- Thành phố Hà Nội sẽ giao Sở Nội vụ thống kê số lượng cán bộ công chức các sở phải chuyển trụ sở từ Hà Nội xuống Hà Đông và ngược lại, từ đó rà soát những người khó khăn về đi lại rồi sẽ có hỗ trợ thích hợp.
Trước những băn khoăn, lo lắng về việc phải đi làm xa, phương tiện đi lại khó khăn trong thời buổi giá xăng cao của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức các sở, ngành vừa di chuyển địa điểm sau sáp nhập, chiều 1/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau khi rà soát, nếu số lượng cán bộ công chức có nhu cầu đi lại bằng xe buýt đưa đón thì thành phố sẽ giao cho Sở GTVT và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu thực hiện.
Giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ được tổ chức lại. |
Tuy nhiên, thực tế thì không phải có xe ô tô đưa đón là giải quyết được chuyện đi lại, vì cán bộ có thể bị "trói chân" khi liên hệ giao dịch công việc với các cơ quan khác.
Để giải quyết khúc mắc này, ông Thảo cho rằng, phải tính toán kỹ nhu cầu, tính chất công việc sao cho đi xe buýt hay đi xe máy là hợp lý. Về lâu dài, khi bộ máy, công việc của Thủ đô sau sáp nhập vận hành trơn tru, căn cứ vào tình hình thực tế, phân bổ ngân sách có thể xem xét hỗ trợ tăng thêm phụ cấp đi lại ngoài lương cho cán bộ công chức.
"Trong ngày làm việc đầu tiên sau khi chuyển trụ sở xuống Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức xe ô tô đưa đón cán bộ công chức của sở này từ trụ sở cũ (12-14 Phan Đình Phùng) đến trụ sở mới ở số 2 đường Phùng Hưng, Hà Đông" - ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho phóng viên VietNamNet biết.
Theo ông Linh, sau khi sáp nhập, nhiều sở ngành quan trọng của Hà Nội chuyển tới Hà Đông, nhu cầu đi lại làm việc của cán bộ công chức và đi lại giao dịch của nhân dân sẽ rất lớn.
PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh (Ảnh: Chí Hiếu)
Bởi vậy, tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ trở thành trục "xương sống" đặc biệt quan trọng để gắn kết trung tâm Hà Nội với các sở, ngành chuyển về đây. Cho nên, sở này đã lên kế hoạch sẽ kiến nghị với thành phố tổ chức lại giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi để hạn chế tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho người dân.
"Dù vậy, việc tổ chức đến đâu và hiệu quả mang lại thế nào cũng phụ thuộc rất lớn vào nguồn kinh phí mà thành phố cấp", ông Linh trăn trở.
Ông Linh cho rằng, tất yếu sẽ phải tổ chức lại các khâu như: phân làn các phương tiện, tổ chức lại mạng lưới xe buýt, cấm xe tải ra vào ở những khung giờ cao điểm như vẫn đang hoạt động từ đoạn ngã 3 Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến cầu Hà Đông.
Về tổ chức xe buýt trên tuyến này, theo ông Linh là rất quan trọng, song chỉ có thể tính toán chi tiết khi biết được dự toán kinh phí, từ đó mới biết là sẽ có thêm các tuyến xe buýt trợ giá của nhà nước hay là kêu gọi tư nhân vào.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đối với kế hoạch di chuyển bến xe Hà Đông ra xa trung tâm và trục đường chính này, ông Linh nói, sau khi hoàn tất bàn giao tiếp nhận, Sở mới tiến hành xem xét trên cơ sở lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Sở GTVT Hà Tây (cũ) vì đó mới là những người am hiểu địa bàn này.
-
Chí Hiếu