- 5 tháng đầu năm 2008, thị trường thuốc của TP.HCM đã manh nha tăng giá bình quân từ 1-3%. 1,3% mặt hàng thuốc nội tăng 3,8% và 2,2% thuốc ngoại tăng 2,6%. Hai doanh nghiệp dược đã bỏ thầu ở BV Bệnh Nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch.
Ngày 6/7, tại buổi làm việc nhằm tìm cách bình ổn giá thuốc với Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan - PGĐ Sở Y tế TP.HCM, cho biết như trên.
Giá thuốc tăng, dù muốn dù không, người bệnh vẫn không thể "nhịn" được.
(Ảnh: H.Cát)
Thị trường thuốc lẻ đã có sự tăng giá trong giới hạn cho phép từ 1-3%. Nguyên nhân là do những doanh nghiệp dược phẩm cắt bỏ phần chiết khấu của các nhà thuốc.
Thế nhưng, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện một số mặt hàng đã tự ý tăng quá mức cho phép trên như: một số mặt hàng của Công ty Dược phẩm Đông Nam tăng 5%-7%, 11 mặt hàng của Công ty Trà Vinh tăng 4%-6% và Công ty Dược phẩm Trung ương 25 tăng từ 13%-28%.
Trước tình hình biến động giá hiện nay, một số công ty dược đã tự ý bỏ thầu, ngưng cung cấp thuốc. Cụ thể, BV Bệnh Nhiệt đới đang mời một nhà cung cấp khác là Công ty Dược phẩm Sài Gòn Sapharco vì Công ty Tân Á đã bỏ thầu. Và Sở Y tế TP.HCM cũng đang gấp rút tìm một nhà cung cấp dược phẩm khác cho BV Phạm Ngọc Thạch, vì Công ty Chính Đức đã từ chối cung cấp thuốc theo hợp đồng trúng thầu.
TS. Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu, Sở Y tế xử lý nghiêm khắc, thậm chí rút giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp đầu cơ tích trữ hàng, vi phạm việc tăng giá thuốc, cũng như xử lý các doanh nghiệp tự ý bỏ thầu, ngưng cung cấp thuốc gây khó khăn trong công tác điều trị.
Trước đó, trong hai ngày 5-6/7, Bộ Y tế kết hợp với Cục Quản lý Dược đã tiến hành kiểm tra thị trường dược ở Bình Dương và TP.HCM. Tại khu vực Bình Dương, 33 mặt hàng thuốc tăng giá từ 5%-50%, thậm chí có mặt hàng tăng 100%.
Còn tại TP.HCM, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện ở nhà thuốc Mỹ Châu, một số mặt hàng thuốc tăng từ 4-10%, chủ yếu là mặt hàng thuốc vitamin.
TP.HCM hiện có hơn 4.000 nhà thuốc, kể cả nhà thuốc bệnh viện (BV) và nhà thuốc bán lẻ. TP.HCM chiếm giữ 70–75% thị trường dược phẩm cả nước, do đó sự bùng phát trên diện rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thuốc cả nước.
Sau ngày 30/6, các công ty dược đã bắt đầu nộp hồ sơ xin điều chỉnh giá thuốc tại các Sở Y tế sở tại. Việc điều chỉnh này sẽ thống nhất trên cả nước để đảm bảo giá hợp lý so với mặt bằng chung. Đồng thời các cơ quan quản lý cũng đảm bảo rằng thuốc sẽ không được tăng giá đồng loạt, cung ứng đủ thuốc và cả đảm bảo hoạt động doanh nghiệp.
-
H.Cát