221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1095620
Bài 3: Tìm đường sống hoặc... tự chôn mình
1
Article
null
Lận đận DN "tìm đường sống":
Bài 3: Tìm đường sống hoặc... tự chôn mình
,

 - Trước khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tìm trăm phương ngàn kế, tự cứu mình qua cơn bĩ cực. Không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi "gọt bớt chân", thu hẹp sản xuất, thậm chí hạn chế phục vụ một số đối tượng khách hàng để giảm thiếu những chi phí không thể tiếp tục gánh...

Từ chối bớt... khách hàng

 

Giá nguyên liệu đầu vào quá cao khiến việc kinh doanh không lời lãi là bao. Nhiều công ty đã buộc phải tính lại hiệu quả lao động. Theo đó, những hợp đồng gia công hoặc cung cấp nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún sẽ bị cắt giảm.

 

Chị Trương Thi Thúy Liên cho biết, hiện công ty Liên Phát chỉ nhận gia công những hợp đồng nào "có tính khả thi". Với những hợp đồng nhỏ lẻ, manh mún hoặc khách hàng đòi hỏi khắt khe, công ty đành từ chối vì nếu có nhận thì lợi nhuận mang lại cũng không đủ bù đắp các chi phí sản xuất.

 

Các công ty ngành may mặc phải cát giảm đơn hàng. (Ảnh minh họa) Ảnh: Đ.Hải

Tương tự, là một nhà cung cấp găng tay và khẩu trang, anh Trần Quang Hoàng cho biết, công ty anh đang cắt giảm việc giao hàng cho những cửa hàng nhỏ lẻ mà lại quá xa bởi lẽ, tiền lãi thu được không đủ bù cho tiền xăng xe. 

Mặt khác, cũng như Liên Phát, Công ty Đại Hoàng Hảo chấp nhận bỏ sản xuất những mặt hàng giá rẻ mà tập trung vào những mặt hàng cao cấp, do sản xuất những mặt hàng rẻ tiền sẽ khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất gia đình - chi phí ít nên giá thành sản phẩm cũng thấp hơn.

 

Có thể thấy, quy luật cung cầu đã bị phá vỡ khi nguồn cung không chịu cung và nơi cầu cũng hạn chế. Thế nên, trong khi Công ty may mặc Hồng Ngọc ra sức tìm kiếm nguồn cung mới với hy vọng giá cả "mềm" hơn thì Công ty Nhất Trí, một nhà cung cấp nguyên liệu ngành may ở huyện Củ Chi buộc phải đóng cửa tạm thời vì không có khách hàng.

Nuôi lợn để bù lỗ
"Suốt từ năm 2007 cho đến nay, chúng tôi đã phải tự đi thuê chuồng trại nuôi gần 3.000 con lợn để tiết giảm chi phí đầu vào vì không thể tăng giá bán", ông Bùi Đức Huyên, giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín cho biết. Công ty chúng tôi cũng phải giảm doanh số bán hàng vì càng bán nhiều càng lỗ nhiều".
 
Ông Bùi Đức Huyên, giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín.
Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết, để đối phó với tình trạng sức mua của mặt hàng điện thoại di động giảm tới 40%, công ty ông đã thực hiện một số biện pháp như hoạch định lại các khoản chi phí, cắt giảm những khoản chi bất hợp lý, sắp xếp lại bộ máy nhân sự hiệu quả hơn và đưa ra nhiều chương trình bán hàng phù hợp với tình hình hiện tại…

Cụ thể, việc “mở rộng đầu ra” của doanh nghiệp này được ông Huân cho biết: "Trước đây ,khi mở 1 showroom mới, chúng tôi phải tuyển từ 20 - 28 nhân viên thì hiện nay chúng tôi chỉ tuyển khoảng 18 - 22 nhân viên, nhưng họ sẽ được đào tạo để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn" - ông Huân chia sẻ thêm.

Hoãn dự án mới

Nhiều dự án mất cả năm trời lên kế hoạch, chuẩn bị đầu tư rất kỹ, nhưng doanh nghiệp lại phải cay đắng hoãn triển khai. Một vị giám đốc công ty kinh doanh trong ngành hoa cho biết, theo kế hoạch trong năm 2008, công ty sẽ phát triển thêm 2 cửa hàng mới trên địa bàn TP.HCM. Mặc dù đã mất nhiều công đi tìm, thương lượng thuê địa điểm, thuê thiết kế, tuyển nhân sự..., nhưng do tình hình thị trường không thuận lợi nên đành phải hoãn kế hoạch lại.

Chị Nguyễn Xuân Hồng đã không thể mở chi nhánh ở Đà Nẵng như dự kiến vào tháng 6 vừa qua (Ảnh: Cao Minh)

 Bà Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc công ty Hiệp Hưng chuyên sản xuất mũ bảo hiểm, nồi cơm điện cho hay: “Chưa năm nào kinh doanh khó khăn như năm nay, cái gì cũng tăng: giá nguyên liệu nhập, nhân công…”.

Bà giám đốc của hơn 250 nhân viên than thở: “Bình thường chúng tôi phấn đấu năm sau tăng trưởng hơn năm trước khoảng 10%, tuy nhiên năm nay không những không đạt được mà thậm chí còn sợ bị thụt đi”.

Những năm trước, chị Hồng áp dụng mức lương tăng 10% mỗi năm cho cán bộ, công nhân. Tuy nhiên, năm nay thì chuyện này trở nên khá khó khăn.

 

Ngay cả quyết tâm mở một số văn phòng đại diện tại miền Trung mà bà Hồng ấp ủ bấy lâu cũng đành xếp lại: "Theo kế hoạch thì chúng tôi phải thành lập chi nhánh từ hồi tháng 6 vừa qua, nhưng tính toán lại, nếu mở ra thì chúng tôi sẽ phải gánh thêm một khoản phí hàng tháng nên đã quyết định hoãn".

Một doanh nhân khác cũng cho rằng, việc phát triển dự án mới trong giai đoạn này là không an toàn, đã có vài trường hợp doanh nghiệp triển khai dự án mới nhưng không theo nổi nên đã rao bán giữa chừng.

“Làm ăn bây giờ phải tính toán thật kỹ, nếu không là tự cắt bỏ đi cơ hội của mình. Tung dự án mới ra lúc này nếu không đủ tiềm lực tài chính và thiếu khả năng ứng phó với khó khăn không lường trước như lạm phát, bão giá, các chính sách vĩ mô…  thì doanh nghiệp khó mà trụ nổi trên thương trường” - doanh nhân này nhận xét. 

GĐ Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Việt, Mai Huy Tân cũng than: "Tốc độ tăng trưởng chỉ bằng 50% so với năm ngoái".  Để cắt giảm đầu tư, Đức Việt đã phải tạm dừng dự án sản xuất thức ăn nhanh, giãn tiến độ một dự án và tập trung cho việc kinh doanh các sản phẩm chính, chủ động tìm nguồn hàng nhập khẩu xa hơn nhưng rẻ hơn.

"Còn chúng tôi phải tạm dừng dự án tòa nhà chung cư ở Nam Trung Yên vì nợ đọng đã lên tới hàng trăm tỷ mà chưa biết thanh toán thế nào trong khi lãi vay cứ phình ra hàng giờ", GĐ Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Nguyễn Chí Sỹ than thở.

Tương tự, bà Trần Thu Huyền, GĐ Công ty cổ phần sơn Châu Á cho biết,  công ty của bà vừa phải từ bỏ một dự án xây dựng khu resort.

Tiết kiệm là quốc sách

Thông báo thực hành tiết kiệm ở Công ty TNHH Đại Hoàng Hảo. Ảnh: H.Dịu

Để thực hành tiết kiệm hiệu quả, nhiều lãnh đạo công ty phải thường xuyên làm việc trực tiếp với nhân viên, trao đổi, hướng dẫn nhân viên các phương thức tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguyên liệu đầu vào.

Chị Trương Thị Thúy Liên, GĐ Công ty TNHH Liên Phát cho biết, đơn vị của chị chuyên may gia công, hiện nay chi phí sản xuất tăng mạnh do cả phí nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lương nhân công, phí lưu kho bãi... đều nhất loạt tăng cao so với cuối năm 2007.

Vì vậy, một trong những biệp pháp cấp bách mà công ty áp dụng để chống đỡ trước thời buổi khó khăn là tiết kiệm triệt để mọi khoản chi tiêu không cần thiết: Mỗi ngày sản xuất bao nhiêu lô hàng, chi phí sản xuất, tiền dầu chạy máy phát điện trong cả trường hợp "nhà đèn" cắt điện bất tử, cần bao nhiêu lao động đều phải được tính kỹ, tính đủ.

 

Ngay cả việc xuất, nhập hàng ở cảng cũng được sắp xếp lại thật chẵt chẽ nhằm kết hợp được nhiều việc, nhiều lô hàng một lúc, tránh đi lại nhiều lần, phát sinh nhiều chi phí.

 

Còn anh Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Đại Hoàng Hảo cũng tiết lộ, công ty đã dán thông báo thực hành tiết kiệm ở tất cả các văn phòng và xưởng sản xuất, yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm.

 

Những bộ phận trước đây thường xuyên sử dụng các phương tiện đi lại như ô tô, xe máy nay cũng được yêu cầu phải cắt giảm. Chỉ những chuyến đi có mục đích rõ ràng, mang lại hiệu quả mới được duyệt kế hoạch sử dụng xe.

 

Rất nhiều giám đốc các công ty tư nhân đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản! Ảnh: nguồn internet. 
Ngoài ra, anh Hoàng cũng cho biết, để có đồng vốn xoay vòng, công ty phải triệt để chống tồn đọng hàng hóa và công nợ: "Nếu trước đây, khách hàng chỉ phải đặt cọc 30% tiền thôi thì bây giờ chúng tôi phải tăng lên 50% và thời gian thanh toán cũng rút từ 20 ngày xuống còn 10 ngày".


Ngoài ra, không ít công ty bắt đầu thực hiến chính sách cho người lao động nghỉ trọn ngày thứ 7, vừa có thêm thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên, lại giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Phương án cắt giảm lao động cũng được khá nhiều doanh nghiệp đề cập tới trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Quang, Chủ DN tư nhân chuyên gia công nhôm, kính Nhứt Quang cho hay: “Với tình hình hiện nay ,chúng tôi khó mà nuôi được đội ngũ thợ đông đảo như trước, nên đành phải cắt giảm bớt lực lượng. Chuyện làm ăn mà thu hẹp qui mô hoạt động, cắt giảm người thì chẳng ai muốn, nhưng chúng tôi đành phải tự cứu mình trước đã”.

Bà Nguyễn Thanh Vân, GĐ Công ty Du lịch, Thương mại Làng Đông Dương chia sẻ: "Công ty đã buộc phải thắt chặt một số khoản chi tiêu như: chi cho liên hoan và tổ chức sinh nhật cho nhân viên, cho quảng cáo và các tour mới, thậm chí cắt giảm những nhân lực làm việc không hiệu quả dù biết sẽ ảnh hưởng đến tinh thần chung".

Đa số lãnh đạo các DN vừa và nhỏ đều cắn răng "chấp nhận lỗ thêm để giữ khách hàng".

"Có đến 70% DN vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản, đặc biệt là DN kinh doanh xây dựng, bất động sản", ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT công ty Biển Bạc đưa ra phép tính.

  • Nguyên Sa - Kim Toàn - Hà Dịu - Cao Minh - N.Nhung

Bài 4: Doanh nghiệp bỏ rơi, lao động mất việc về đâu?

 

Ý kiến bạn đọc?


 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;