- Theo lời ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đến 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã "lịm đi", những "cái chết" không ồn ào tuyên bố. Hàng nghìn doanh nghiệp khu vực này cũng đang ở trong tình trạng ngắc ngoải.
Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp tư nhân phải tự tìm cho mình một "con đường sống", cho dù ở trạng thái cầm cự, lay lắt.
Bài 1: Doanh nghiệp "đột tử" vì vốn
Nhiều doanh nghiệp đã diễn tả tình trạng "đứt" vốn giữa đường bằng cụm từ “đột tử”, bởi vì không có tiền mặt doanh nghiệp mất đi tính thanh khoản, khó trao đổi mua - bán hàng hóa với các doanh nghiệp khác và không triển khai được các dự án đã hoạch định.
Bán buôn: Có tiền mặt mới tin!
Nếu như trước đây các doanh nghiệp làm trong ngành vật liệu xây dựng có thể lấy hàng “gối đầu” từ các nguồn cung (lấy hàng bán trước trả sau), nay hầu hết các đầu mối cung cấp hàng không cho thiếu, chịu nữa, bắt trao trả tiền mặt mới giao hàng nên nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh túng thiếu nghiêm trọng.
Chủ doanh nghiệp M.H, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tại Q.7 (TP.HCM) cho hay, trong 8 tháng đầu năm nay giá vật liệu xây dựng lên tục tăng nên tiến độ xây dựng các công trình đều chậm lại, doanh nghiệp không thu được tiền mặt từ khách hàng. Mặt khác, các nhà cung cấp hàng sỉ lại không cho lấy hàng thiếu chịu, đâm ra doanh nghiệp kẹt vốn kinh doanh, phải chạy vạy khắp nơi.
Kinh doanh nhỏ thiếu vốn tiền mặt. (Ảnh minh hoạ) |
Tương tự, một doanh nghiệp chuyên gia công và cung ứng nhôm, kính cho các công trình cũng chia sẻ vì không lấy được tiền từ khách hàng (các nhà thầu công trình) và không mua hàng “gối đầu” được nên không đủ vốn tái đầu tư, không có khả năng nhận thầu các công trình mới, đành phải thu hẹp qui mô hoạt động chờ qua giai đoạn khó khăn.
Chủ salon ô tô H.T, là salon có tiếng ở TP.HCM chuyên nhập các dòng xe xịn về bán cho những doanh nghiệp lớn cũng than thở, thời gian gần đây salon này chỉ nhập xe về theo đơn đặt hàng từ trước. Tuy chỉ nhập theo đơn đặt hàng nhưng vừa qua salon này đã phải tái xuất lại qua nước ngoài một số xe xịn vì khách hàng không có đủ tiền mua đành bỏ cọc. Cá biệt, theo ông chủ salon này, có những người muốn mua ô tô nhưng không có tiền mặt đã “gạ” đổi đất lấy xe.
“Thời buổi này mà có ai mang tiền mặt đến mua xe là chúng tôi quý hết sức, cố gắng bán hàng cho bằng được với mọi giá để có tiền mặt mà xoay xở”, chủ salon H.T cho biết thêm.
Yếu vốn - ăn đong từng bữa
Anh Nguyễn Ngọc Hữu Hòa, cổ đông Công ty Cổ phần Thiết bị công nghiệp T.Đ, một đơn vị chuyên sản xuất kệ công nghiệp tại quận Thủ Đức cho biết, hiện nay, vốn lưu động luôn là bài toán khó đối với công ty. Do công ty có quy mô nhỏ nên luôn gặp vấn đề về vốn. Đặc biệt, tình hình kinh tế liên tục khó khăn trong nhiều tháng liền khiến các khách hàng của công ty hoãn kế hoạch xây dựng nhà kho như dự kiến.
Nhiều doanh nghiệp NVV đang lao đao vì thiếu vốn. Ảnh: Hà Dịu |
Thế nhưng, theo anh Hòa, tiến độ mua hàng giảm, đơn đặt hàng ít vẫn chưa đáng ngại bằng việc khách hàng... không có tiền trả khi công trình thi công đã xong. Hệ lụy của tình trạng này là các đơn hàng khác cũng được thi công trễ, vòng quay của đồng tiền chậm khiến doanh thu không đạt công suất tối đa.
Mặt khác, giá vật tư, chủ yếu là sắt, liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao suốt thời gian dài cũng là một khó khăn cho công ty trong việc định giá trị hợp đồng. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, hợp đồng trọn gói vừa ký thì giá sắt lại tăng, coi như hết lãi. Tất cả những điều này đã khiến doanh nghiệp của anh đã khó lại càng thêm khó.
Tương tự Công ty Cổ phần Thiết bị công nghiệp T.Đ, anh Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc tài chính Công ty TNHH SX-TM Hồng Ngọc, một công ty chuyên may mặc cho biết, do đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác nên khi giá nguyên liệu đầu vào tăng vùn vụt, công ty lại không thể tăng giá đầu ra. Đáng nói là, có những hợp đồng gia công ký từ đầu năm, thậm chí có hợp đồng ký trước cả 2 năm, trong khi từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu tăng lên 15-20% thậm chí có loại tăng gần 50% nhưng không thể tăng giá xuất nên công ty phải bù lỗ là đương nhiên.
Có thể thấy, vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, áp lực đảm bảo đời sống người lao động không chỉ là khó khăn của riêng doanh nghiệp nào. Ông Kao Siêu Lực, người được mệnh danh là "vua bánh" khi dựng lại sự nghiệp của mình với thương hiệu bánh kẹo ABC cũng cho biết đã phải chịu đựng không ít áp lực. Bắt đầu lại sự nghiệp, vừa phải sắm sửa trang thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng sản xuất mới, vừa phải đảm bảo cuộc sống cho lực lượng công nhân khi mặt bằng giá mới đã hình thành khiến ông phải tìm nhiều cách để tự xoay xở.
Thêm vào đó, mùa trung thu năm nay, giá nguyên liệu từ đường, trứng, bột đều tăng đến 50-100% so với Trung thu 2007 khiến ông phải mất nhiều thời gian tính lại bài toán lợi nhuận và chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Mượn vốn ngân hàng - cửa quá hẹp!
Thời gian gần đây các ngân hàng lần lượt tuyên bố giảm lãi suất cho vay, theo qui định hiện hành không vượt quá mức 21%/năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, cùng với việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là ngân hàng có sự phân chia đối tượng khách hàng và chỉ áp dụng chủ yếu đối với khách “ruột” hay khách hàng chiến lược.
Chủ một doanh nghiệp thương mại và dịch vụ tại Q.9 cho hay, khoảng đầu tháng 8 này công ty ông làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính (báo cáo tài chính 2 năm gần nhất) và có tài sản thế chấp nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa được duyệt.
“Tôi có cảm giác ngân hàng không muốn cho vay nhưng không thể nói thẳng với khách hàng nên họ tìm cách “soi” rất kỹ hồ sơ, xoáy quanh những điểm yếu của hồ sơ để bắt bí doanh nghiệp”, ông này nói.
Cũng theo một doanh nhân khác, với các qui định gắt gao của ngân hàng thì những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới ra đời hầu như “không có cửa” để vay vốn. Doanh nghiệp nhỏ, mới ra đời thì làm gì có báo cáo tài chính hoặc báo cáo kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất, nếu có, thông thường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mới bao giờ cũng lỗ.
Trao đổi về quan điểm cho doanh nghiệp vay vốn trong tình thế hiện nay, lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cũng thừa nhận, việc xét duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng hiện rất chặt chẽ và chỉ tập trung cho vay các khách hàng lâu năm.
Theo vị này, 80% dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết ngân hàng cổ phần đã "chạm" hạn mức tăng trưởng tín dụng nên phải cơ cấu lại hoạt động tín dụng, không thể mở rộng nguồn vốn vay cho tất cả các đối tượng doanh nghiệp.
Hơn nữa, lãi suất cho vay đang bị Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 21%/năm, theo các ngân hàng, với khống chế này, nếu lãi suất huy động vốn mà ở mức 15% thì ngân hàng may ra mới có lợi nhuận. Trong khi đó, mức huy động thấp nhất hiện nay là trên 17%. Nếu quả thật ngân hàng cho rằng “càng cho doanh nghiệp tư nhân vay thì càng lỗ” như vậy, rõ ràng việc siết chặt hoặc hạn chế doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn là điều dễ hiểu...
-
Nguyên Sa - Kim Toàn - H.Dịu - P.LoanBài 2: Khó đủ đường, nhiều doanh nghiệp "lịm dần"
Ý kiến của bạn?