221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1094600
"Nhịn" chăn gối mấy năm trời vì... vợ đi XKLĐ
1
Article
null
'Nhịn' chăn gối mấy năm trời vì... vợ đi XKLĐ
,

 - Con cái bỏ học, hạnh phúc gia đình trở nên mong manh, tệ nạn xã hội rình rập… Đó là thực tế buồn với một số trường hợp đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở tỉnh Thái Bình.

 

Đàn ông mà phải... "nhịn" hàng mấy năm trời!

Thái Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ người đi XKLĐ cao ở phía Bắc, nhất là ở nữ giới. Và đằng sau đó là những câu chuyện... hậu XKLĐ vui buồn lẫn lộn ở khắp các thôn xóm quê lúa. 

Câu chuyện của anh Bùi Kim H. (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, TP.Thái Bình) rất cám cảnh. Vợ anh đi XKLĐ từ nhiều năm nay, ở nhà chỉ còn 3 bố con. Bọn trẻ nhớ mẹ đến nỗi, lần nào gọi điện cả mấy mẹ con đều khóc. 

"Tôi là đàn ông, nên không thể gần gũi như người mẹ, công việc nhà nông lại nhiều. Tôi nuôi vài trăm gà vịt, cấy 7 sào ruộng, vào vụ thì đi cày ruộng thuê. Công việc cứ tối tăm mặt mũi, rồi lúc con cái ốm đau, việc nhà ùn lên không biết giải quyết thế nào cho hết. Còn chuyện tình cảm, thật khó nói, khi tôi là đàn ông mà phải “nhịn” hàng mấy năm trời…" - anh H. nói.

 

Đi XKLĐ rõ ràng mang lại kinh tế cho nhiều gia đình nông thôn, nhưng cũng có những tình cảnh hậu xuất khẩu lao động buồn lòng... (Ảnh minh họa)
Em Nguyễn Đắc D. (18 tuổi, trú tại xã Vũ Chính, TP.Thái Bình) kể: "Mẹ em đi XKLĐ từ khi em 14 tuổi, đến nay đã bốn năm. Gia đình em ban đầu rất khó khăn, nhưng rồi mẹ gửi tiền về, xây được nhà 2 tầng. Bố em mua được xe máy, ti vi…".

Chỉ có điều, D. đã bỏ học khi chưa học xong lớp 10. Ngày mẹ ở nhà, em luôn là học sinh tiên tiến. Nhưng chỉ sau 2 năm vắng bóng mẹ, học lực của D. giảm sút dần vì mải chơi. D. nhớ mẹ, nhưng hàng xóm thì lại rỉ vào tai em chuyện khi về bà mẹ sẽ ruồng rẫy chồng con, khiến em rất sợ khi mẹ về sẽ không còn thương hai anh em nữa. Bỏ học một thời gian, D. mới thực sự tiếc. Giờ thì em chỉ mong được đi học nghề ổn định.

 

Cùng thôn với D. có vợ chồng anh C. Hai người lấy nhau đã 10 năm thì bàn tính cho chị đi XKLĐ. Cũng như nhiều trường hợp đi XKLĐ khác, tiền được gửi về và anh C. dùng lát nền nhà, mua xe máy cùng những vật dụng khác.

 

Hợp đồng XKLĐ của chị có thời hạn 2 năm, sau đó chị trốn ra ngoài làm ăn thêm 3 năm thì bị chính quyền sở tại bắt được và cho về nước, thành ra tay trắng. Chị về, gia đình lục đục. Anh ức chế bảo, người ta đi thì gửi tiền về cho gia đình xây nhà cửa, chứ đây thì đi 5 năm, trừ một chút ban đầu, còn kiếm được bao nhiêu chồng cũng không biết. Chị thì thất vọng, anh ở nhà đã không đóng góp được gì nhiều, lại thêm lời dị nghị của chòm xóm.

 

Chán gia đình, chị suốt ngày lên Hà Nội, đi tỉnh khác thăm nom anh chị em, bạn bè. Rốt cuộc, chị lại đòi đi XKLĐ tiếp. Chuyện trầm trọng khi anh C. tuyên bố: “Nếu quyết tâm đi thì bỏ nhau rồi hãy đi”.

  

Thách thức không nhỏ

 

Trung tâm nghiên cứu phụ nữ (thuộc một Quỹ nước ngòai tại Việt Nam) chỉ ra những "đặc điểm" của người đi XKLĐ tại Thái Bình. Theo đó, chủ yếu là lao động nữ (trước năm 2005 thì tỷ lệ này là trên 80%), những năm gần đây do thị trường mở rộng các ngành nghề lao động xuất khẩu thì số nam giới đi XKLĐ đã tăng lên. Phần lớn số họ nằm trong độ tuổi từ 28-42.

 

Hầu hết, các gia đình tham gia XKLĐ có số nhân khẩu từ 3 đến 5 người, hơn 1/3 số hộ có ít nhất một con nhỏ dưới 6 tuổi (lứa tuổi cần chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng và tình cảm). Đặc biệt, những hộ có người chồng đi XKLĐ tỷ lệ có một con dưới 6 tuổi chiếm đúng phân nửa, có hai con dưới 6 tuổi chiếm 9,2%. Và đây là gánh nặng rất lớn cho người ở nhà.

 

Thực tế, trước khi đi XKLĐ, thu nhập của các hộ gia đình rất thấp, chủ yếu trong khoảng 5-10 triệu đồng/năm, khá hơn một chút là đến dưới 15 triệu đồng/năm. Rất ít số hộ có thu nhập một năm 30 triệu đồng, còn trên 50 triệu đồng thì hầu như không có. 

Khi đi XKLĐ, thu nhập của người lao động đã tăng lên đáng kể, khoảng từ 6-10 lần so với thu nhập cũ. Có tới gần nửa số hộ đi XKLĐ thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm và trên 100 triệu đồng/năm.

 

Rõ ràng, XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, điều kiện quan trọng để cải thiện cuộc sống, cho bản thân người lao động và hộ gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, làm thế nào để tránh bị lừa khi tham gia XKLĐ hay những câu chuyện hậu XKLĐ ngậm ngùi kể trên xảy ra đang là thách thức không nhỏ.

 

  • Đỗ Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,