- Không chỉ "kịch đường" ở 30km trên địa phận Hà Nội, các phương tiện đi đường cao tốc Láng - Hòa Lạc tương lai sẽ được tiếp tục chạy theo đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt tới tận Trương Hán Siêu (TP Hòa Bình)...
Theo đề xuất từ phía nhà đầu tư (Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp HN) và nội dung thẩm định của tư vấn (TEDI), tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình sẽ có điểm đầu tại Km0 ngã tư Hòa Lạc (giao đường Láng - Hòa Lạc với với Quốc lộ 21 tại Km17+850/QL21) và điểm cuối tại nút giao ngã ba xưởng cưa (đường Trương Hán Siêu, TP Hòa Bình).
Không chỉ nối liền Hà Nội và Hà Tây (cũ), cao tốc Láng - Hòa Lạc sẽ còn nối Hà Nội "mới" thẳng tới Hòa Bình (Chụp trước ngày Hà Nội mở rộng - Ảnh: H.H). |
Khoảng 6,3km đầu tiên, tuyến này sẽ đi trùng với đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt (đã được các bộ, ban, ngành thống nhất thỏa thuận). Đoạn sau đó (đã tách khỏi đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa) vẫn được đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật đường cao tốc loại B, tốc độ thiết kế 100km/h như đoạn đầu.
Theo Bộ GTVT, đối với đoạn đường thuộc dự án này nằm trong khu vực đô thị, từ điểm nhập với Quốc lộ 6 về cuối tuyến thống nhất thiết kế cấp đường phù hợp với qui hoạch TP Hòa Bình (đã được phê duyệt) và lưu ý phát triển hệ thống cao tốc toàn vùng.
Tại cuộc họp thẩm định nội dung thiết kế cơ sở dự án này vừa diễn ra tại Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng có thể phân kỳ theo hướng đầu tư xây dựng nền đường, công trình cầu cống theo qui mô 6 làn; mặt đường 4 làn và 2 dải dừng khẩn cấp; 2 làn phía trong dự trữ cho tương lai. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng - "đoạn đi trùng đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa (6,3km đầu tuyến) nên ưu tiên xây dựng".
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thay mặt Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư cùng UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu phương án phù hợp cho dự án này, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, công trình kéo dài, ảnh hưởng không tốt tới dư luận nhân dân.
- Hoàng Huy