221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1087670
Người dân xanh mặt vì "tai xanh"
1
Article
null
Quảng Nam:
Người dân xanh mặt vì 'tai xanh'
,

 - Đợt dịch heo tai xanh bùng phát ở Quảng Nam tuy chưa gây thiệt hại lớn, nhưng người dân nghèo thì ai nấy đều đang xanh mặt vì "tai xanh"…

“Tai xanh” - chính quyền và dân cùng khóc!

 

Về làng Vĩnh Xuân thuộc tổ 2, thôn 6 xã Bình Trung, huyện Thăng Bình những ngày này trở nên náo nhiệt, bởi lực lượng chức năng của xã, huyện huy động tổng nguồn lực về làng "bao vây" dập dịch tai xanh.

 

Heo nặng hơn tạ, gia sản của nông dân, nhiễm bệnh phải tiêu huỷ. Ảnh: Vũ Trung.

 

Từ đầu làng, băng rôn giăng ngang đường thông báo vùng dịch nguy hiểm, mùi hoá chất nồng nặc, từng nhóm người tiến hành bắt heo nhiễm bệnh đi tiêu huỷ…

 

Chủ tịch UBND xã Bình Trung, Võ Văn Quảng không giấu nổi lo âu: “Ở đây ngoài cây lúa, tất cả chi tiêu trong gia đình của bà con nông dân đều nhờ con heo. Nhưng dịch bùng phát như thế này đành phải tiêu huỷ bắt buộc thôi…”.

 

Trong những ngày này, tất cả các cuộc họp ở xã, huyện đều được lãnh đạo xã Bình Trung tạm gác lại để tập trung dập dịch. Đích thân chủ tịch xã chỉ huy lực lượng tiêu huỷ số heo nhiễm bệnh tại thôn Vĩnh Xuân cũng đã phải lắc đầu khóc theo người nông dân.

 

Mặc dù đã đồng ý để cho đoàn công tác của xã tiến hành tiêu huỷ bắt buộc đàn heo của mình, nhưng bà Huỳnh Thị Mai (65 tuổi) bỗng oà khóc khi nhìn đàn heo 8 con của mình bị gí điện cho chết rồi đưa đi tiêu huỷ.

 

Đàn heo cứ lũ lượt ra... đồng. 
Ảnh: Vũ Trung.
Bên góc khuất trong nhà kho, chị Nguyễn Thị Thu ngồi khóc tức tưởi khi đoàn công tác liên ngành đến nhà bắt đàn heo 5 con đưa đi tiêu huỷ. “Sáng mô tui cũng dậy sớm lo cho đàn heo xong mới lo cho gia đình. Mấy đứa con ăn học cũng nhờ nó.  Chừ thì hết rồi, không biết lấy chi để sống. Rồi còn mấy đứa nhỏ lấy chi cho tụi nó đến trường…”, chị Thu vừa khóc vừa kể.

 

Chị Nguyễn Thị Lan bảo đàn heo nhà chị chưa nhiễm bệnh. Nhưng mấy nhà trong xóm heo đã nhiễm bệnh và đã tiêu huỷ. Bán thì không ai mua, còn để lại nuôi thì sợ rồi cũng đem đi tiêu huỷ, hơn hai ngày qua chị đứng ngồi không yên. Đã có lúc chị nghĩ liều là lén chở heo đi bán, nhưng làm sao chở lén được, vì heo con mô cũng nặng hơn 1 tạ.

 

Nhiều gia đình trong làng Vĩnh Xuân đành phải bỏ heo đói. Nhưng bỏ đói thì nó kêu la cả ngày đêm làm sao chịu thấu. Chính vì vậy mà rất nhiều hộ gia đình đề nghị chính quyền địa phương tổ chức tiêu huỷ. May ra còn vớt vát chút vốn liếng nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước với giá 25.000 đồng/kg.

 

Trắng tay vì “tai xanh”

 

Qua những xóm làng ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình ở đâu cũng gặp những gương mặt nông dân phờ phạc vì lo lắng, bởi họ đang phải đối mặt với cái nắng hạn làm lúa thiếu nước chết đứng. Bây giờ lại đến dịch tai xanh tràn qua.

 

"Tai xanh" ập đến, bà trắng tay. Ảnh: Vũ Trung.

 

Anh Ngô Văn Thuận, Thôn trưởng thôn Vĩnh Xuân lật sổ nhẩm tính, chỉ trong hơn 2 ngày qua đã có 35 hộ dân đang xanh mặt vì tai xanh. Vì đàn heo của 35 hộ này đã nhiễm bệnh và bắt buộc tiêu huỷ 166 con. Đó là chưa kể 49 con vừa mới tiêu huỷ hôm 16/7.

 

Anh Thuận bảo, số bà con có heo nhiễm bệnh xanh mặt đã đành, số hộ sống cận kề các hộ có heo nhiễm bệnh hiện cũng đang xanh mặt vì lo lắng. Nhiều hộ nuôi heo thịt đã đến chính quyền đề nghị xin được tiêu huỷ. Khổ nhất là số heo chưa nhiễm bệnh nằm trong vùng dịch lại bị cấm vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ. Chính vì vậy mà bà con lo lắng.

 

Bởi với bà con ở đây con heo được xem là cả cơ nghiệp. “Ở đây ruộng đất ít, dân lại đông, nên bà con không chăn nuôi trâu bò mà chủ yếu là chăn nuôi heo như một nghề chính. Bình quân mỗi hộ mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi heo 20 triệu đồng. Chính vì vậy mà nghe heo bị dịch, nhất là đàn heo nái giống bị nhiễm bệnh là tất cả đều xanh mặt. Bởi một con heo nái giống tốt khoảng 1 tạ, có giá khoảng 10 đến 15 triệu đồng chưa chắc họ đã bán.

 

Trong khi đó, nếu đem tiêu huỷ chỉ được Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg hơi, chỉ mới bằng ¼ giá trị. Mà chưa chắc tìm được con heo nái giống tốt. Đã có nhiều gia đình có ý định di chuyển những con heo nái giống đi nơi khác để tránh dịch. Nhưng lệnh cấm, không thể nào đưa ra khỏi địa bàn được.

 

Anh Lê Văn Tiện kể, đàn heo nái giống của anh có cả thảy 5 con bị tiêu huỷ sáng nay. Như vậy là anh trắng tay, bởi cả một gia sản trị giá hơn 60 triệu đồng, “nếu tiêu huỷ heo thịt thì còn lấy lại được vốn. Nhưng heo nái giống thì coi như trắng tay…”, anh Tiện kể trong nước mắt.

 

Ngay buổi sáng 17/7, cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn heo, anh dắt vợ đi trốn nhà bên cạnh. Bởi như lời anh nói là không dám để vợ nhìn thấy cảnh gí điện cho chết đàn heo nái giống!

 

Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thăng An cho biết, rút kinh nghiệm đợt dịch năm trước,

Vẫn còn một số lái heo lén lút đi mua heo trong vùng dịch. Ảnh: Vũ Trung.
chấp nhận thương đau, nước mắt, cứ nơi nào có dịch bùng phát là bao vây dập dịch, bất kỳ đàn heo nào dù ít hay nhiều đã bị nhiễm bệnh là tiêu huỷ cả đàn để tránh lây lan trên diện rộng.

 

Thống kê chưa đầy đủ, đến 20 giờ ngày 17/7, dịch tai xanh đã bắt đầu bùng phát và có dấu hiệu lan nhanh trên diện rộng. Thông tin báo cáo từ cơ sở đã có 3 thôn trong khu vực gồm Vĩnh Xuân, Vình Phú, Kế Xuyên 1 đã xuất hiện heo nhiễm bệnh bỏ ăn. Riêng tại thôn Vĩnh Xuân đã tổ chức tiêu huỷ hơn 215 con heo bị nhiễm bệnh của 37 hộ dân.

 

Bí thư Đảng uỷ xã Bình Trung Trần Thanh Long cho biết, ngoài số heo bị nhiễm bệnh tại thôn Vĩnh Xuân đã được tiêu huỷ, các thôn lân cận như Vinh Phú, Kế Xuyên 1 heo cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh bỏ ăn. Bà con nông dân đã đến trình báo tại xã và yêu cầu chính quyền tổ chức tiêu huỷ.

 

Mặc dù lệnh cấm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ thịt heo tại vùng dịch được ban bố ngay chiều hôm qua, nhưng việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ heo và thịt heo tại đây vẫn chưa được thực hiện triệt để.

 

Dịch heo tai xanh bùng phát đã làm người nông dân Quảng Nam xanh mặt khi nhớ lại đợt dịch hồi năm 2007, khi mà lúa thì chết khô vì do hạn hán, dịch tai xanh lại ập xuống mang nốt số tài sản ít ỏi là đàn heo của họ ra đi...

  • Vũ Trung

  •  
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;