- Sau khi xăng lên giá 19.000 đ/lít, ở Cần Thơ, hầu hết các cây xăng đều bán ra ở nhịp độ bình thường. Tuy nhiên, giới vận tải, xe, tàu... lại bắt đầu lo!
Xe tải đang đối mặt với giá xăng dầu tăng cao. |
Phân tích những khó khăn phía sau, anh Thu cho rằng sẽ quá tải cho người đang kinh doanh vận tải. Xăng dầu tăng giá là đòn giáng vào sự chịu đựng của doanh nghiệp vận tải.
Anh Thu phân tích: Để có chiếc tàu chở 1.000 tấn với trang bị máy móc đồng bộ, chủ tàu phải có 6 tỉ đồng. Trong đó vốn vay hết 4,5 tỉ, còn lại là vốn tự có. Với số vốn vay như trên, mỗi tháng lãi suất không ít hơn 70 triệu đồng. Vậy mà trước khi xăng dầu tăng lên ngày 21/7, mỗi tháng chúng tôi chỉ chở được 2 chuyến đá từ Đồng Nai về Hậu Giang, mỗi chuyến 1000 tấn đá, giá hợp đồng chỉ có 30 triệu đồng. Trừ tiền xăng dầu, thuê thuyền trưởng và 3 nhân viên, tiền ăn uống… còn lại lời hơn 10 triệu đồng. Hai chuyến đi trong tháng số tiền lời cũng chưa vượt qua con số 25 triệu đồng trong tháng. Với mức thâm hụt này khó cầm cự nổi lâu dài, vì làm thì cũng có lời nhưng thu không đủ chi và không đủ đóng tiền lãi vay ngân hàng.
Đó là tính theo mức giá xăng dầu trước khi tăng, còn hiện nay với giá xăng dầu mới tăng, số tiền lời của chiếc tàu anh điều khiển mỗi tháng chỉ còn 20 triệu, vì gần 4 triệu đồng phải chi ra cho tiền tăng giá dầu Diesel.
Giao thông đường thuỷ ở ĐBSCL. |
Theo Cục Đường sông, tại ĐBSCL, hơn 60% hàng hoá và cát đá vật tư xây dựng… đều vận tải bằng tàu bè. Ngay cả khối lượng cát đá để xây dựng giao thông ĐBSCL mỗi năm từ 2-3 triệu tấn cũng từ những ghe tàu, xà lan di chuyển trên các con sông rạch đồng bằng.
Tình thế của những người vận tải đường bộ cũng khó khăn không kém đường thủy, vì hiện nay có 60-70% hàng hoá tại ĐBSCL xuất khẩu phải chuyển bằng container đến các cảng tại TP Hồ Chí Minh.
Theo giá hiện hành, một container khoảng 8-10 tấn hàng xuất khẩu vận chuyển từ ĐBSCL lên các cảng ở TP.HCM để xuất đi phải mất khoảng 6-7 triệu đồng, tương đương với 300-350USD. Với giá này DN xuất khẩu kêu khó nhưng DN vận tải đâu phải hài lòng.
Anh Võ Hũu Trí, tài xế xe tải loại lớn 57K-5966 cho biết: Vận chuyển một container hàng xuất khẩu từ Cần Thơ đến cảng Cát Lái là 7 triệu đồng, theo giá dầu lúc chưa tăng, trừ hết chi phí và xăng dầu DN vận tải lời 2 triệu đồng/chuyến, nay giá dầu tăng chỉ còn 1,6 triệu đồng thôi. Một đầu kéo container đầu tư vốn lớn, phần lớn là vốn vay, số lời đó quá mỏng nên một số DN cho xe nằm ụ.
Giá xăng dầu tăng cũng kèm theo là lời (lãi) "mỏng" và ế khách đối với những người sản xuất kinh doanh nông thôn. Anh Hồ Thanh Phong, người ở ấp Tân Phú - thị trấn Cái Tắc - Châu Thành, Hậu Giang có hơn 5 chiếc ghe chở cát và thổi cát san lấp nền nhà nói: Trước đây xăng dầu giá rẻ, 9.500 đồng/lít dầu Diesel thổi một khối cát 20 ngàn đồng, nay giá dầu tăng cao, thổi 1 khối cát giá lên đến 30.000-45.000 đồng, tuỳ vào đường xa gần, giá tăng lên gấp 2 lần nên bị ế lắm. Làm lời rất mỏng, ít khách kêu thổi cát, vì vậy tôi đã giảm phân nữa số ghe chở cát.
Vận tải đường sông trước sức ép giá xăng dầu. |
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, chủ nhà máy xay xát ở Cái Tắc - Châu Thành A, Hậu Giang, nếu giá dầu tăng lên như hiện nay, hầu hết các nhà máy chạy dầu Diesel tiếp tục hoạt động dễ bị phá sản.
-
Bài, ảnh: Vĩnh Kim