221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1090294
Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, cần xóa tan sự vô cảm!
1
Article
null
Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, cần xóa tan sự vô cảm!
,

 - Có người cho rằng trẻ nhiễm HIV/AIDS có quyền đến trường như bao đứa trẻ bình thường. Song có người lo ngại, trẻ nhiễm HIV/AIDS sẽ có những manh động gây tổn thương cho những đứa trẻ khác…

Một lớp học ngay tại trung tâm Mai Hòa - Củ Chi. (Ảnh: Sơ Tuệ Tĩnh)

Nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra tại hội thảo “Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường” ngày 24/7. Hội thảo do Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia TP.HCM tổ chức. 

Mặc cho hội thảo có người đồng thuận, có người dè dặt trong việc đưa trẻ nhiễm HIV/AIDS đến trường, bé Nguyễn Thị Thuỳ Duyên (11 tuổi) ở Trung tâm Mai Hòa – Củ Chi, vẫn say sưa đọc “Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu - Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng…” trong bài thơ “Cây dừa” của Trần Đăng Khoa.

Duyên bé loắt choắt, nhưng đôi mắt vô cùng lanh lợi.

“Ba mẹ con chết lâu rồi. Hồi trước con đi bán vé số với bà nội. Nhưng bây giờ bà nội bị đau chân, nên con vào Mai Hòa. 10 tuổi con mới đi học lớp 1, 11 tuổi thì vào lớp 2. Con thích nhất là học môn Toán", bé Duyên nói.

Nó bảo, sơ Tuệ Tĩnh (Giám đốc Trung tâm Mai Hòa) dặn con chơi không được cắn bạn. Nếu tay bị chảy máu thì không được chạy lung tung, phải vào trạm xá để mấy dì băng bó lại.

Sự vô cảm của người lớn

Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi) đang nuôi dưỡng 16 trẻ đều trong độ tuổi đến trường. Đứa nhỏ nhất vừa tròn ba tuổi, đứa lớn nhất đã bước sang tuổi 14. Nhưng tất cả chúng đều chỉ được đến trường tham gia buổi lễ chào cờ như những đứa trẻ bình thường khác. Còn các lớp học vẫn túm tụm trong Trung tâm Mai Hòa.

“Người ta từ chối không cho chúng tham gia các cuộc thi học kỳ , dù chúng tôi xin cho trẻ ngồi ở phía cuối lớp. Không phải HIV, mà chính người lớn chúng ta đang tước đoạt quyền đến trường của những đứa trẻ. Hơn thế nữa, đến trường là một sự công bằng mà các cháu đáng được hưởng để phần nào bù đắp lại những mất mát do bệnh tật, mồ côi cha mẹ và bị mọi người xa lánh,” sơ Tuệ Tĩnh tâm sự.

Trong khi đó, thực hiện công ước quốc tế về quyền trẻ em trong công tác giáo dục, Trung tâm Tam Bình – Thủ Đức đã phối hợp với phòng Giáo dục Thủ Đức và Trường Tiểu học Xuân Hiệp gần Trung tâm để mở từ lớp 1-5 ngay tại Trung tâm. 23 em đang theo học chương trình tiểu học.

“Xã hội còn rào cản quá lớn giữa trẻ em bình thường và những trẻ em bị nhiễm HIV. Nhận thức của người dân chưa cao, chưa hiểu rõ việc lây nhiễm căn bệnh này như thế nào, do đó nếu phụ huynh biết được con em mình đang học chung lớp với các em bị nhiễm HIV thì chắc chắn họ sẽ có phản ứng ngay, gây nhiều áp lực đối với nhà trường", chị Phan Thị Xuân Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hiệp nói.

Thậm chí ngay cả giáo viên cũng có người cho rằng trẻ nhiễm HIV là hậu quả của lối sống thiếu lành mạnh của cha mẹ, là sản phẩm của tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm…). Khi có ác cảm về tư cách của cha mẹ, thầy cô giáo sẽ khó sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ trẻ bị nhiễm HIV đến trường sinh hoạt, học tập tự nhiên như những trẻ khác.

HIV là mầm bệnh khó lây

Con muốn đến trường... Ảnh: H.Cát
TP.HCM hiện có khoảng vài trăm trẻ bị nhiễm HIV. Đó là số ca bệnh tồn tại từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, nhờ chương trình phòng lây nhiễm mẹ - con, mỗi năm thành phố chỉ có chừng 30 trẻ nhiễm HIV ra đời. Việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, hòa nhập với cộng đồng là một trở ngại vô cùng lớn.

“Nhiều giáo viên e ngại trẻ nhiễm HIV đến trường và sinh hoạt tự do với bạn sẽ khó tránh sự va chạm gây trầy xước và có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Giáo viên không muốn đưa trẻ đến trường, hoặc hạn chế sự giao tiếp của trẻ nhiễm với trẻ bình thường khác, như cho trẻ ngồi riêng, chơi riêng một mình…”, TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng – ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết.

BS. Võ Minh Quang – BV Bệnh Nhiệt Đới, khẳng định, HIV không phải là mầm bệnh dễ lây. Tỷ lệ lây sau một tiếp xúc có nguy cơ cao là khoảng 1/1000 – 1/100. Tỷ lệ lây của siêu vi viêm gan C cao hơn 10 lần và của siêu vi viêm gan B cao hơn 100 lần so với HIV.

“Những loại dịch cơ thể có khả năng truyền HIV bao gồm: dịch cơ thể có vấy máu, dịch não tủy, dịch khớp, dịch màng phổi, dịch màng bụng, màng tim… Những loại dịch không xem là nguyên nhân lây truyền HIV là nước mắt, nước bọt mà không thấy rõ máu trong nước bọt, nước tiểu không có máu hoặc phân",  BS. Quang cho biết.

Điều khắc khoải của những người quan tâm đến chương trình này là ở lứa tuổi cấp 1, khi không được hòa nhập với các bạn thì nhân cách của trẻ làm sao phát triển toàn diện được, làm sao các cháu học được kỹ năng hợp tác và chung sống với nhau. Những đứa trẻ dần dần sẽ bị đẩy ra bên lề xã hội.

TS. BS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch UB Phòng chống AIDS TP.HCM, kêu gọi Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM có chỉ đạo mạnh mẽ hơn để có thể đưa trẻ nhiễm HIV/AIDS đến trường càng sớm càng tốt.

BS. Giang cho rằng, trẻ nhiễm HIV/AIDS nếu bắt đầu đến trường từ khi vào lớp 1 sẽ tạo thành một thói quen, đến khi trẻ lên cấp II – III, trẻ đã hòa nhập bao nhiêu năm với nhau. Người lớn sẽ không còn sợ phản ứng giữa trẻ bình thường với trẻ nhiễm, vì chúng đã hiểu rõ về nhau. Càng sớm đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, càng sớm xóa tan đi nỗi kỳ thị trong cộng đồng. 

  • Hương Cát

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,