- Không lo nổi thân mình, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn cách thu hẹp sản xuất, trong đó phải kể đến giải pháp cắt giảm nhân sự, chấp nhận trở nên "nhỏ" hơn trong cả biển doanh nghiệp. Không ít công nhân bị mất việc từ tình cảnh này, cuộc sống lại càng chật vật hơn khi bắt đầu làm lại từ đầu.
Cầu lao động bị siết
Nếu như các DN quy mô lớn không tuyển được lao động hoặc đau đầu trước tình trạng công nhân bỏ việc hàng loạt cùng nguy cơ đình công thì các DN vừa và nhỏ lại phải cắt giảm lao động. Những công đoạn lao động dư thừa, không hợp lý được bố trí lại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc một số lao động dôi dư sau khi sắp xếp sẽ bị cho thôi việc.
Nhiều DN đang phải cắt giảm lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: S.T
Ông Phạm Xuân Hồng - PCT Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, từ đầu năm đến nay, các DN quy mô vừa và nhỏ trong hiệp hội hầu như không dám đầu tư thêm, không mở rộng sản xuất. Do vậy, các DN này không có nhu cầu tuyển mới lao động sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hoặc DN sẽ phải tính toán để khai thác tối đa năng suất lao động dựa trên lực lượng sẵn có, hoặc sẽ phải cắt giảm lao động, dù muốn hay không.
Theo ông Hồng, từ đầu năm đến nay, lượng lao động trong tại các DN trong Hiệp hội đã giảm khoảng 15-30% so với thời điểm cuối năm 2007.
Bà Anh Thư, đại diện Công ty gỗ Thi Vũ, một DN gỗ chuyên khai thác thị trường Ý cho biết, do những khó khăn chung của nền kinh tế, hiện Thi Vũ cũng buộc phải tái cấu trúc lại DN. Nếu cần, công ty buộc lòng phải cắt giảm bớt lao động.
Trong khi đó, là một công ty mới thành lập trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, ABC lại chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất mới, vừa tinh giản được lực lượng lao động chân tay.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, việc sử dụng nhiều lao động vừa khó khăn vừa không hiệu quả. Do vậy, giảm bớt lao động là một cách để tập trung chỉ đạo, tập trung sản xuất hiệu quả hơn và cũng có thể chăm lo đời sống người lao động tốt hơn.
DN có tồn tại thì công nhân mới tồn tại!
Theo ông Phạm Xuân Hồng, hiện các DN trong Hiệp hội Dệt may đều thực hiện tốt các chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Theo đó, với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được nhận một tháng lương. Đồng thời, ông Hồng cũng cho rằng người lao động mất việc hiện không quá khó khăn khi tìm việc mới. Bởi thực tế, các DN lớn vẫn đang liên tục treo thông báo tuyển dụng và do không đủ người nên không khai thác hết công suất của máy móc, thiết bị.
Bên cạnh đó, các DN trong Hiệp hội đều có chia sẻ thông tin chặt chẽ nên có thể sử dụng lao động của nhau theo nhu cầu tăng - giảm lao động của từng DN.
DN kêu gọi người lao động chia sẻ khó khăn. Ảnh: S.T
"Trong lúc kinh tế khó khăn, hoặc DN buộc phải cắt giảm lao động, hoặc ngươi lao động phải chia sẻ khó khăn với DN bằng cách giảm lương. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, kinh tế càng khó khăn người lao động lại càng đòi tăng lương. DN có tồn tại thì công nhân mới tồn tại" - ông Hồng nhấn mạnh.
Song, trên thực tế, mất việc hay bỏ việc là điều mà không công nhân nào mong đợi. Có thể thấy, lao động trong các DN vừa và nhỏ thường là lao động giản đơn, loại hình lao động được nhắm tới trước tiên nếu cần cắt giảm.
Vì vậy, cơ hội tìm việc mới giữa lúc này hoàn toàn không đơn giản.
Người lao động chật vật tìm việc mới
Anh Nguyễn Văn Đài, công nhân một công ty lắp đặt ống nước tại Thủ Đức cho biết, do ít việc, công ty cho công nhân nghỉ luân phiên và hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, không sung sướng gì cảnh ở không triền miên và nhận trợ cấp, bởi khoản tiền ấy không bõ bèn gì so với chi phí của gia đình anh. Thế nên, anh quyết định đi tìm việc mới.
Đã hai tháng rồi nhưng anh vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp. Trong khi đó, biết chuyện anh xin việc nơi khác, chủ công ty cũ cũng cho anh thôi việc. Hiện nay, việc làm mới chưa có, khoản trợ cấp cũ cũng không còn, cuộc sống gia đình anh đang phải đong đếm từng ngày.
Không khá hơn anh anh Đài, anh Võ Thanh Tân, nguyên là công nhân Công ty May Phú Hải ở Tân Phú cho biết, bị mất việc, cầm trong tay gần 5 triệu đồng tiền trợ cấp mất việc, anh bôn ba tìm việc khắp nơi này đến nơi khác.
Việc đâu chưa thấy, mà đồng tiên trợ cấp cứ vơi dần theo những ngày lang thang xin việc mới. Hoặc nếu có việc, anh phải chấp nhận làm lại từ đầu với mức lương khởi điểm 1,2 triệu đồng trong khi thu nhập ở công ty cũ cũng hơn 2 triệu.
Nản chí, anh bỏ về quê Nam Định. Vài tháng sau, lại thấy anh trở vào vì về quê sống không nổi. Tuy giá cả sinh hoạt có rẻ hơn, nhiều thứ vườn nhà sẵn có, lại gần gia đình nhưng với mức lương công nhân xẻ gỗ chỉ 800.000đ/tháng. Anh lại lặn lội tìm vào thành phố, sống vất vưởng chờ xin việc mới.
Những lao động giản đơn phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: ST
Cũng một trường hợp mất việc, nhưng do chủ động bỏ việc và không tìm được việc mới khá hơn sau một thời gian dài tìm kiếm, chị Hồng, một người dân Bến Tre đã quay sang bán dừa xiêm dạo ở khu vực công viên Tao Đàn. Chị Hồng cho biết, thu nhập từ việc bán dừa xiêm không cao lắm nhưng thoải mái về thời gian, tư tưởng vì không phụ thuộc ai. Nếu chịu khó thì cũng có dư.
Tuy nhiên, không phải lao động thất nghiệp nào cũng tìm được một công việc thích hợp như chị Hồng nên khi DN khó khăn, người lao động cũng phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp và chuỗi ngày dài gian nan phía trước.
"Nói gì thì nói, làm việc đâu đã quen đó. Nếu công ty phá sản thì chúng tôi cũng thất nghiệp nên hoang mang lắm." Chị Nguyễn Thị Lợi, công nhân công ty TNHH Đại Hoàng Hảo lo lắng.
Không lo sao được khi đồng tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động trình độ thấp không đủ để xoay xở trước muôn vàn khoản phải chi mỗi ngày ở thành phố đắt đỏ này. Thế nhưng, quê hương cũng chưa thể cho họ một cuộc sống dễ chịu để họ và con cái có thể gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn.
Gánh nặng mưu sinh đang đè nặng khiến bước chân những lao động thất nghiệp, dẫu bơ vơ, vẫn cố bám víu đất thị thành.
-
Kim Toàn - Hà DịuÝ kiến độc giả?