ra, công tác bảo dưỡng bê tông trên công trường không được thể hiện rõ như: vật liệu ủ ẩm, chế độ tưới nước, chất lượng nước dưỡng hộ.

Nhận định về nguyên nhân gây nứt các đốt hầm, các chuyên gia hội đồng nghiệm thu cho rằng do co ngót bê tông trong quá trình đóng rắn. Việc co ngót có thể xảy ra tại cả hai giai đoạn co mềm và co khô với những lý do như: Công tác bảo dưỡng bê tông không đúng quy trình nên hơi nước trong bê tông bay nhanh do nhiệt độ môi trường lớn; bố trí thép cấu tạo chưa hợp lý... 

Hiện tượng nứt đốt hầm Thủ Thiêm đã được cảnh báo

Một tài liệu mà PV VietNamNet có được cho thấy, sự cố nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm không phải chỉ mới xuất hiện vào 8/2008 mà trước đó (ít nhất là trước tháng 11/2007) các vết nứt ngang dọc, xiên trên bề mặt bê tông hầm dìm đã “hiện lên” thấy rõ. Các chuyên gia của đoàn công tác thuộc hội đồng nghiệm thu chỉ rõ: các vết nứt ngang, dọc, xiên trên bề mặt bê tông hầm dìm làm suy giảm cường độ khối bê tông và gây ảnh hưởng tới khả năng chịu lực cũng như tuổi thọ của công trình.

Điều đáng nói là từ 11/2007, cơ quan thường trực hội đồng nghiệm thu đã có văn bản yêu cầu về việc xử lý và khắc phục ngay các vết nứt này, nhưng Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước, các nhà thầu thi công chưa nghiêm túc nêu cao tinh thần trách nhiệm và lo lắng để tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục hiện tượng bê tông hầm dìm bị nứt. 

Hơn nữa, các giải trình trước đây của chủ đầu tư và nhà thầu về sự xuất hiện của các vết nứt bê tông hầm dìm là chưa thỏa đáng. Vì vậy, đến thời điểm thi công gần xong các đốt hầm nhưng các vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện. 

Khâu chuẩn bị đúc đốt hầm: Ảnh: Anh Tư

Hiện chưa cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nào trả lời thỏa đáng dư luận bao giờ các đốt hầm Thủ Thiêm sẽ được đánh chìm xuống lòng sông Sài Gòn. Trước mắt, công tác truy tìm nguyên nhân và cách khắc phục sự cố đang được tiến hành.  

Trả lời trên báo VietNamNet về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra sự cố nứt 4 đốt hầm Thủ Thiêm, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trách nhiệm thuộc về các chủ thể tham gia dự án là Ban Quản lý đại lộ Đông Tây và Môi trường nước (đại diện cho chủ đầu tư), nhà thầu thi công Obayashi, Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI).  

“Các đơn vị trên phải chịu trách nhiệm khắc phục và xử lý các vết nứt này”- ông Hùng nói.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;