- Do phần lớn ôtô khách chạy dầu nên các doanh nghiệp vận tải đường dài không quá lo lắng khi giá dầu tăng thêm chỉ 2 nghìn đồng/lít. Trong khi đó các hãng taxi đang bối rối vì giá xăng lần này tăng mạnh.
Giá vé ôtô liên tỉnh chưa tăng
Trước sự thay đổi của giá xăng, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vận tải. Trong ngày tăng giá xăng lên 19.000 đồng/lít, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, PV VietNamNet đã ghi nhận nhiều ý kiến của các DN vận tải. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường dài không tỏ ra lo lắng trước sự kiện xăng dầu này.
Cuối giờ chiều ngày 21/7, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam (Hà Nội) cho biết, hiện mức giá vé ôtô đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… vẫn được giữ nguyên. Cụ thể: Hà Nội đi Thái Bình: 50.000 đồng/vé; Hà Nội đi Nam Định: 40.000 đồng/vé.
Ông Thành cho rằng, giá vé thời gian tới chắc chắn sẽ tăng, tuy nhiên việc này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, mà khả năng phải tới cả tháng như những lần tăng giá vé trước đây.
Xe khách ở bên Nam Hà Nội (Ảnh: C.Minh)
“Không phải hễ giá xăng dầu tăng buổi sáng là buổi chiều các đơn vị vận tải có thể tăng giá vé được” - ông Thành nói. Bởi vì, theo ông: “Họ phải trình văn bản lên các cơ quan có thẩm quyền như quản lý thuế, sở tài chính vật giá, sở giao thông vận tải… về mức giá dự kiến. Sau đó còn tiến hành in vé ở các đơn vị được phép của cơ quan thuế”.
Một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vận tải không quá "sốt sắng" vì giá xăng dầu ảnh hưởng đến giá vé là do nhiên liệu chính chạy xe khách là dầu. Một lái xe của Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình cho biết, công ty này hiện có 15 đầu xe từ 35-46 ghế, trong đó chạy 13 xe, 2 xe còn lại làm dự phòng. Tất cả những xe này đều sử dụng nhiên liệu dầu.
Trong những lần tăng giá dầu trước đây từ 8.600 đồng/lít- 10.200 đồng/lít- 13.950 đồng/lít thì giá vé xe khách từ Thái Bình đi Hà Nội lần lượt tăng từ 35.000 đồng/vé- 40.000 đồng/vé và hiện nay đang là 50.000 đồng/vé.
Bác tài này tính toán: “Tôi chạy xe 46 chỗ, trung bình hết 30lít/100 km, một vòng tuần hoàn Thái Bình - Hà Nội - Thái Bình hết 60 lít, trước đây hết 840 nghìn đồng thì giờ phải là 960 nghìn đồng, mà trung bình hàng tháng tôi chạy từ 45- 50 chuyến”.
Như vậy, ngoài tiền lệ phí bến hai đầu bãi (83 nghìn đồng/lượt ở bến Thái Bình và 93 nghìn đồng/lượt ở bến Giáp Bát - HN); tiền cầu đường 3 chặng (660 nghìn đồng/tháng) thì tiền dầu phụ trội hàng tháng của một chiếc xe khách lên đến hàng triệu đồng.
Theo dự tính của lái xe này, do giá dầu lần này tăng chưa mạnh bằng lần trước nên giá vé tuyến Thái Bình - Hà Nội có tăng thì cũng không thể quá cao kiểu từ 40-50 nghìn đồng/vé lần trước. Nếu tăng sẽ là thêm 5.000 đồng/vé, vì các doanh nghiệp vận tải không tăng lẻ kiểu 2,3 nghìn đồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận: Giá dầu có tăng nhưng so với giá xăng thì còn khá nhẹ, vì vậy các doanh nghiệp vận tải nên cùng gánh vai chia sẻ với Chính phủ.
Ông Dũng cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải trước mắt sẽ chưa tăng giá vé, dù rằng việc kinh doanh ngày một khó.
Các hãng taxi rối bời
Ngược lại với ôtô khách, các xe taxi lại 100% chạy xăng.
Các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước
Ông Phạm Quốc Hùng - Phòng kinh doanh - Công ty cổ phần vận tải Vạn Xuân (60 Trần Nhân Tông, HN) đã “rất bất ngờ” khi hay tin giá xăng tăng.
Hãng taxi Vạn Xuân hiện sử dụng 300 xe Matiz, giá cước là 7.500 đồng/km cho 20 km đầu tiên, từ km thứ 21 giảm còn 5.500 đồng/km. Nếu khách đi hai chiều trên 40 km thì lượt về được giảm 50%.
Trước vấn đề tăng giá xăng có thể ảnh hưởng đến giá taxi như thế nào, ông Hùng nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ phải tăng giá cước do giá xăng tăng quá mạnh. Tuy nhiên chúng tôi phải cân đối cho hết sức hợp lý, không tăng thì lỗ nhưng nếu giá quá cao thì khó lòng hút khách hàng”.
Lần tăng giá cước gần đây nhất của hãng này vào hồi tháng 2, khi đó giá cước còn là 7.000 đồng/km. Tuy nhiên, mỗi lần tăng giá cước không hề dễ dàng cho các hãng taxi, ngoài việc trình công văn lên các sở ban ngành, họ còn phải mang toàn bộ xe đi giám định và chỉnh lại giá cước trên đồng hồ tính tiền, vốn đã bị niêm phong.
Một tài xế taxi giấu tên đỗ xe trước cửa Khách sạn Hà Nội cho hay: Hãng của tôi trả lương khoán theo tỉ lệ 50/50 (đây là mức khoán gần như cao nhất của các hãng taxi, bình quân chỉ đạt mức 45/50 - PV), bình quân tôi chạy 200 km/ngày, xe của tôi công suất 1.6 “ngốn" khoảng 20 lít. Nếu như hôm nay, khi giá cước chưa được chỉnh, giá xăng lại tăng tôi sẽ phải bù lỗ 100 ngàn đồng. “Như vậy, bao nhiêu lời lãi thành ra đổ vào xăng dầu” - anh này than thở.
- Đỗ Minh