- Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Cần Thơ đã công bố thêm những sai phạm tại Nông trường sông Hậu (NTSH). Trong đó, có vụ lập quĩ trái phép lên đến 29 tỉ đồng. Phần lớn, số tiền này được chia chác, chi xài vô tội vạ...
Kiểm tra phòng làm việc của bà Trương Hồng Nhung, Phó Giám đốc NTSH, lúc bà Nhung bị bắt tạm giam 4 tháng. |
Chi tứ tung
Cơ quan điều tra khẳng định số nợ 230 tỷ đồng của NTSH được liệt vào dạng nợ khó có khả năng thanh toán. Mặc dù nợ nần như thế nhưng lãnh đạo nông trường vẫn có được những khoản riêng để chi xài tùy tiện, sai quy định nhà nước về quản lý kinh tế.
Đó là chỉ đạo việc khoán đất dôi dư để thu thêm từ nông trường viên sai qui định và số tiền thu thêm từ việc khoán đất này lên đến 33 tỉ đồng. Số tiền này đã không được đưa vào Kho bạc Nhà nước theo qui định mà lãnh đạo nông trường chỉ đạo để bên ngoài chi theo một nguyên tắc riêng của nông trường.
Ngoài ra, trong thời gian từ 1994-2007, lãnh đạo nông trường đã chỉ đạo lập một khoản quỹ nằm ngoài sổ sách kế toán nhà nước. Cơ quan điều tra đã “lần” ra được khoản quĩ này trong thời gian gần đây với số tiền lên đến 29 tỉ đồng. Khoản quỹ đen đã được cơ quan điều tra xác định là do NTSH lập ra vào hai thời điểm. Từ 1994 -2000 thì ông Trần Ngọc Hoằng làm giám đốc và lập quĩ, chi xài hết 20 tỉ đồng. Từ 2000-2007, bà Trần Ngọc Sương (con ông Hoằng) từ Phó Giám đốc nông trường lên làm giám đốc đã lập quĩ tiếp 9 tỉ đồng nữa và đều chi xài vô tội vạ.
Cơ quan điều tra xác định từ năm 2002 đến 2005, nông trường đã ký 20 hợp đồng kinh tế với tổ chức, cá nhân gây thất thoát cho nông trường trên 5,5 tỉ đồng. Nhiều cá nhân đã nợ nông trường nhưng sau đó đã được lãnh đạo xóa nợ. Số tiền xóa nợ mà cơ quan điều tra xác định lên đến trên 7,6 tỉ đồng, trong đó có hai Việt kiều ở nước ngoài được xóa trên 2,5 tỉ đồng và 14.000USD.
Ông Nguyễn Văn Sơn, thủ quỹ Nông trường sông Hậu. |
Trong những người được giảm nợ này, nội dung giảm nợ được cơ quan chức năng xác định tập trung vào chi phí giao dịch, chi phí công tác, đi nước ngoài… không có chứng từ thanh toán hoặc hạch toán sai đối tượng.
Một số trường hợp khác được giảm nợ nhưng không rõ nguyên nhân. Làm việc với cơ quan điều tra mới đây, có ít nhất 4 người trong danh sách được giảm nợ nói rằng họ nợ là do ứng tiền cho giám đốc nông trường đi công tác, số tiền này được xác định khoảng trên 1,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong các khoản chi khác từ các nguồn thu, quĩ sai qui định thì cơ quan chức năng xác định nông trường đã sử dụng chưa đúng qui định của Nhà nước. Cụ thể, có những khoản chi gọi là chi cho “mật báo viên” từ năm 1994-1998 là gần 50 triệu đồng cho trên 5 người.
Khoản chi cho an ninh quốc phòng của nông trường từ 1993-2005 với số tiền trên 3,7 tỉ đồng còn có rất nhiều tên tuổi nhận tiền từ khoản thù lao “mật báo viên”. Bên cạnh đó còn những khoản chi được cơ quan chức năng xác định là chi nhuận bút cộng tác viên với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng với nhiều người nhận số tiền này. Và hàng chục khoản chi khác mà chúng tôi không tiện nêu lên hết với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Chi cả cho người chết
Ngoài các khoản chi được xác định là “chi tứ tung” kể trên thì còn một khoản chi khác rất buồn cười: chi cả cho người đã chết. Một cán bộ có trách nhiệm của cơ quan CSĐT cho biết, trong quá trình điều tra đã xác định được hai người đã chết… nhận tiền. Hai người này đã được lãnh đạo nông trường “chiếu cố” một cách lạ thường. Đó là trường hợp của ông Trần Ngọc Hoằng, Giám đốc NTSH và Nguyễn Quang Lâm, Phó Giám đốc NTSH.
Kế toán trưởng Nông trường sông Hậu đang ký vào biên bản. |
Tương tự, ông Lâm mặc dù đã chết từ tháng 11/1996, nhưng kể từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2006, lãnh đạo nông trường đã duyệt chi trả cho ông này trên 72 triệu đồng. Nội dung chi là “trợ cấp lương kiêm nhiệm”.
Ngoài ra, từ khoản tiền quỹ dồi dào kể trên, lãnh đạo nông trường đã chỉ đạo chi trợ cấp cất nhà cho 107 cán bộ của nông trường với số tiền trên 1,3 tỉ đồng với mức chi dao động từ 2-50 triệu đồng mỗi trường hợp. Cá biệt, riêng trường hợp của Trần Ngọc Nhanh, em của Giám đốc Trần Ngọc Sương được duyệt chi ngoại lệ đến 350 triệu đồng.
Đại tá Lê Việt Hùng, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết, trong quá trình điều tra thì các hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc chi, xuất từ nguồn quỹ trái phép đã bị một số người tiêu hủy để đối phó với cơ quan CSĐT. Bên cạnh đó, một số người còn dùng thủ đoạn đổ lỗi cho người đã chết hòng chạy tội và trách nhiệm của mình.
Bà Trương Hồng Nhung, Phó Giám đốc NTSH, người vừa bị CQĐT bắt tạm giam bốn tháng đã hào phóng duyệt chi 243 triệu đồng để mua tặng giám đốc nông trường căn nhà tại số 22, đường Đinh Tiên Hòang, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Bên cạnh đó, cũng từ nguồn quỹ trái phép, lãnh đạo nông trường đã duyệt chi mua 16 lượng vàng và 3 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 5 triệu đồng để làm quà tặng cho giám đốc nông trường mỗi dịp lễ, Tết hoặc sinh nhật.
Cuối cùng, không thể không kể đến việc lãnh đạo nông trường đã xuất 9 tỉ đồng để mua 39 miếng đất và nhà nằm rải rác khắp nơi trong và ngoài thành phố Cần Thơ. Những miếng đất này được lãnh đạo nông trường, cán bộ hoặc nguời thân của họ đứng tên sở hữu. Có thể kể tên những người đứng tên các miếng đất mà nông trường đã mua, như: Trương Hồng Nh., Đặng Quang Kh., Nguyễn Thị Bích S., Hoàng Thị B., Vũ Duy T., Nguyễn Sơn Ph...
-
Huỳnh Anh